06:20 11/06/2021

Chủ động phương án ứng phó khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong khu công nghiệp

Khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong khu công nghiệp, các địa phương phải chủ động phương án ứng phó, tăng cường năng lực lấy mẫu, xét nghiệm để bắt kịp tốc độ lây lan của dịch bệnh; từ đó thần tốc truy vết, dồn lực xét nghiệm, khoanh vùng, từng bước sàng lọc, làm sạch và giải phóng khu vực phong tỏa.

Trên đây là kinh nghiệm phòng, chống dịch được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang chia sẻ tại cuộc họp với các địa phương có khu công nghiệp về công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, diễn ra chiều 11/6, tại trụ sở Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo công tác kiểm soát dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát trong cộng đồng

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, trong đợt dịch thứ 4, công tác truy vết thần tốc được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, tuy nhiên, việc tổ chức truy vết còn nhiều lúng túng. Thời gian qua, các lực lượng đã xét nghiệm với số lượng lớn (tính đến ngày 10/6, cả nước thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được khoảng 4,626 triệu mẫu cho gần 7,8 triệu lượt người). Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, khớp mã lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác truy vết. Nhận thức tình hình trên, hiện tại, Bộ Y tế đã rà soát, hoàn thiện quy trình hướng dẫn truy vết, khớp kết quả xét nghiệm để triển khai thí điểm ở các tỉnh đang có dịch bệnh phức tạp, sau đó nhân rộng và triển khai thống nhất dữ liệu truy vết chung để chia sẻ kịp thời.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, Bộ Y tế đề xuất các địa phương nâng cao mức độ cảnh báo, không được chủ quan, lơ là, thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu thực hiện nghiêm thông điệp 5K; xét nghiệm sàng lọc chủ động cho các đối tượng có nguy cơ. Tại cộng đồng, các lực lượng tiếp tục truy vết thần tốc; thực hiện cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các trường hợp F1 và lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng tại khu vực nguy cơ, áp dụng mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp phong tỏa, giãn cách phù hợp.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương có khu công nghiệp đảm bảo an toàn cao nhất cho các cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức lại sản xuất qua việc phân ca, giãn cách; yêu cầu thực hiện xét nghiệm tối thiểu 2 lần với kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi tổ chức sản xuất, kinh doanh và xét nghiệm nhanh hàng tuần với công nhân, người lao động. Tại cộng đồng, các lực lượng tiếp tục truy vết thần tốc; thực hiện cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các trường hợp F1 và lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng tại khu vực nguy cơ, áp dụng mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp phong tỏa, giãn cách phù hợp.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu đã báo cáo về công tác phòng, chống dịch, chuẩn bị cho tình huống xử lý khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong các khu công nghiệp. Theo đó, các địa phương chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm; có phương án cách ly cụ thể; kiểm soát chặt chẽ công nhân đi và đến làm việc tại địa phương; xét nghiệm sàng lọc định kỳ 20 - 25% công nhân, người lao động… Các địa phương cũng tăng cường giám sát dịch bệnh thường xuyên tại các khu vực tập trung đông công nhân ở trọ, xét nghiệm tầm soát tại khu vực có nguy cơ cao; giám sát người có triệu chứng khi đến các phòng khám, nhà thuốc…

Theo Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh, từ ngày 27/5 đến nay, các lực lượng đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, truy vết và phát hiện ra 4 ca mắc COVID-19 - là công nhân làm việc trong khu công nghiệp, do được phát hiện kịp thời nên chưa lây nhiễm ra cộng đồng. Đồng thời, công giám sát được tăng cường, thực hiện trọng điểm, khi cần thiết sẽ mở rộng xét nghiệm toàn xí nghiệp, phân xưởng với những nơi có nguy cơ; duy trì lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc thường xuyên cho 20% công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp. Do vẫn có nguy cơ cao dịch lây sang các tỉnh lân cận và vào các khu công nghiệp, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung phong tỏa chặt các ổ dịch ở quy mô khu phố, tiến hành đánh giá tình hình ổ dịch; tiếp tục tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát trong cộng đồng, các khu công nghiệp, tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao.  

Tương tự, với 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với gần 1,2 triệu công nhân, người lao động, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng từ nguồn lây TP Hồ Chí Minh, tỉnh yêu cầu các công ty, doanh nghiệp phải xây dựng kịch bản phòng, chống dịch, ứng phó cho các ca mắc COVID-19. Bình Dương đã chuẩn bị 10.000 chỗ cách ly tập trung, năng lực điều trị khoảng 600 bệnh nhân; xét nghiệm khoảng 6.000 mẫu đơn/ngày. Do số lượng người lao động về Bình Dương làm việc đông, tỉnh tiếp tục tập trung kiểm soát y tế đối với người từ vùng dịch; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc định kỳ trong nhà máy, xí nghiệp.

