09:06 15/09/2021

Chủ động thay đổi phương thức tác nghiệp trong đại dịch COVID-19

Ứng dụng công nghệ đã trở thành đáp án chung cho tất cả các phóng viên, cả 30 cơ quan thường trú ngoài nước (CQTTNN) của TTXVN đều áp dụng các hình thức họp trực tuyến thông qua các phần mềm ứng dụng trên Internet hoặc qua điện thoại.

Trước tác động của dịch bệnh COVID-19 gần 2 năm qua, thực hiện “mục tiêu kép” - vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị - cập nhật tin tức thời sự tại địa bàn gửi về tổng xã, vừa đảm bảo an toàn trong dịch bệnh, thay đổi phương thức tác nghiệp đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với tất cả các phóng viên TTXVN tại nước ngoài. Ứng dụng công nghệ đã trở thành đáp án chung cho tất cả các phóng viên, cả 30 cơ quan thường trú ngoài nước (CQTTNN) của TTXVN đều áp dụng các hình thức họp trực tuyến thông qua các phần mềm ứng dụng trên Internet hoặc qua điện thoại. Các cuộc phỏng vấn trực tiếp được thay thế bằng hình thức phỏng vấn online…. 

Chú thích ảnh
Phóng viên TTXVN tại Bỉ - Hương Giang (áo hồng) tại lễ đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới thăm và làm việc tại Bỉ.

Theo nhà báo Tiến Trung - CQTT Bắc Kinh (Trung Quốc), cuối năm 2019, dịch bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, và sau đó nhanh chóng lây lan trong thành phố rồi lan rộng ra nhiều nơi khác ở nước này, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. CQTT đã nhanh chóng họp bàn và thống nhất phương án đảm bảo tác nghiệp an toàn trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ phòng dịch cho anh em phóng viên, đồng thời thực hiện nghiêm túc những những quy định phòng chống dịch bệnh của chính quyền trung ương cũng như những quy định phòng chống dịch của từng địa phương tại Trung Quốc. Nhờ sự đoàn kết của tập thể CQTT, sự chỉ đạo sát sao của ban lãnh đạo cơ quan, cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của các đơn vị chuyên môn tại tổng xã, nhóm phóng viên đã chủ động áp dụng linh hoạt nhiều biện pháp nghiệp vụ báo chí để thực hiện hàng loạt tin bài phong phú đa dạng, có tính thời  sự cao thuộc nhiều thể loại báo chí thông tấn, phản ánh sinh động, chân thực tình hình dịch bệnh cùng nhiều vấn đề khác tại địa bàn.

Đặc biệt khi làm tin truyền hình, để thông tin có chiều sâu, hấp dẫn, dễ tiếp nhận và có độ tin cậy cao, vẫn cần có sự xuất hiện trực tiếp của phóng viên tại hiện trường. Do đó, nhiều phóng viên đã chuyển đổi mô hình tác nghiệp trong giai đoạn cấp thiết này.

Nhà báo Mạnh Hùng - CQTT Seoul (Hàn Quốc) cho biết: “Để đảm bảo an toàn, mỗi phóng viên khi tác nghiệp tại hiện trường đều phải tuân thủ các yêu cầu phòng chống lây nhiễm như đeo khẩu trang, liên tục sát khuẩn, sử dung túi nilon để bọc máy ảnh, máy quay, dụng cụ và phương tiện đều phải phun khử trùng.” Với tinh thần chủ động không ngại khó, ngại khổ, CQTT Seoul đã có những điều chỉnh trong hoạt động tác nghiệp cũng như trong sinh hoạt thường nhật. Xuất phát từ suy nghĩ chỗ nào và người nào cũng có thể là nguồn lây nhiễm bởi thời gian ủ bệnh trong nhiều ngày và virus SARSCoV-2 cùng nhiều biến thể tồn tại lâu trên các bề mặt, đồ vật nên các phóng viên và thành viên khác trong gia đình đều đeo khẩu trang khi ra ngoài làm việc hay tiếp xúc với người khác; rửa tay sau khi tiếp xúc với các bề mặt và đồ vật có thể gây lây nhiễm; giữ vệ sinh trong CQTT; từ chối những lời mời gặp gỡ, liên hoan không cần thiết; nhắn tin, gọi điện hay làm việc qua email, trực tuyến thay vì gặp trực tiếp; tiến hành họp chi bộ trực tuyến; giao ban hay trao đổi về công việc bằng tin nhắn; xịt khử khuẩn ô tô, tay nắm cửa ra vào thường xuyên; mua hàng online….

