07:08 02/07/2012

“Chú trọng đào tạo lại và luân chuyển cán bộ… ”

Ngành y tế cần phải tiếp tục khắc phục sự thiếu và yếu về nguồn nhân lực của mạng lưới y tế cơ sở (YTCS). Cần xác định rõ chức danh của từng tuyến y tế, từ đó đặt ra vấn đề đào tạo sao cho phù hợp.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng (ảnh), Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cũng là một trong những người trực tiếp soạn thảo Chỉ thị 06 về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đã trao đổi với phóng viên Báo Tin tức xung quanh những giải pháp cần tập trung để nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở trong thời gian tới.

 

Thưa Giáo sư, để mạng lưới y tế cơ sở vững chắc hơn, chúng ta cần tập trung khắc phục những điểm yếu nào?


Theo tôi, ngành y tế cần phải tiếp tục khắc phục sự thiếu và yếu về nguồn nhân lực của mạng lưới y tế cơ sở (YTCS). Cần xác định rõ chức danh của từng tuyến y tế, từ đó đặt ra vấn đề đào tạo sao cho phù hợp. YTCS là y tế phổ cập và xu thế thế giới là xây dựng các trung tâm bác sĩ gia đình ở nơi gần dân nhất; nhưng việc đào tạo và xây dựng mô hình này tại Việt Nam tới nay còn chậm và chưa hiệu quả.

 

Việc nữa là phải quy hoạch mạng lưới YTCS cho thích hợp hơn, cần có mô hình phù hợp với từng địa phương. Ví dụ, đối với đồng bằng, không nhất thiết phải có các phòng khám liên xã nhưng ở miền núi, những nơi đi lại khó khăn, nhân lực ít thì lại cần thiết. Đối với tuyến huyện, cũng không nhất thiết huyện nào cũng phải có một BV huyện như hiện nay nhưng có những nơi lại cần thành lập BV liên huyện hay còn gọi là BV khu vực để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh. Nguyên lý trong điều trị là phải có kinh nghiệm và sự từng trải, nhưng cứ xây dựng BV huyện dàn trải, thì BV vắng bệnh nhân nên bác sỹ (BS) một năm chỉ mổ được 1- 3 lần hoặc một tháng mới siêu âm một lần thì chuyên môn của BS không thể giỏi được. Đây là một điểm yếu không phù hợp với thực tế nhưng những năm qua, do hành chính và lúng túng nên chúng ta chưa khắc phục được.


Đào tạo nhân lực là một việc không thể trong “một sớm một chiều”, vậy có cách nào để sớm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của mạng lưới YTCS hơn không, thưa Giáo sư?


 

Nhờ chuyển giao nhiều kỹ thuật hiện đại, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh khó mà trước đây người dân phải tự vượt tuyến. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

 

Cần chú trọng hơn tới vấn đề về đào tạo lại và luân chuyển cán bộ từ tuyến xã lên tuyến huyện. Ở thời kỳ trước, đã có sáng kiến là BS làm tại xã nhưng được tham gia trực ở BV tuyến huyện và hàng năm họ đều được tham gia những lớp đào tạo lại thường xuyên.


Bên cạnh đó, vấn đề trang thiết bị cũng phải tính toán cho phù hợp với từng địa phương. Cần ban hành chính sách đãi ngộ đặc biệt cho cán bộ YTCS, nhất là cán bộ khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ YTCS. YTCS là xương sống của ngành y tế nhưng thời gian vừa rồi số BS tại một số xã giảm đi, thậm chí lên những tuyến trên hoặc lên thành phố để làm tư nhân. Vậy nên, khi đã đưa BS về tuyến YTCS, nhất là tuyến xã thì cần tạo cơ chế làm việc cho họ, để họ có cơ hội được trau dồi nghề nghiệp và khả năng tiến thân. Có như vậy, họ mới yên tâm làm việc, tạo sự vững chắc cho tuyến YTCS, nơi được coi là xương sống của ngành y tế.


Mặt khác, các nhà lãnh đạo cũng cần có cách nhìn đúng đắn hơn về vai trò của YTCS, vì hiện nay không ít người nghĩ rằng việc tập trung vào những vấn đề chuyên sâu và phát triển kỹ thuật cao là quan trọng, là sẽ hạn chế được việc người dân ra nước ngoài chữa bệnh và giữ được ngoại tệ cho Việt Nam… Nhưng cần phải khẳng định rằng nếu chỉ chú trọng vào phát triển kỹ thuật cao mà lơ là YTCS thì xương sống sẽ dễ bị “thoái hóa”, mất đi “chân đế” của ngành y. Cách đây 20 năm, tôi là một trong những người tổ chức ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam dưới sự chỉ đạo của GS Lê Thế Trung. Lúc đó, tôi ấu trĩ nghĩ rằng nếu phát triển kỹ thuật ghép thận nói riêng và kỹ thuật cao nói chung sẽ thay đổi bộ mặt của ngành y tế. Nhưng sau đó, khi được giao phụ trách YTCS, tôi đã nhận ra rằng, ghép thận giỏi lắm một năm cứu được 100 người nhưng nếu YTCS vững mạnh, một năm có thể cứu hàng triệu người, đồng thời còn làm tốt được công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp người bệnh phòng tránh bệnh tật, giảm được tình trạng quá tải BV.


Xin cảm ơn Giáo sư!

 

Phương Liên (thực hiện)