02:10 22/02/2011

Chủ động tiêm vắcxin để phòng bệnh

Các bệnh dịch như: Cúm, thủy đậu, quai bị, sốt phát ban (sởi, rubella)… đều có thể phòng tránh được bằng cách tiêm phòng vắcxin. GS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đã trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Các bệnh dịch như: Cúm, thủy đậu, quai bị, sốt phát ban (sởi, rubella)… đều có thể phòng tránh được bằng cách tiêm phòng vắcxin. GS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đã trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Hiện nay, số lượng người mắc bệnh hô hấp, bệnh cúm, trong đó có cúm A/H1N1 đang có xu hướng tăng. Vậy, người dân, nhất là trẻ nhỏ nên tiêm loại vắcxin nào để phòng tránh căn bệnh này, thưa bà?

Ba loại cúm lây nhiễm qua đường hô hấp hàng năm đều có lưu hành ở Việt Nam và trên thế giới là cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B. Hiện tại, đã có vắcxin cúm mùa phòng được cả 3 loại cúm này. Loại cúm A/H1N1 mới cũng có thể phòng ngừa được bằng loại vắcxin cúm mùa này vì chủng cúm này đã được cập nhật.

Ủy ban tư vấn về thực hành tiêm chủng thế giới họp trong tháng 10/2010 đã đề nghị lịch tiêm chủng vắcxin cho người lớn năm 2011 được áp dụng ở Mỹ do Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC, Atlanta) đề xuất và khuyến cáo: Tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở đi cần phải tiêm vắcxin cúm mùa và những người từ 65 tuổi trở lên nên tiêm vắcxin cúm liều cao.

Người lớn có cần tiêm phòng vắcxin thủy đậu, quai bị, sởi, rubella không? Đối với trẻ nhỏ thì những lứa tuổi nào cần đặc biệt lưu ý tiêm phòng vắcxin? Giá của mỗi loại vắcxin là bao nhiêu, thưa bà?

Thủy đậu, quai bị, sốt phát ban (sởi, rubella) cũng như bệnh cúm đều lây lan qua đường hô hấp và tiếp xúc do các tác nhân là virút khác nhau gây nên và tính lây lan của các bệnh này rất mạnh và nhanh. Hậu quả để lại đôi khi rất nghiêm trọng. Các nhà khoa học đã chế tạo ra các vắcxin để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan này.


Hiện nay, đã có 1 vắcxin phòng được 3 bệnh sởi, quai bị, rubella. Vắcxin này tiêm được cho trẻ em từ 1 năm tuổi trở lên. Riêng bệnh thủy đậu thì cũng có vắcxin phòng bệnh riêng.

Mọi người đều có thể mắc bệnh truyền nhiễm nếu hệ miễn dịch của họ chưa được nhận biết các tác nhân gây bệnh để bảo vệ. Tiêm vắcxin là đưa các tác nhân gây bệnh đã bất hoạt hay làm suy yếu để không có khả năng gây bệnh nhưng lại có thể làm cho hệ miễn dịch nhận biết các tác nhân gây bệnh và sẽ bảo vệ cơ thể khi có nguy cơ bị bệnh. Vì vậy, tiêm vắcxin là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh. Người lớn nếu khi còn nhỏ chưa được tiêm vắcxin thì đều có thể mắc bệnh như trẻ nhỏ.

Hầu như tất cả các bệnh truyền nhiễm (trừ bệnh cúm) đều chỉ cần tiêm 1 liều vắcxin là đủ để bảo vệ, tuy nhiên nếu tiêm nhắc lại thì khả năng bảo vệ sẽ bền vững và lâu dài hơn. Vắcxin phòng các bệnh: Thủy đậu, quai bị, sốt phát ban (sởi, rubella) được khuyến cáo tiêm 2 mũi, cách nhau 6 - 8 tuần. Mỗi liều vắcxin hiện nay có giá khoảng 130.000 đồng. Vắcxin thủy đậu giá đắt hơn, từ 350.000 đồng trở lên.

Nếu thời điểm này, người dân đi tiêm phòng các loại vắcxin trên thì sau bao lâu mới có khả năng miễn dịch với các loại bệnh trên?

Người dân nên đi tiêm vắcxin bất kể thời điểm nào, miễn là khi cơ thể khỏe mạnh thì khả năng tạo miễn dịch của cơ thể sẽ tốt hơn. Sau 2 tuần tiêm vắcxin là cơ thể bắt đầu có miễn dịch và từ tuần thứ 3 sau khi tiêm là có thể bảo vệ.

Khi tiêm vắcxin có thể gây dị ứng hay phản ứng phụ với thành phần của thuốc, tuy tỷ lệ rất ít. Vì vậy, sau khi tiêm vắcxin, bệnh nhân được khuyến cáo theo dõi ít nhất 30 phút tại nơi mình tiêm để đề phòng biến chứng. Việc tư vấn trước khi tiêm vắcxin là hết sức quan trọng và cần thiết.

Xin cảm ơn bà!

Phương Liên
thực hiện