06:06 09/06/2014

Chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa từ các chứng cứ lịch sử - Phần 1

Gần đây, Trung Quốc luôn lớn tiếng tuyên bố nước này có chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế đã đưa ra nhiều chứng cứ lịch sử cho thấy chỉ có Việt Nam mới là nước thực thi chủ quyền thống nhất tại hai quần đảo này.

Gần đây, Trung Quốc luôn lớn tiếng tuyên bố nước này có chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế đã đưa ra nhiều chứng cứ lịch sử cho thấy chỉ có Việt Nam mới là nước thực thi chủ quyền thống nhất tại hai quần đảo này. Xin được giới thiệu nghiên cứu của bà Monique Chemillier - Gendreau, Giáo sư công pháp quốc tế và khoa học chính trị tại trường Đại học Paris - VII - Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Pháp về nội dung này, trích trong cuốn “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” được Nxb Chính trị Quốc gia phát hành năm 1997.

 

Những tài liệu cổ do Trung Quốc tuyên bố

 

Lập luận của Trung Quốc được thể hiện trong các tài liệu của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa công bố hoặc trong các ấn phẩm có nguồn gốc từ Chính phủ Trung Quốc. Có thể tìm thấy ở đây những lời khẳng định chung chung kiểu như: Một số lớn các sách lịch sử và các tài liệu cũng như rất nhiều các di vật khảo cổ khai quật được đều chứng minh rõ rằng các đảo Tây Sa và Nam Sa (tên gọi phía Trung Quốc đặt cho quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Tin Tức) từ lâu đời đã là lãnh thổ của Trung Quốc. Trong vài tài liệu của Trung Quốc, các đoạn trích từ các sách địa lý được đem ra để làm điểm tựa cho danh nghĩa của Trung Quốc đối với các đảo. Đúng là các đảo này đã được ghi nhận và mô tả trong đó, nhưng đây lại là các tác phẩm mô tả về các nước nằm ngoài Trung Quốc. Do vậy, chúng không có một giá trị chứng thực.


Bản đồ thời nhà Thanh năm 1904 cho thấy lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.


Giống như tất cả các nhà địa lý thu thập các thông tin phổ biến, các nhà địa lý và nhà chép sử Trung Quốc đã quan tâm mô tả về các lãnh thổ nhưng việc mô tả đó không có hiệu lực để đặt chúng dưới chủ quyền của Trung Quốc. Các tác phẩm đó chỉ được xếp vào số các tài liệu chứng minh sự hiểu biết chung các địa điểm chứ không có ích gì cho lập luật pháp lý:


- Nam Châu dị vật chí (Những vật lạ ở phương Nam) của Vạn Chấn (thời Tam Quốc, 220 - 265) viết dưới thời triều Hán Vũ Đế. Đó là cuốn sách hướng dẫn hàng hải trong biển Nam Trung Hoa. Chúng ta đọc thấy có đoạn mô tả nước thì nông và có nhiều “từ thạch”. Thuật ngữ thơ mộng này chắc chỉ là các đá và bãi cát, nhưng lại rất không chính xác để có thể dựa vào hình ảnh đó xác minh được quần đảo này và - hay quần đảo khác trong số hai quần đảo ngày nay đang bị tranh chấp. Chính người Trung Quốc cũng thừa nhận là các đảo này đã có “vô số tên gọi hình tượng và sinh động”. Từ đó có sự hoài nghi của các tác giả không phải là người Trung Quốc về việc cuốn sách đó lại có liên quan tới Hoàng Sa hay Trường Sa.


- “Phù Nam truyện” của Khang Thái viết cùng thời kỳ ghi trên nhận ra rằng người ta gặp trong Trướng Hải các đảo san hô, với nền là đá tảng, san hô mọc trên đó. Trong tạp chí Window số 9 - 1993 phát hành tại Hồng Kông có đăng một bài nghiên cứu của Phan Thạch Anh, chuyên gia của Hội Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Bắc Kinh, có trích dẫn tài liệu rất chung chung này của Khang Thái có niên đại từ những thế kỷ đầu sau công nguyên. Tác giả cho rằng đấy là mô tả các đảo Spratly, thế nhưng đoạn trích không đưa ra được một mức độ chính xác đủ để khẳng định việc xác minh này.


