03:01 19/03/2012

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Gia Lai, Đắk Lắk

Ngày 18/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Ngày 18/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm cán bộ, nhân dân xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN


Chủ tịch nước khẳng định, Đắk Lắk cần chú trọng rà soát lại những vấn đề về đất đai và kiện toàn hệ thống chính trị tại cơ sở, xem đây là hai nhiệm vụ quan trọng để phát triển Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Ghi nhận những đổi thay trong đời sống xã hội ở hầu hết các buôn làng Tây Nguyên, Chủ tịch nước cho rằng, trong bối cảnh kinh tế trong nước, thế giới chịu những tác động chung của khủng hoảng tài chính, thiên tai đe dọa sản xuất nông nghiệp, nhưng vượt lên khó khăn, Đắk Lắk vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng đạt khá là kết quả đáng khích lệ.

Chủ tịch nước đề nghị tỉnh kiểm tra, đánh giá lại quỹ đất, quỹ rừng đang được các đơn vị sử dụng, không để thất thoát lãng phí. Chủ tịch nước căn dặn các cấp chính quyền chăm lo phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo ở các xã mới thoát nghèo nhưng chưa vững chắc, tránh để tình trạng “tái đặc biệt khó khăn”.
Chủ tịch nước cũng lưu ý sự chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị đang biểu hiện ngày càng tăng. Đây là vấn đề mà Đảng bộ, chính quyền cần quan tâm và có chính sách điều chỉnh.

Đánh giá cao việc Đắk Lắk duy trì quan hệ hữu nghị tốt với các tỉnh chung đường biên giới thuộc các nước Lào, Campuchia, Chủ tịch nước cho rằng, kết quả đạt được trong thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng khu vực Tam giác phát triển có chuyển biến nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn mới, tỉnh cần có cơ chế thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để tạo thêm động lực phát triển. Chủ tịch đề nghị tỉnh tiếp tục có thêm nhiều giải pháp tích cực trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.

Đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giảng viên và học viên Học viện Hành chính phân viện khu vực Tây Nguyên thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, công tác xây dựng chính quyền, xây dựng nền hành chính của dân, do dân và vì dân ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng. Để thực hiện được, một trong những nhiệm vụ đặt ra là phải không ngừng nâng cao năng lực cán bộ đang giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo điều hành. Chủ tịch nước tin tưởng Học viện Hành chính phân viện khu vực Tây Nguyên sẽ đóng vai trò tích cực trong việc đào tạo nâng cao trình độ và phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ khu vực Tây Nguyên.

Làm việc với Tòa án nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh về công tác cải cách tư pháp, Chủ tịch nước đánh giá cao các cơ quan tư pháp tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng tố tụng, xét xử các vụ án hình sự; giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật, thấu lý đạt tình các tranh chấp khiếu kiện trong nhân dân thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Trong các phiên xét xử, chất lượng tranh tụng được đặt lên hàng đầu. Công tác xét xử lưu động các vụ án điểm, án đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện tốt, góp phần giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và răn đe, phòng ngừa tội phạm chung. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đắk Lắk là tỉnh có số lượng án luôn dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo hai đơn vị tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp; đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo Đảng, giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thôn Nà Ven, xã Ea wer, huyện Buôn Đôn thăm mô hình chuyển đổi đất và cây trồng, tặng quà các gia đình đối tượng chính sách, làm kinh tế giỏi của xã; ghi nhận những ý kiến của người dân mong muốn. Động viên bà con thâm canh tăng năng suất, ứng dụng thêm nhiều thành tựu khoa học, Chủ tịch nước tin tưởng với đức tính chăm chỉ chuyên cần, người dân xã Ea wer cùng các cấp chính quyền sẽ thành công trong xây dựng nông thôn mới, trở thành điểm sáng của huyện Buôn Đôn.

