02:17 16/02/2017

Chú Toni và Nadal - Hành trình thành công nhất của một cặp thầy trò

Mới đây, ông chú Toni Nadal, người đã huấn luyện cho Rafael Nadal từ nhỏ và sát cánh với anh cùng quần vợt chuyên nghiệp kể từ khi anh 17 tuổi nói lời chia tay cương vị HLV. Chỉ còn 10 tháng nữa cho cái duyên thầy trò giữa hai người nhưng còn cả một đời để ủng hộ, vun đắp.

Chú Toni nói lời tạm biệt Rafael Nadal

Đúng hơn là HLV Toni sẽ nói lời tạm biệt Rafael Nadal trên cương vị là người huấn luyện cho tay vợt người Tây Ban Nha. Chỉ sau khi mùa giải 2017 kết thúc, ông Toni sẽ tạm dừng nhiệm vụ huấn luyện cho tay vợt 30 tuổi.

Rafael Nadal giờ đã đủ mạnh mẽ để một mình trong sự nghiệp. Ảnh: DM


Ngần ấy thời gian bên nhau, ông Toni đã giúp Nadal vô địch 14 Grand Slam. Khủng hoảng đến từ sau khi Nadal liên tục gặp chấn thương. Mỗi khi hồi phục, thể lực của anh lại yếu đi một chút, kỹ thuật của anh lại bị khắc chế đi một chút khiến nhiều tay vợt trẻ có thể thắng Nadal cũng không còn là chuyện gây bất ngờ nữa.

Kể từ Pháp mở rộng 2014, Nadal không vô địch được một giải Grand Slam nào được nữa. Cho đến tận Australia mở rộng năm nay, Nadal có bước trở lại ngoạn mục nhưng cũng vẫn không thể giành Grand Slam trước một Roger Federer vẫn tinh quái như xưa.

Chia sẻ về dự định rút lui, ông Toni trả lời phỏng vấn của trang web Italia tennisitaliano.it: “Kể từ năm sau, tôi sẽ không còn đi cùng con đường của Rafael nữa mà sẽ tập trung vào điều hành công việc của học viện quần vợt của chúng tôi”.

“Mối quan hệ của chú cháu tôi vẫn rất tuyệt vời, bên nhau bao năm trời, chúng tôi chưa từng để xảy ra vấn đề gì”.

Pháp mở rộng 2014, Nadal thắng Novak Djokovic ở chung kết là một kỷ niệm đẹp của cả hai chú cháu. Nadal chạy vội lên khán đài chia sẻ niềm vui với chú Toni. Ảnh: DM

“Từ nhỏ đến năm Nadal 17 tuổi, tôi là người quyết định mọi việc liên quan đến cháu. Rồi bố cháu cũng gần gũi hơn, rồi Nadal tự có thể đưa ra được chính kiến. Nadal càng lớn đồng nghĩa với việc tôi càng ít ra quyết định. Và rồi đến một ngày, tôi sẽ không phải quyết định gì nữa”.

Trở lại với quần vợt sau chấn thương dai dẳng, Nadal một lượt vào tới chung kết Australia mở rộng. Với Toni, đó đã là sự trở lại hoàn hảo. Ông từng trả lời tạp chí tiếng Pháp L'Equipe về sự trả lời này: “Rafael đã phục hồi thực sự. Giải đấu này cháu tôi thi đấu tốt, tinh thần tốt và từng trận đều thể hiện tốt lần lượt qua Grigor Dimitrov, Gael Monfils và Milos Raonic”.

Chú Toni là người dạy cho Nadal từ đường bóng cơ bản nhất. Ảnh: DM

Sau thời gian dài bị chấn thương, ông chú Toni không khỏi vui mừng trước sự khỏe khoắn của tay vợt 30 tuổi: “Lần đầu tiên sau thời gian quá dài, Rafael mới có lúc khỏe khoắn như thế này. Không đau nữa, cháu tôi sẽ trở lại với những thứ hạng cao trong sự nghiệp”.

Cũng để tránh chấn thương và dành sức cho các giải đấu lớn hơn, Nadal tuyên bố từ chối giải ATP 500 tại Rotterdam diễn ra vào giữa tháng 1. Thứ hạng của anh hiện nay trên bảng xếp hạng đang là thứ 6.

Toni và Nadal – Hành trình thành công nhất của một cặp thầy trò

Chú Toni dạy quần vợt cho Nadal từ năm cậu bé mới lên 4. Kể từ đó, hình dáng chú Toni nhẩy nhót, reo hò trên ghế ban huấn luyện mà ăn mừng mỗi pha đánh bóng của Rafael Nadal trở thành một trong những hình ảnh gia đình thân thương nhất của làng quần vợt.

Ông buộc Nadal từ một tay vợt thuận phải chuyển sang chơi tay trái. Ảnh: DM


Kể từ đó, thầy và trò trải qua 14 Grand Slam cùng với nhau. Rafael giờ đã có người bạn cũ Carlos Moya và cựu tay vợt chuyên nghiệp Francisco Roig hỗ trợ công việc. Và sự xuất hiện của ông Toni trên cương vị huấn luyện viên giờ không còn cần thiết.

Ông Toni Nadal năm nay 57 tuổi có 3 con. Ông hiện là giám đốc học  viện quần vợt Rafa Nadal Tennis Aacademy mới mở cửa từ mùa thu năm ngoái. Tới nay, học viện có 57 học viên đang chờ ông truyền dạy những kinh nghiệm ông đã từng gửi gắm nơi Nadal.

Trong chiến thắng của Nadal có giọt nước mắt... Ảnh: DM

Với Nadal, dù là một người thuận tay phải hoàn toàn tự nhiên, ông Toni thuyết phục anh chuyển sang chơi tay trái và lấy đó như là một lợi thế lớn trước mọi đối thủ.

