08:21 01/08/2020

Chủ động theo dõi sát tình hình diễn bão số 2

Chiều 1/8, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Đình Chuyến, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, đã đi kiểm tra thực tế tại khu vực cáp treo Cát Hải, kiểm tra tuyến đê biển số 1 phường Hải Thành, quận Dương Kinh, khu vui chơi giải trí Đồi Rồng và Cảng cá Ngọc Hải - quận Đồ Sơn.

Chiều 1/8, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Đình Chuyến, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, đã đi kiểm tra thực tế tại khu vực cáp treo Cát Hải, kiểm tra tuyến đê biển số 1 phường Hải Thành, quận Dương Kinh, khu vui chơi giải trí Đồi Rồng và Cảng cá Ngọc Hải - quận Đồ Sơn. 

Chú thích ảnh
Sóng lớn tại khu vực biển tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Ảnh: An Đăng /TTXVN

Trước diễn biến phức tạp của bão số 2 (bão Sinlaku), Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Nguyễn Đình Chuyến yêu cầu các địa phương và các lực lượng chức năng chủ động theo dõi sát tình hình diễn biến áp thấp nhiệt đới, chỉ đạo các đơn vị phòng, chống theo phương án "4 tại chỗ", Bộ đội Biên phòng kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, dừng hoạt động cáp treo trong chiều 1/8; khẩn trương triển khai thực hiện Công điện của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố.

Thực hiện các Công điện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng trước đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, các ngành, địa phương, đơn vị đang khẩn trương chỉ đạo, tổ chức công tác ứng phó, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo kế hoạch. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo cho chủ phương tiện, tàu thuyền về diễn biến áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống thiên tai chỉ đạo các Hạt Quản lý đê tổ chức kiểm tra đê điều, đảm bảo an toàn các công trình đê điều thi công và mới hoàn thành.

Chú thích ảnh
Tàu thuyền đánh cá đã neo đậu tránh trú bão tại bến cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tính đến 17 giờ ngày 1/8, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, đơn vị đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho hơn 2.300 phương tiện cùng với 7.323 lao động đang hoạt động, neo đậu tại các bến; 457 lồng bè  cùng với 1.282 lao động; 312 chòi canh cùng với 313 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Trong đó, có 585 phương tiện và 1.891 lao động đang hoạt động; 1.772 phương tiện và 5.432 lao động đang neo đậu tại bến. Theo quan sát của Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ, Trạm Radar Hải Quân, có 83 phương tiện đang hoạt động cách đảo Bạch Long Vĩ từ 1 đến 15 hải lý. Tại Cảng Hải Phòng có 124 phương tiện cùng với 1.336 lao động; trong đó có 47 tàu nước ngoài và 454 lao động nước ngoài, còn lại là phương tiện trong nước.

Thành phố Hải Phòng đã có kế hoạch, phương án huy động hơn 41.000 người, hơn 1.200 ô tô các loại; gần 300 tàu xuồng; 202 máy phát điện, hàng chục m3 đá, cát, đất các loại…  tham gia xung kích hộ đê, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Nam Định cấm biển, khẩn trương kêu gọi tàu thuyền

Ngày 1/8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cũng đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh chủ động phương án ứng phó với mọi tình huống của bão nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các huyện, thành phố, nhất là những địa phương ven biển, có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên thông báo cho nhân dân biết, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bão.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cần phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện ven biển: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng giữ thông tin liên lạc với các chủ phương tiện tàu, thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; kiểm đếm, kêu gọi phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn; đặc biệt cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển, cấm biển từ 6 giờ ngày 2/8.

Các huyện, thành phố cần phối hợp với lực lượng chức năng rà soát, thống kê số lượng nhà yếu, nhà tạm, có giải pháp hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, xây dựng phương án sơ tán người dân trong các nhà yếu, nhà tạm khi cần thiết. Đồng thời, các địa phương cần tổng kiểm tra toàn tuyến đê trên địa bàn, nhất là những vị trí xung yếu để xử lý kịp thời khi có sự cố sạt, lở xảy ra.

Các công ty khai thác công trình thủy lợi tiêu kiệt nước ruộng trên địa bàn toàn tỉnh cần hướng dẫn người dân bảo vệ ao đầm, lồng, bè nuôi trồng thủy sản và diện tích lúa mùa mới cấy. 

Sở Giao thông Vận tải cần tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ, hướng dẫn các chủ đò, phà thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn vận tải đường thủy.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tỉnh Nam Định có nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 2. Trong các ngày 2 - 3/8, trên địa bàn tỉnh có thể có mưa vừa, mưa to. Vùng ven biển có gió mạnh dần từ cấp 5, tăng lên cấp 6, giật cấp 7, lượng mưa có thể đạt trên 150mm.

Tỉnh Nam Định hiện có trên 2.000 tàu thuyền với khoảng 5.000 lao động. Ở khu vực ven biển Nam Định có trên 1.000 lều, chòi nuôi ngao với khoảng 1.300 ngư dân. Hiện bà con ngư dân đã nhận được thông tin về cơn bão và chủ động vào nơi an toàn.

Hoàng Ngọc - Vũ Văn Đạt (TTXVN)