Chú thích ảnh
Ông Huỳnh Minh Phú, Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam Đô thành Phnom Penh trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng/PV TTXVN tại Campuchia

 Các phóng viên tại CQTT tại Tokyo (Nhật Bản) xác định dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, phóng viên càng phải bám sát địa bàn để phản ánh kịp thời. Trưởng CQTT, nhà báo Thanh Tùng quyết định phải linh hoạt hơn trong công tác phóng viên để duy trì hoạt động thông tin. “Trên cơ sở đó, tôi chủ trương đẩy mạnh làm việc từ xa, giảm thiểu các cuộc giao ban trực tiếp, thay vào đó là trao đổi qua viber. Ngoài ra, tôi cũng tăng cường sử dụng các phần mềm như Zoom và Google Meet để thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tuyến thay vì gặp gỡ và phỏng vấn trực tiếp” - anh chia sẻ.

Chú thích ảnh
 Các phóng viên tại CQTT tại Tokyo (Nhật Bản) xác định dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, phóng viên càng phải bám sát địa bàn để phản ánh kịp thời.

Triển khai hình thức phỏng vấn trực tuyến qua phần mềm Zoom, điện thoại, email…cũng là giải pháp mà các phóng viên CQTT Tel Aviv (Israel) lựa chọn để có được những đánh giá của giới phân tích về các sự kiện xảy ra tại khu vực và sở tại, cũng như thông tin tư vấn của chuyên gia y tế liên quan đến dịch COVID-19. Theo nhà báo Vũ Hội và Quang Minh, không ít các lãnh đạo, chuyên gia Israel ngần ngại tiếp xúc và trả lời phỏng vấn trực tiếp của phóng viên. Nguyên nhân là những người này cơ bản đã lớn tuổi và nằm trong nhóm có nguy cơ diễn biến nặng nếu bị lây nhiễm. Với hình thức làm việc từ xa, phóng viên đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với các giáo sư, chuyên gia của đại học Tel Aviv, đại học Bar Ilan…có giá trị thông tin cao.

“Khi điều kiện tác nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trước vì dịch COVID-19, chúng tôi cố gắng không chỉ đưa đến thông tin về ‘cuộc chiến chống giặc’ COVID-19 tại địa bàn, mà còn áp dụng cách thức thể hiện mới, có dấu ấn của công nghệ, để đáp ứng nhu cầu thông tin của đọc giả trong thời đại công nghệ số hiện nay” - nhà báo Việt Khoa (CQTT Cairo, Ai Cập) bày tỏ. Đây cũng là nhận thức chung của các phóng viên CQTT tại Pretoria (Nam Phi). Nhà báo Hồng Minh chia sẻ tất cả các tin bài  phỏng vấn đều thực hiện qua các ứng dụng Viber hoặc WhatsApp và đạt hiệu quả rất cao.

Chú thích ảnh
Nhà báo Đặng Huyền (Cơ quan Thường trú TTXVN tại Washington DC) trong một lần tác nghiệp.

Với nhà báo Đặng Huyền - CQTT Washington DC (Mỹ), đại dịch COVID-19 là “phép thử” để những người làm báo thay đổi phương thức tác nghiệp. Để truyền tải được chân thực tình hình tại địa bàn, bảo đảm tiến độ công việc, các phóng viên CQTT phải học cách làm việc trực tuyến (online), hướng dẫn nhân vật/chuyên gia trả lời qua điện thoại và thu hình từ camera điện thoại… Chị tâm sự: “Nước Mỹ đã trải qua một kỳ bầu cử tổng thống giữa vòng xoáy đại dịch. Mọi kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết cho các chuyến đi tới các điểm tranh luận trực tiếp của các ứng cử viên của hai đảng, cuộc bầu cử sơ bộ, đại hội của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, các cuộc tranh luận chính thức đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống cuối cùng, rồi các ngày bầu cử quan trọng như ngày ‘Siêu thứ Ba’ của chúng tôi hoàn toàn phá sản bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên với kế hoạch ứng phó linh hoạt, chúng tôi cố gắng khắc phục những khó khăn khi thực hiện những tin hình phản ánh, phỏng vấn người dân hay chuyên gia bằng hình thức linh hoạt như phỏng vấn qua điện thoại, qua skype, qua email hay tham gia các sự kiện qua ứng dụng Zoom.”

