06:06 12/06/2014

Chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa từ các chứng cứ lịch sử -Phần 4

Các tài liệu trong giai đoạn này rất nhiều, nói chung là ăn khớp với nhau; được bổ sung bằng các ghi chép của nước ngoài đáng tin cậy và theo chiều hướng khẳng định một danh nghĩa chủ quyền.

Sự khẳng định chủ quyền trong thế kỉ 18-19


Các tài liệu trong giai đoạn này rất nhiều, nói chung là ăn khớp với nhau; được bổ sung bằng các ghi chép của nước ngoài đáng tin cậy và theo chiều hướng khẳng định một danh nghĩa chủ quyền. Nhiều bản đồ, tập địa đồ hay sách địa lý Việt Nam chỉ rõ các quần đảo như một bộ phận của Việt Nam, cụ thể là: Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (1774); Đại Nam Nhất Thống toàn đồ (1838); Đại Nam Nhất Thống chí (1821). Sự quản lý thật sự đối với các quần đảo đã xuất hiện trong nhiều tài liệu khác có sẵn tại Việt Nam. Những tài liệu quan trọng nhất là: Đại Nam thực lục viết từ 1821, Đại Nam thực lục tiền biên, liên quan đến thời kỳ 1600-1775 và Đại Nam thực lục chính biên về thời kỳ sau; Đại Nam nhất thống chí viết từ 1865-1882; Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, 1843-1851.

 

Một trong những bản đồ của cuốn sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776, mô tả tỉ mỉ tình hình địa lý, tài nguyên ở Hoàng Sa và Trường Sa và công việc khai thác của Chúa Nguyễn đối với hai quần đảo này. (Nguồn: Cục Thông tin đối ngoại - Bộ Thông tin - Truyền thông).


Một số tài liệu này mang dấu ấn của nhà vua hoặc có những lời phê bằng mực son, chứng tỏ đó là bút tích của nhà vua. Từ đó có thể thấy với độ chính xác cao rằng các hoàng đế Việt Nam đã luôn theo đuổi việc tổ chức (đã được nói đến trong cuốn sách năm 1776) một đội khai thác kinh tế biển và thăm dò các quần đảo. Các biện pháp này thuộc một chính sách quốc gia chú trọng tới các lợi ích biển. Do sự khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới, các đảo nhỏ không thích hợp cho nông nghiệp. Một số đảo có phân chim bao phủ nhưng việc sử dụng nguồn phân này chỉ bắt đầu từ thế kỷ 20. Các nhà biên niên sử của thế kỷ XIX cho biết ở đây có các tài nguyên là hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, ba ba và các hàng hóa đồ vật của các tàu bị đắm (Đại Nam nhất thống chí).


Ngay từ đầu thế kỷ XVIII, các chúa Nguyễn đã thành lập các đội đi biển có tính nhà nước. Tổ chức và hoạt động của chúng đã được mô tả chi tiết trong cuốn sách của Lê Quý Đôn năm 1776. Các đội này có nhiệm vụ đặc biệt, một số để thu lượm các hải sản tại các đảo gần bờ, số khác để thu lượm các đồ vật hoặc các hóa vật từ các xác tàu đắm trên các đảo ngoài khơi. Lê Quý Đôn còn mô tả các hóa vật thu lượm được như súng trường, kiếm, đại bác, vàng, bạc, chì, thiếc, ngà voi, đồ sứ, vải len, vải bố, sáp ong… Ông cũng mô tả các đội có nhiệm vụ đo đạc hải trình, lập bản đồ dâng lên trình các Chúa. Có những chỉ dẫn rất chính xác cho phép biết rằng mỗi đội gồm có 70 người được tuyển mộ tại phủ Bình Sơn, những người tình nguyện được miễn thuế sưu và tiền tuần, đò. Các hình phạt cũng được trù định cho trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ. Ngược lại, hoàn thành nhiệm vụ xong được lĩnh bằng tiền, hay thưởng bằng vật chất. Thời gian hoạt động từ tháng hai đến tháng tám hàng năm. Mỗi đội đi năm chiếc thuyền và mang theo sáu tháng lương thực.