- Dị vật chí của Dương Phù (đời Đông Hán, 25 - 220 sau CN) nói về những “điều lạ” của các xứ nước ngoài. Lĩnh ngoại đại pháp của Chu Khứ Phi (đời Tống, 1178), Chư phiên chí (ghi chú về nước ngoài) của Triệu Nhữ Quát (đời Tống, 1225). Đảo di chí lược (mô tả chung các đảo) của Vương Đại Uyên (đời Nguyên, 1349), Đông Tây dương khảo (ghi chép về các biển Đông và biển Tây) của Trương Nhiếp (1618). Vũ bị chí (về bảy chuyến đi của Trịnh Hòa), 1405 - 1433 trong các biển Nam và Ấn Độ Dương) của Mao Nguyên Nghi (1628), Hải ngoại quốc vãn kiến lục (các điều tai nghe mắt thấy về các nước hải ngoại) (viết dưới đời Thanh). Hải lục (ghi chép về các chuyến đi biển) của Vương Bình Nam cùng thời kỳ (1820), Hải quốc đồ chí (ghi chép về các nước ngoài và về hàng hải) của Ngụy Nguyên (1848) và Doanh hoàn chí lược (Tổng quan địa lý hoàn cầu) của Bành Ôn Chương (1848) tạo thành một tập hợp các tác phẩm liên quan đến các chuyến đi, các chuyến khảo địa lý, sách hàng hải liên quan tới các nước bên ngoài Trung Quốc. Một số là tác phẩm của chính những người đi biển hoặc các đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài viết. Số khác như Đông Tây dương khảo kể lại những điều “văn kiến” (nghe và thấy), tác giả đã giải thích rằng ông đã áp dụng phương pháp hỏi những người từ phương xa trở về, thủy thủ hoặc các nhà thám hiểm, đôi khi chỉ gặp họ trên các bến cảng.


Phần lớn các sách ghi chép trên đều nói tới các đảo với rất nhiều tên gọi khác nhau, rất khó để xác minh một cách chắc chắn. Đôi khi, cũng có một số chỉ dẫn về khoảng cách tính từ bờ biển. Chúng không phải lúc nào cũng được xác nhận đó đúng là các đảo thuộc Hoàng Sa, còn ít hơn nữa đối với các đảo thuộc Spratly ở cách xa bờ biển Trung Quốc hơn rất nhiều.


Ví dụ, trong Đông Tây dương khảo, có nói đến các đảo nằm cách huyện Văn Xương 100 dặm (50km), điều này không thể phù hợp về mặt địa lý với Hoàng Sa nằm cách đảo Hải Nam về phía Đông Nam tới 200km. Tên của các đảo rất khác nhau tùy theo sự tưởng tượng.


Cửu Nhũ Loa Châu, Vạn Lý Thạch Đường, Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đường, Thất Châu Dương, Thất Châu Sơn - thật khó có thể chấp nhận với các tác giả Trung Quốc khi họ khăng khăng cho rằng đó chính là Hoàng Sa hoặc Trường Sa. Đôi khi chính họ lại là cho rằng địa danh Vạn Lý Thạch Đường chỉ bốn quần đảo, có nghĩa là chỉ tất cả các đảo trong biển Đông; hoặc khi họ rút ra từ đó kết luận về một danh nghĩa của Trung Quốc trong khi các tài liệu trên như cuốn Hải ngữ của Hoàng Trung, đời Minh (1536) lại ghi đó là các bãi cát nổi của các nước Man Di phía Tây - Nam, như vậy là nhấn mạnh tới tính chất ngoại quốc của các lãnh thổ này đối với Trung Quốc. Đôi khi, khẳng định theo đó có lẽ tài liệu đã nói về Trường Sa lại không khỏi làm sửng sốt, khi đoạn văn này lại được minh họa thêm bởi chú thích đề cập tới Hoàng Sa và xác minh rõ chúng nằm ở vĩ độ 17°10’ Bắc. Đây đúng là một sự lẫn lộn nghiêm trọng.