02:10 09/02/2011

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Hạn hán, nắng nóng và rét đậm, rét hại diễn ra liên miên trong thời gian gần đây. Biến đối khí hậu đang gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với nền nông nghiệp Việt Nam. Về vấn đề này, PV Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.

Hạn hán, nắng nóng và rét đậm, rét hại diễn ra liên miên trong thời gian gần đây. Biến đối khí hậu đang gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với nền nông nghiệp Việt Nam. Về vấn đề này, PV Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát (ảnh).

Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động mạnh tới nông nghiệp Việt Nam, để đối phó với tình trạng này nước ta đã làm gì, thưa ông?

Biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn đối với Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế và các tổ chức nghiên cứu trong nước đều nhận định nước ta là một trong số ít các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Nông dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội) gieo mạ bổ sung thiệt hại do thời tiết rét đậm, rét hại diễn ra trong nhiều ngày qua. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Trong đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và bà con nông dân sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất. Vì vậy, việc nghiên cứu và thực hiện các biện pháp để thích ứng và đối phó có hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp.

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp để đối phó với tình trạng này, tôi cũng được Thủ tướng Chính phủ cử đi dự Hội nghị Biến đổi khí hậu thế giới ở Mêhicô cuối năm ngoái.


Qua hội nghị, tôi thấy rằng, vấn đề biến đổi khí hậu được rất nhiều nước trên thế giới quan tâm, họ đang nỗ lực để tìm ra tiếng nói chung và những giải pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu cũng như giúp các nước thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, riêng Việt Nam đã tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán song phương, đa phương, đồng thời tham gia vào những cam kết chung của cộng đồng quốc tế.


Chúng ta đã đạt được một số cam kết song phương với Liên hợp quốc về bảo vệ, phát triển rừng, giảm thiểu 30% lượng phát thải, qua đó giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chính phủ Na Uy cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam 100 triệu USD để thực hiện kế hoạch này trong năm nay. Chúng ta cũng đạt được cam kết với Ngân hàng Thế giới và một số nước khác về việc triển khai thí điểm nền nông nghiệp các bon thấp.

Bộ trưởng từng nói nền nông nghiệp phải giảm 30% lượng phát thải, xin Bộ trưởng cho biết lộ trình thực hiện như thế nào?

Đây là kết luận của các nhà khoa học quốc tế, ngành nông nghiệp nếu chủ động có thể giảm tới 30% lượng phát thải trên toàn thế giới. Đối với Việt Nam cũng có thể tham gia bằng việc bảo vệ và phát triển rừng, điều chỉnh cơ cấu sản xuất, phát triển các chuyên ngành có khả năng hấp thu các bon, giảm thiểu những loại phát thải.


Hiện nay, ngành trồng lúa có lượng phát thải khá lớn, chiếm tới 40% lượng phát thải của Việt Nam, việc nghiên cứu để đưa ra các những giải pháp canh tác phù hợp, giảm thiểu phát thải là việc cần quan tâm, việc nghiên cứu để giảm thiểu phát thải trong chăn nuôi cũng là việc rất quan trọng.

Để thực hiện được những cam kết trên thì Việt Nam sẽ phải làm gì trong năm nay, thưa Bộ trưởng?

Biến đổi khí hậu sẽ tác động tiêu cực tới tất cả các lĩnh vực, đời sống của đất nước chúng ta, trong đó đặc biệt là nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong điều kiện hiện nay, rõ ràng Việt Nam phải chủ động nghiên cứu và nhanh chóng thực hiện những biện pháp để thích ứng, hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu. Chính phủ và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng phải đồng lòng quyết tâm triển khai ngay những giải pháp cần thiết để đối phó với tình trạng này.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hữu Vinh (thực hiện)