Giữa năm 1771 và năm 1802, lịch sử Việt Nam được đánh dấu bằng sự đối đầu của các triều đại phong kiến. Khi nhà Nguyễn được khôi phục lại, vua Gia Long đã tiến hành thống kê tất cả đất đai của đất nước. Các đội thủy binh đóng một vai trò quan trọng trong việc thống kê các quần đảo. Các đội này do bốn quan chức lãnh đạo. Năm 1815, vua cử Phạm Quang Ảnh chỉ huy đơn vị hải quân có nhiệm vụ thăm dò các quần đảo và vẽ bản đồ thủy trình tại đó. Vua Minh Mạng, người kế nghiệp ông, vào năm 1833, đã ra chỉ thị cho Bộ chủ quản phái người tới dựng miếu, lập bia, trồng nhiều cây cối: “Ngày sau, cây cối to lớn, xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh được nhiều mắc cạn”. Chỉ thị trên đã được nhắc lại vào năm 1835 vì kế hoạch bị hoãn lại do gió và sóng dữ dội. Lúc đó công việc mới được tiến hành và nhà vua đã ra lệnh trọng thưởng cho những người thi hành. Năm 1836, vua Minh Mạng tiếp tục kế hoạch của người tiền nhiệm thực hiện làm địa bạ toàn quốc. Nhiều chỉ thị chính xác hơn cho việc đo đạc đã được đưa ra. “Không cứ là đảo nào, bãi cát nào, phàm khi thuyền đến nơi, tức thì cứ chiếu chỗ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước bốn bên xung quanh nông hay cạn, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thể hiểm trở bình dị thế nào, phải xem xét đo đạc rõ ràng, vẽ thành bản đồ”. Cùng năm đó (1836), vua lệnh cho thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật đưa bình thuyền đi và chuẩn bị mang theo các bài gỗ đến các nơi thanh tra dựng làm dấu. Trên mỗi bài gỗ đều khắc chữ: Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng lệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ.


Vào năm 1837, Thượng thư Bộ Lại làm một bản tường trình nhà vua về các khoản chi tiêu của đội. Năm 1838, quan tuần phủ tỉnh Quảng Hà đề nghị vua cho bãi các thuế khóa đánh vào các tàu của đội và được vua chấp thuận. Cùng năm đó, Thượng thư Bộ Công làm một bản báo cáo lên nhà vua về các hoạt động của đội. Các đảo Hoàng Sa đã được ghi trong đó.


Năm 1847, dưới triều vua Thiệu Trị, Thượng thư Bộ Công đã tâu với vua về việc cần thiết phải hoãn lại các chuyến đi của Đội vì lý do thiếu ngân sách. Năm 1867, năm Tự Đức thứ 20, đối với các thủy binh đã tử vong trong quá trình ra các quần đảo đều được nhà vua tôn vinh là anh hùng.


Tất cả các thông tin nói trên đều lấy từ các tư liệu lịch sử của Việt Nam và tính chất chính thức của chúng đã từng được nhiều tác giả nước ngoài thừa nhận. Đó là trường hợp của Chaigneau (Viết về Cochinchine) và của Gutzlaff, (1849, Tạp chí của Hội Địa lý Hoàng gia về Vương quốc Cochinchine). Như vậy, có thể cho phép nghĩ rằng vương quốc An Nam với tư cách là một quốc gia trước thời thuộc địa đã thể hiện mối quan tâm cụ thể tới các quần đảo và đã phát triển các hành vi cai quản ở đó vào thời điểm không có một quốc gia nào có mối quan tâm tới chúng như một quốc gia có chủ quyền.


Monique Chemillier - Gendreau

 

Tác giả Monique Chemillier – Gendreau là nữ Giáo sư công pháp quốc tế và khoa học chính trị tại trường đại học Paris- VII - Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp. Bài viết được trích từ cuốn “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” được Nxb Chính trị Quốc gia phát hành năm 1997.