11:06 27/11/2018

Chủ tịch Trung Quốc đánh tiếng gì với Mỹ khi đến thăm Panama?

Sau cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghịthượng đỉnh G-20 tại Argentina, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ công du Panama – một đồng minh của Washington. Nhiều chuyên gia đánh giá động thái này ẩn chứa thông điệp mà Bắc Kinh muốn nhắn gửi tới Mỹ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 23/11 thông báo vào đầu tháng 12, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ công du Panama. Các nhà quan sát cho rằng chuyến thăm Panama sẽ thể hiện rõ nỗ lực của Bắc Kinh tăng cường quan hệ với các quốc gia Mỹ Latinh.

Chú thích ảnh
Tổng thống Panama Juan Carlos Varela và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: SCMP

Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến gặp người đồng cấp Juan Carlos Varela ở thủ đô Panama City. Hai nhà lãnh đạo sẽ chứng kiến buổi ký 20 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghệ và cơ sở hạ tầng trong chuyến thăm kéo dài từ ngày 2-3/12.

Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra một ngày sau tiệc tối dự kiến tổ chức ngày 1/12 với Tổng thống Mỹ Trump tại Buenos Aires.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang ngày 23/11 tuyên bố chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh với các quốc gia Mỹ Latinh. Ông Qin Gang đồng thời đánh giá hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh sẽ không thay đổi ngay cả trong thời điểm nhiều thách thức trong môi trường toàn cầu không ổn định.

Tại hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra từ ngày 12-13/11 ở Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã cảnh báo rằng những quốc gia nhỏ hơn không nên bị “quyến rũ” bởi “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Nhưng trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11/2017, Tổng thống Varela đã nêu rõ ủng hộ đối với chương trình cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh.

Nằm tại Trung Mỹ và tiếp giáp với hai quốc gia Costa Rica, Colombia nên Panama được Mỹ ghi nhận vai trò quan trọng tại Tây Bán cầu, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế với Kênh đào Panama dài 82km nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Trên thực tế, Trung Quốc là nhà sử dụng Kênh đào Panama lớn thứ hai sau Mỹ.

Cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc Jorge Guajardo đánh giá rằng chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Panama diễn ra không lâu sau những chỉ trích của Phó Tổng thống Mỹ Pence là nhằm đánh tiếng Bắc Kinh “cũng có thể sử dụng trò tạo ảnh hưởng như Mỹ”.

Ông Guajardo nhận xét: “Panama khác biệt. Cách Chủ tịch Tập Cận Bình tới Panama là đánh tiếng rằng Trung Quốc cũng có thể chơi trò chơi đó, cạnh tranh tạo ảnh hưởng ở khu vực sân sau truyền thống của Mỹ”.

Ông Dong Jingsheng tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latinh thuộc Đại học Bắc Kinh trong khi đó phân tích rằng mặc dù Trung Quốc muốn đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia Mỹ Latinh nhưng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh khó có thể cạnh tranh với Washington, đặc biệt là khi đầu tư của Trung Quốc không ổn định và ít đa dạng.

Nhưng chuyên gia Francisco Luis Perez tại Đại học Tamkang (Đài Loan, Trung Quốc) nhận định Panama sẽ chủ trương tập trung vào lĩnh vực kinh tế với Trung Quốc thay vì quân sự và chiến lược.

Hà Linh/ Báo Tin tức