05:23 16/05/2016

Chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng

Một trong những mục tiêu quan trọng và xuyên suốt được đề ra trong Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X là nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập. TP Hồ Chí Minh đang xây dựng nhiều chương trình hành động cụ thể để thực hiện mục tiêu này.

Khai thác lợi thế tiềm năng

Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP Hồ Chí Minh là một chương trình lớn, nhằm xây dựng những giải pháp, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Cùng với chủ trương này, một loạt các chương trình, đề án, chủ trương chính sách lớn được triển khai trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ… đã tạo được những thay đổi quan trọng. Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế ngày càng được nâng lên theo hướng giảm tỷ trọng các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, các ngành gây ô nhiễm môi trường. Khu vực dịch vụ phát triển nhanh, từng bước hình thành trung tâm dịch vụ tài chính, thương mại, du lịch, vận tải, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ của khu vực và cả nước. Tăng dần tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu và giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ. Phát triển nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghệ sinh học. Phát triển trung tâm giống cây trồng, giống vật nuôi của khu vực. Huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Huyện Củ Chi hiện có 165 ha trồng hoa lan, chủ yếu là loài Mokara, Dendrobium, hồ điệp được nhập khẩu từ Thái Lan cho năng suất tốt, chất lượng cao. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN

Đơn cử trên lĩnh vực thương mại, hệ thống phân phối hiện đại có những chuyển biến tốt về số lượng và chất lượng, người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa thuận tiện và được phục vụ tốt hơn. Cùng với sự phát triển ấn tượng của các chuỗi cửa hàng tiện lợi, hoạt động thương mại điện tử cũng phát triển nhanh chóng. Xuất khẩu của thành phố cũng phát triển theo hướng bền vững với mức tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 7,9% (không kể dầu thô). Thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng, chất lượng được cải thiện với hàm lượng giá trị gia tăng trong cơ cấu hàng xuất khẩu đạt khoảng 18% và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chiếm trên 72%. Bên cạnh đó, chương trình kết nối cung cầu, chương trình bình ổn hàng hóa đã tác động tích cực đến thị trường cũng như doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tận mắt chứng kiến những mô hình trồng rau sạch, những trại giống tiền tỷ… ở huyện Củ Chi mới phần nào hình dung cụ thể về sự chuyển dịch trong lĩnh vực nông nghiệp. Những mô hình này ra đời chính là thành quả cụ thể từ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, kết hợp du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch đặc trưng của thành phố. Việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại đã hình thành nên những trang trại, các trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và năng suất cao, hình thành các chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Đây cũng chính là những minh chứng cụ thể trong chính sách nâng cao chất lượng tăng trưởng của thành phố.

Tạo bước phát triển đột phá

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng của thành phố, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cho rằng, bên cạnh những thành công trong chính sách phát triển kinh tế, TP Hồ Chí Minh vẫn đang đối diện với nguy cơ tụt hậu so với các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và đã tụt hậu quá xa so với các thành phố lớn tầm châu Á (Seoul, Singapore) hay ASEAN (Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur). Điều này đòi hỏi, lãnh đạo thành phố cần phải nhìn nhận thẳng thắn vào những yếu kém, để phân tích những nguyên nhân cội rễ, những điểm tắc nghẽn sự phát triển của TP Hồ Chí Minh. Từ đó, đặt vấn đề nghiêm túc cùng các chuyên gia trong và ngoài nước đề xuất giải pháp. TP Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế cạnh tranh về địa chính trị, nếu có định hướng khéo léo và đúng đắn, TP Hồ Chí Minh có thể là một cửa ngõ giao dịch của châu Á như cách Singapore đã làm rất thành công trong 50 năm qua. Với cơ hội toàn cầu hóa hiện nay, thành phố cần đẩy mạnh thu hút FDI qua các tập đoàn đa quốc gia, cần có một chính sách lương/thưởng, ưu tiên thu hút nhân tài, các chuyên gia cao cấp trong nước và quốc tế, xây dựng chính sách khoán hiệu quả và giá trị cho chuyên gia… nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng cũng như năng suất lao động, tiếp tục thực hiện 3 đột phá gồm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trong số những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới chính sách để phát triển khoa học và công nghệ. Đây là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao năng suất thông qua hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và máy móc thiết bị, phát triển các kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tại địa phương, nâng cao chất lượng quản trị của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tập trung thu hút có chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào những ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, những ngành sản xuất thân thiện môi trường, công nghiệp xanh. Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ; khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động sáng tạo công nghệ đối với cá nhân các nhà khoa học, đồng thời khuyến khích hình thành các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, vườn ươm công nghệ cao thương mại điện tử…

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh sẽ coi hội nhập quốc tế như động lực để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh. Trong đó, hệ thống thông tin theo dõi các loại thị trường phải được tổ chức tốt và hiệu quả để đủ cơ sở phân tích những tác động, dự báo được các biến động, rủi ro khi tham gia vào sân chơi quốc tế. Xây dựng và phát triển các kênh kết nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, củng cố vai trò trung gian kết nối của chính quyền, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, để từng bước định hình năng lực của doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt chú ý đến thị trường tài chính và thị trường bán buôn - bán lẻ, theo dõi các biến động, dự báo nguy cơ và tận dụng thời cơ để có những chiến lược tác động phù hợp.

Ông Phong cũng cho rằng, nâng cao chất lượng tăng trưởng phải đi đôi với quá trình hoàn thiện và phát triển dần năng lực cung ứng các dịch vụ công cho nhân dân, đảm bảo khả năng tiếp cận ngày càng tốt hơn của người dân đối với các dịch vụ cơ bản có chất lượng. Phải có sự tham gia của nhân dân trong quy trình ra các quyết định về chính sách và tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước trong các quyết định về chính sách, quản lý, điều hành; đảm bảo sự an toàn về môi trường, an ninh, sức khỏe của nhân dân. Tăng trưởng kinh tế cũng phải gắn liền với đảm bảo an sinh xã hội, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trong những lĩnh vực thiết yếu như: phát triển ngành y tế hiện đại, kỹ thuật cao đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, giảm bớt tình trạng quá tải ở các bệnh viện, đầu tư và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở. Để giải quyết vấn đề môi trường TP Hồ Chí Minh sẽ có kế hoạch bảo vệ môi trường, thích nghi với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, việc đầu tư, hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cũng sẽ được chú trọng để giúp người dân nâng cao điều kiện sống và thực hiện giảm nghèo bền vững...
L. Hiền