Với nhà báo Hương Giang – CQTT Brussels, Vương quốc Bỉ - lần trở lại địa bàn quen thuộc này đã mang lại cho chị một trải nghiệm hoàn toàn khác lạ. Chị chia sẻ: “Trước đây, trụ sở của Liên minh châu Âu, Hội đồng châu Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) luôn tấp nập phóng viên là thế mà giờ đây chỉ áp dụng họp trực tuyến. Chúng tôi đều phải thực hiện các buổi phỏng vấn qua zoom. Đôi khi, chúng tôi cũng thuyết phục được nhân vật của mình cho gặp trực tiếp khi chúng tôi có giấy chứng nhận tiêm chủng. Cuộc phỏng vấn trực tiếp vẫn thú vị hơn vì chúng tôi khai thác được nhiều khía cạnh trong chủ đề mình cần đề cập. Nhân vật cảm thấy yên tâm hơn khi trả lời đại diện một cơ quan báo chí chính thống của Việt Nam 'bằng xương bằng thịt’”.

Theo nhà báo Tiến Nhất (CQTT Paris, CH Pháp) và nhà báo Minh Hợp (CQTT London, Vương quốc Anh), với quan điểm xuyên suốt hoàn thành nhiệm vụ thông tin song hành với đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro, nguy cơ cho phóng viên, CQTT luôn ưu tiên các hình thức tác nghiệp đảm bảo hiệu quả thông tin nhưng giảm thiểu được các cuộc tiếp xúc trực tiếp. Vì vậy, CQTT tăng cường tham gia các cuộc họp, hội thảo, hội nghị... trực tuyến; ưu tiên hình thức phỏng vấn nguồn tin qua zoom, điện thoại, email. Hình thức tác nghiệp này đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực hơn từ phóng viên, từ việc thuyết phục, hướng dẫn nguồn tin/nhân vật nhận trả lời phỏng vấn qua zoom (nhiều người trong số đó không quen sử dụng zoom, hoặc không có sẵn điều kiện về thiết bị, Internet...), đến việc gỡ băng phỏng vấn/hội thảo (do nhiều lúc chất lượng đường truyền không ổn định, ảnh hưởng tới chất lượng thu âm).

Trong đại dịch COVID-19, nhiều phóng viên TTXVN tại nước ngoài đã trở thành F0, F1. Tuy nhiên, cũng giống như đội ngũ những người chống dịch nơi tuyến đầu trong nước, họ đã vượt qua nỗi sợ hãi để thực hiện nhiệm vụ của mình. Họ bước vào trận chiến hiện nay với vũ khí không chỉ là cây bút, laptop, máy ảnh, máy quay... mà hành trang mang theo còn là khẩu trang, nước sát khuẩn, trang phục bảo hộ cùng công cụ bảo vệ người và máy. Nhà báo Tiến Hiến (CQTT New Delhi, Ấn Độ) trải lòng: “Những ngày tác nghiệp trong tâm dịch COVID-19 là vô cùng khó khăn, các phóng viên phải chấp nhận nguy hiểm để duy trì các hoạt động tác nghiệp một cách có hiệu quả, kịp thời báo cáo về tổng xã các thông tin quan trọng, chiến lược cũng như đảm bảo mảng tin phổ biến hằng ngày, phục vụ tốt công tác tuyên truyền, gửi thông điệp mạnh mẽ cảnh báo người dân trong nước về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước ngoài”.

Trong đại dịch COVID-19, hòa cùng dòng chảy thông tin trong nước, các phóng viên TTXVN tại nước ngoài đã mang đến những thông tin cập nhật nóng hổi, kịp thời, chính xác, phản ánh trung thực thực tế đang diễn ra tại các nước trên thế giới. Khó khăn, thử thách rất nhiều, song các nhà báo đã thể hiện sự chủ động, linh hoạt, thích nghi nhanh chóng trong cách tác nghiệp, trách nhiệm và vai trò của nhà báo với xã hội. Mỗi hình ảnh, bài viết gửi về không chỉ phản ánh sự kiện diễn ra, mà trong đó còn có tình yêu, trách nhiệm, nhiệt huyết và trải nghiệm của người phóng viên tại địa bàn, làm sáng ngời tinh thần chiến đấu và dấn thân của những người làm báo.

Nhóm phóng viên TTXVN tại các CQTTNN