Dưới sự huấn luyện của Toni, cậu học trò Rafael trở thành một tay vợt có sức mạnh thể lực và tinh thần mạnh mẽ bậc nhất trong các tay vợt nam. Thi đấu lịch sự và hào hoa, Nadal chưa bao giờ tạo cảm giác khó chịu hay bị thiếu tôn trọng trong lòng những người bỏ thời gian ra đến xem anh thi đấu.

Với đối thủ, chưa có đối thủ nào không nể vì Nadal về sức mạnh, vì thái độ tôn trọng mà anh dành cho đối thủ. Những đức tính ấy, nếu không phải là do rèn rũa, hẳn sẽ không có được ở một tay vợt nổi tiếng từ khi còn rất trẻ như Nadal.

Có niềm vui... Ảnh: DM

Sự thăng hoa trong sự nghiệp của anh bắt đầu từ năm 2005 khi anh giành ngôi vô địch Pháp mở rộng đầu tiên trong tổng số kỷ lục 9 lần vô địch ở giải đấu này. Khi ấy anh mới 19 tuổi. Kể từ đó, Nadal thu về 69 danh hiệu đánh đơn, bao gồm 14 chức vô địch các giải Grand Slam. Giữ ngôi vị số 1 thế giới trong 141 tuần.

... có giọt mồ hôi của cả hai chú cháu. Ảnh: DM

Năm 2010, Nadal trở thành tay vợt số 2 thế giới sau Andre Agassi hoàn tất năm vàng Grand Slam với việc thu hoạch cả 4 danh hiệu lớn của cả mùa giải trong đó có danh hiệu Mỹ mở rộng đầu tiên. Cũng trong năm này, chiếc HCV Olympic đơn nam sáng giá làm đầy thêm bảng thành tích vẻ vang.

Thế nhưng khi lối đánh lấy đi nhiều thể lực của Nadal khiến anh liên tiếp dính chấn thương khó phục hồi đến, Nadal yếu đi thấy rõ dù vẫn duy trì luyện tập với mong muốn trở lại thời kỳ đỉnh cao. Từ sau Grand Slam Pháp mở rộng 2014, anh không thắng được ở một giải lớn nào sau đó.

Từ một Rafael Nadal thi đấu hết mình mỗi trận, không chịu khuất phục với tinh thần thép, Nadal bỗng chốc có thể thua bất cứ một tay vợt vô danh nào. Nadal vẫn một mực "thủy chung" với người thầy duy nhất mặc cho lần lượt các đối thủ của anh như Andy Murray, Novak Djokovic và cả Roger Federer thuê các tay vợt cựu số 1 thế giới về làm thầy.

Đặng chẳng đừng, có lẽ việc Nadal phải viện đến người bạn cũ Carlos Moya trên ghế huấn luyện cũng là chuyện được tính toán trước của cả thầy và trò.

Người vui mừng nhất khi Nadal hồi phục chấn thương và trở lại với quần vợt đỉnh cao chắc chắn có ông thầy Toni. Ảnh: DM

Bởi thế, có thể thấy niềm vui của chú Toni ngày cháu trai trở lại mạnh mẽ, chỉ để thua tay vợt nhiều duyên nợ Roger Federer ở chung kết Australia mở rộng năm nay là dễ hiểu.

Hơn 26 năm gắn bó với sự nghiệp thi đấu của Rafael Nadal, bây giờ, ông Toni dừng lại không phải là để chấm dứt “cái duyên” giữa hai thầy trò mà có lẽ để dọn chỗ cho một Rafael Nadal với sự nghiệp đào tạo quần vợt ở Học viện quần vợt quy mô lớn kia. Chú Toni và Rafael Nadal mãi là câu chuyện về hành trình thành công nhất của một cặp thầy trò.

Tâm sự người ra đi


Trả lời tạp chí El Español, ông Toni tâm sự đã đưa ra quyết định thôi không huấn luyện Nadal nữa trong khoảng thời gian họ ở Australia.


“Tôi đã chia sẻ với vợ tôi về quyết định đó đầu tiên. Giờ công việc của tôi là huấn luyện tại Học viện Rafa Nadal Academy, điều khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Trong khi đó, Rafael được đặt vào tay một người đáng tin cậy Carlos Moya”.


“Khi chúng tôi rời Melbourne, dù chưa nói gì với Rafael nhưng tôi đã gửi lời chào tạm biệt mọi người vì đây có lẽ là lần cuối tôi tới dây. Tôi tạm biệt từ bác lái xe, người luôn dõi theo chúng tôi, cho tới chủ tịch giải đấu”.


Với Toni, giờ là lúc ông dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, cho thú vui du lịch và sau đó là ươm mầm các tài năng quần vợt trẻ ở học viện quần vợt tại đảo Manacor thuộc quần đảo Mallorca (Tây Ban Nha).


“Tôi đã suy nghĩ thấu đáo và thấy đến lúc phải dừng lại. Tôi đã quá già để chu du khắp thế giới hết con đường này đến con đường kia, hết giải đấu này đến giải đấu khác. Tôi đã đi một chặng đường dài với vô số các giải đấu. Nếu không phải là cháu tôi là tôi huấn luyện cho một ai đó khác, tôi đã dừng bước từ sớm hơn rất nhiều”.


“Hẳn nhiên, nếu trong một giải đấu nào đó Carlos Moya bận rộn và vắng mặt. Tôi chắc chắn sẽ ở đó và sẵn lòng hỗ trợ Rafael khi cậu bé cần”.



Minh Tuệ