Ngày 17/3, Chủ tịch nước đã thăm và làm việc tại xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, nghe lãnh đạo xã báo cáo về tình hình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Chủ tịch nước đánh giá cao mô hình kết hợp giữa nhà nông và doanh nghiệp trong việc nâng cao sản lượng cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mang lại nguồn lợi cho cả hai bên, Chủ tịch nước căn dặn chính quyền, doanh nghiệp tiếp tục điều kiện, hỗ trợ người dân xã xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống sinh hoạt.
Chủ tịch nước đã đến thăm Công ty cà phê Trung Nguyên - doanh nghiệp đã tham gia thực hiện dự án “Mô hình cụm cà phê quốc gia và mô hình nông thôn mới tích hợp liên hoàn”. Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã thăm mô hình tưới cây nhỏ giọt theo công nghệ mới tại hộ gia đình ông Ama Chương, buôn Kô Tam, xã Eu Tu, thành phố Buôn Ma Thuột. Sau 2 năm áp dụng công nghệ chăm sóc mới, năng suất cà phê tăng gấp rưỡi về sản lượng. Cùng với các hộ nông dân khác ở xã Ea Tul, sản phẩm cà phê của gia đình ông Ama Chương được doanh nghiệp bao tiêu, thu nhập thêm từ 70 triệu đồng mỗi năm, sau khi tham gia dự án.

lTrước đó, ngày 17/3, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng khi đến thăm và làm việc đúng ngày kỷ niệm 37 năm giải phóng Gia Lai. Chủ tịch nước biểu dương những kết quả đạt được của Gia Lai trong tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tán thành những định hướng chiến lược phát triển lớn của tỉnh, Chủ tịch nước cho rằng, Gia Lai có tiềm năng lớn về đất đai, rừng, nguồn lực lao động. Địa phương cần quan tâm tính toán rà soát để khai thác hiệu quả những diện tích đất sử dụng còn chưa hiệu quả; bố trí cơ cấu cây trồng đạt năng suất cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp người dân phát triển sản xuất.

Chủ tịch nước nêu rõ, đời sống kinh tế xã hội của Tây Nguyên đã có chuyển biến rõ rệt, từng bước trở thành vùng kinh tế động lực. Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung cần phát huy tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thành công nhiệm vụ kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.

Chủ tịch nước đánh giá cao Đảng bộ Gia Lai, ngay Đại hội Đảng bộ các cấp, qua bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, đã củng cố kiện toàn hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở; phân công các đơn vị theo phương châm “tỉnh nắm xã, huyện nắm làng, xã nắm từng hộ dân”; quan tâm đến công tác tạo nguồn phát triển đảng. Chủ tịch nước đề nghị tỉnh nâng cao công tác đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp xã buôn làng; đề xuất giải pháp quy hoạch, đào tạo sử dụng đội ngũ cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số.

Làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Chủ tịch nước nghe lãnh đạo Ban Chỉ đạo báo cáo về vấn đề đất đai, rừng, và chính sách lâm nghiệp; tình hình sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc, đầu tư phát triển giao thông; hợp tác kinh tế thương mại với Lào, Campuchia; bảo đảm an ninh nông thôn giữ vững ổn định chính trị; xây dựng cơ sở đảng vùng dân tộc thiểu số.

Chủ tịch nước cho rằng những năm gần đây, hơn một nửa số buôn làng ở Tây Nguyên từ nghèo đói đã vươn lên khá, trung bình. Nhiều nơi đã định hình được các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, hạ tầng, tập quán. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất đời sống của vùng dân tộc thiểu số còn rất khó khăn. Công tác giảm nghèo nhiều nơi chưa bền vững. Chủ tịch nước nhấn mạnh hai nhiệm vụ cần chú trọng thực hiện của đảng bộ, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên là thực hiện chính sách về đất đai và chú trọng kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở. Theo đó, các địa phương cần nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách về lâm nghiệp trong giai đoạn mới; giảm số thôn buôn chưa có chi bộ Đảng, đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng Đảng tại cơ sở; huy động nguồn lực cần thiết, đủ mạnh để xây dựng hạ tầng nông thôn mới.

Hoàng Giang - Việt Dũng - Văn Thông