10:00 08/10/2014

Chủ động ứng phó với siêu bão

Sáng 7/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó bão mạnh, siêu bão với các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sáng 7/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó bão mạnh, siêu bão với các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phân chia 5 vùng chịu sự ảnh hưởng của bão mạnh và siêu bão gồm: Quảng Ninh - Thanh Hóa, Nghệ An - Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng - Bình Định; Phú Yên - Khánh Hòa; Ninh Thuận - Cà Mau. Trong đó, vùng Quảng Ninh - Thanh Hóa đã từng ghi nhận cường độ bão cấp 15. Khi bão mạnh, hoặc xảy ra siêu bão, vùng ven biển nước ta sẽ chịu ảnh hưởng của bão với cường độ từ cấp 12, cấp 13 đến cấp 15, cấp 16 kèm theo nước dâng do bão từ 3 - 6 m.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN


Ở các tỉnh ven biển và vùng trũng thấp như: Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải ứng phó với nguy cơ gió mạnh và ngập lụt do nước biển dâng; các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phải ứng phó với gió mạnh và mưa lũ sau bão… với cường độ lớn, diễn biến phức tạp, bão mạnh và siêu bão sẽ gây thiệt hại nặng nề khu vực bão đổ bộ. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, các phương án, kế hoạch và kịch bản ứng phó với bão phải thật chi tiết, cụ thể. Các địa phương cần đầu tư cơ sở hạ tầng phòng chống bão, chủ động xây dựng bản đồ cảnh báo những khu vực nguy hiểm xảy ra nước biển dâng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đồng thời phải có phương án sơ tán dân khi tình huống xấu xảy ra...

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang là thách thức của nhân loại, Việt Nam nằm trong số các quốc gia chịu tác động lớn nhất. Trong những năm qua đã có nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng và đã có nhiều kết quả đạt được.

“Những năm trước, mỗi năm chúng ta thiệt hại hơn 500 người do thiên tai, lụt bão. Những năm gần đây bằng các biện pháp quyết liệt của Trung ương và địa phương, nhận thức của người dân được nâng cao, thiệt hại chỉ còn khoảng 200 người/năm, chúng ta sẽ phấn đấu giảm nữa. Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tạo ra những biến đổi cực đoan về thời tiết như: mưa cục bộ, bão, lũ,…”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đề nghị, để ứng phó với bão mạnh và siêu bão, các biện pháp và phương án phải được triển khai khẩn trương và kịp thời, trên cơ sở xây dựng kế hoạch ứng phó của mỗi địa phương, phù hợp với đặc thù tự nhiên của từng vùng.

Phó Thủ tướng yêu cầu chậm nhất đến tháng 6/2015, các bộ, ngành, địa phương phải có phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Trong đó, các địa phương cần rà soát, phân loại các công trình, nhà ở có thể bảo đảm an toàn theo các cấp gió bão làm cơ sở để xây dựng phương án sơ tán dân đối với tình huống bão mạnh và siêu bão.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cập nhật hoàn thiện và công bố về phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão khu vực dải ven biển Việt Nam; xác định vùng ảnh hưởng khi siêu bão đổ bộ vào vùng ven biển và đi sâu vào đất liền; tác động của gió bão đến công trình cơ sở hạ tầng, nhà cửa. Đồng thời nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó với siêu bão, trong đó tập trung nhận định khả năng xuất hiện siêu bão, tính toán, dự báo phạm vi gió mạnh, nước dâng do bão, mưa lũ sau bão.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xây dựng bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão tại các tỉnh, thành phố, chuyển giao cho các bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện phương án ứng phó.

Hữu Vinh - TTN