07:21 19/07/2017

Chú trọng giám sát, kiểm tra, xử lý sau thanh tra

Chiều 19/7, tại Hà Nội, Đoàn giám sát Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn đầu đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về công khai kết luận thanh tra.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng dự buổi làm việc.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Công khai 1.041 kết luận thanh tra

Báo cáo việc thực hiện công khai kết luận thanh tra do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa trình bày nêu rõ, năm 2016, Bộ đã triển khai 4 đoàn thanh tra hành chính, 31 đoàn thanh tra chuyên ngành và 5 đoàn thanh tra đột xuất về lĩnh vực tài nguyên môi trường. Trong đó, tiến hành thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực các sông. Đối với hiện tượng hải sản chết bất thường từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đầu tháng 4 năm 2016, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất liên ngành để tiến hành kiểm tra toàn diện đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).

Trong quý I năm 2017, các đơn vị thuộc Bộ triển khai 4 đoàn thanh tra và 2 tổ giám sát đối với 2 cuộc thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường tại tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bình Thuận; 2 đoàn thanh tra hành chính đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành và công khai 1.041 kết luận thanh tra, ban hành 422 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 103 tỷ đồng; số tiền truy thu nộp ngân sách nhà nước là trên 1 tỷ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định hoạt động thanh tra luôn phải đảm bảo yêu cầu công khai, dân chủ từ khi triển khai đến khi kết thúc thanh tra. Các kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường được công khai theo quy định của pháp luật. Một số vụ việc phức tạp, nổi cộm được báo chí và phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc sau khi kết luận thanh tra được công khai như: Việc vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường của Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; những sai phạm nghiêm trọng tại nhà máy Dự án sản xuất Giấy và Dự án bột Giấy của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà máy bột giấy Lee & Man Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Lee & Man Việt Nam, tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang...

Để việc công khai và thực hiện kết luận thanh tra đạt hiệu quả cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị các cơ quan xây dựng, ban hành các luật và văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan đến hoạt động thanh tra nghiên cứu, xây dựng những quy định, chế tài đủ mạnh. Theo đó, cần có quy định về cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương cũng như quần chúng nhân dân trong việc công khai và thực hiện kết luận thanh tra, đảm bảo kết luận thanh tra được công khai minh bạch và triển khai thực hiện tốt. Các cơ quan quản lý nhà nước cần xử lý trách nhiệm cá nhân đối với thủ trưởng trong việc thực hiện công khai kết luận thanh tra và tổ chức thực hiện kết luận thanh tra; có chế tài cụ thể về pháp luật, tài chính, xử phạt đủ mạnh trong việc xử lý các đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nội dung kết luận thanh tra.

Đẩy mạnh phối hợp trong thanh tra chuyên ngành, chuyên đề

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo sát sao Thanh tra Bộ và các đơn vị thuộc Bộ được giao chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật đối với việc công khai kết luận thanh tra. Việc công khai kết luận thanh tra, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng là một kênh cung cấp thông tin đến người dân về những tồn tại, vi phạm của tổ chức, cá nhân để người dân giám sát việc khắc phục hậu quả, từ đó góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ những hạn chế trong công khai kết quả thanh tra.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật về thanh tra, thành phần tham dự buổi công bố kết luận thanh tra chỉ giới hạn gồm thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra, đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, điều này phần nào đã hạn chế tác dụng, hiệu quả của việc công khai kết luận thanh tra trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, quy định của pháp luật hiện nay còn thiếu thống nhất, chưa rõ ràng, có điểm còn mâu thuẫn, nhất là việc phân định kết luận thanh tra thuộc loại tài liệu "mật", hay "không mật", nội dung công khai yêu cầu toàn bộ hay một phần của kết luận...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng đoàn giám sát Trần Thanh Mẫn hoan nghênh Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua đã triển khai được nhiều đoàn thanh tra, ban hành các kết luận thanh tra và 100% kết luận thanh tra được công khai bằng các hình thức chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả việc thực hiện kết luận thanh tra chưa cao, vẫn chưa có sự vào cuộc quyết liệt; cụ thể, Bộ chưa ban hành được quy chế công khai kết luận thanh tra, những cơ chế, chính sách trong thực hiện kết luận thanh tra vẫn còn vướng.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm sát sao hơn nữa việc công bố, công khai kết luận thanh tra để việc công bố không chỉ dừng ở yếu tố cơ học mà phải đảm bảo sự truyền tải và khả năng tiếp cận của cơ quan tổ chức, người dân một cách mạnh mẽ, đầy đủ và kịp thời. Đây là tiêu chí cần xem xét trong việc đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ.

Bộ cần quan tâm hơn nữa đến cơ chế hậu kiểm, chú trọng triển khai việc giám sát, kiểm tra, xử lý sau khi thanh tra và đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra của Bộ, đảm bảo tính giá trị, thuyết phục cao hơn. Bộ cần phải phân loại ra sau hậu kiểm công khai những đối tượng nào chấp hành và chưa chấp hành theo kết luận thanh tra để từ đó đưa ra được những biện pháp xử lý cụ thể.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên Môi trường cần đẩy mạnh việc phối hợp trong công tác thanh tra chuyên ngành, chuyên đề; đầu tư thỏa đáng cho việc nghiên cứu, rà soát, đánh giá cuộc thanh tra chuyên ngành, đa lĩnh vực liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhiều bộ, ngành. Đặc biệt, việc tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và báo chí trong việc công khai thực hiện kết luận thanh tra cũng cần được chú trọng hơn nữa trong thời gian tới.

Phan Phương (TTXVN)