Phải chuẩn bị kỹ năng lực lấy mẫu, xét nghiệm

Chú thích ảnh
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự cuộc họp trực tuyến. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, để xử lý ca mắc COVID-19 trong thời gian ngắn nhất, các lực lượng phải quyết liệt triển khai các biện pháp truy vết, khoanh vùng. Đặc biệt, năng lực lấy mẫu, xét nghiệm đóng vai trò quan trọng để bắt kịp tốc độ lây lan của dịch. Bắc Ninh đã thực hiện thần tốc truy vết, sau đó dồn lực cho xét nghiệm, từng bước sàng lọc, làm sạch và giải phóng khu vực phong tỏa.

Nhấn mạnh phải phát hiện sớm các ca mắc COVID-19 trong khu, cụm công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ cần thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát, xét nghiệm sàng lọc định kỳ 3 ngày/lần, mỗi lần khoảng 20% tổng số công nhân, người lao động, thậm chí cần tăng cường xét nghiệm sàng lọc tại những nhà máy, phân xưởng có môi trường làm việc kín, mật độ đông. Đáng chú ý, cùng với công tác phòng, chống dịch, Bắc Ninh đã khôi phục lại hoạt động sản xuất cho khoảng 500 doanh nghiệp; ngay sau khi ghi nhận ca mắc ở 1 doanh nghiệp, các lực lượng đã nhanh chóng vào cuộc, xử lý nhanh, hiệu quả, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp khác. 

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, có 4 nguồn lây chính trong các khu công nghiệp: Do môi trường làm việc khép kín, sử dụng điều hòa, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử; lây tại nhà ăn, khu vệ sinh chung; sử dụng chung xe ô tô đưa đón; khu vực nhà trọ của công nhân. “Nắm được cách thức lây lan của dịch sẽ hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống dịch nhưng không thể ‘khoán trắng’ cho doanh nghiệp. Cần đưa Tổ công tác phòng, chống dịch trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, gồm đại diện chính quyền địa phương, y tế cơ sở”, ông Lê Ánh Dương chia sẻ. 

Từ kinh nghiệm thực tiễn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, các địa phương có khu, cụm công nghiệp phải chuẩn bị kỹ phương án “tại chỗ”, sẵn sàng cho tình huống xảy ra dịch bệnh. Khi dịch bệnh xảy ra trong các khu, cụm công nghiệp phải cách ly lập tức hàng nghìn người, xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu, điều trị hàng nghìn ca bệnh…

“Đây là bài học kinh nghiệm của Bắc Giang. Do năng lực xét nghiệm ban đầu yếu nên những ngày đầu tiên đã không bắt kịp được tốc độ lây lan của dịch bệnh. Ngay cả khi các đơn vị Trung ương, địa phương về Bắc Giang hỗ trợ, công tác xét nghiệm vẫn còn rất lúng túng, thiếu sự thống nhất trong điều phối. Do đó, để bắt kịp, khống chế và kiểm soát dịch bệnh trong thời gian nhanh nhất, các địa phương phải chuẩn bị kỹ năng lực lấy mẫu, xét nghiệm”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh.

Phấn đấu đến tháng 8/2021, tiêm xong vaccine cho công nhân các khu công nghiệp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, qua hơn 1 tháng triển khai quyết liệt các biện pháp, tình hình dịch bệnh trên toàn quốc cơ bản được kiểm soát. Nhiều kinh nghiệm đã được đúc rút qua quá trình phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là, khi dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp sẽ gây áp lực lớn lên lực lượng y tế trong công tác lấy mẫu xét nghiệm với số lượng lớn, yêu cầu trả kết quả ngay trong ngày để truy vết, khoanh vùng. Sau phát hiện ca mắc COVID-19, các lực lượng không chỉ lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân trong khu công nghiệp, nhà máy mà còn nhanh chóng triển khai biện pháp chống dịch ở khu nhà trọ của công nhân.

Những ngày đầu dịch bùng phát ở Hải Dương (tháng 1/2021), Bắc Ninh, Bắc Giang (tháng 5/2012) đã có tình trạng lấy mẫu xong nhưng mấy ngày sau mới có kết quả, khiến lãnh đạo địa phương không nắm được đầy đủ tình hình dịch, chậm đưa ra phương án điều hành. “Dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp là một bài toán hoàn toàn khác nên các địa phương phải cố gắng không để dịch lây lan vào đây. Nếu có, phải nỗ lực phát hiện các ca mắc trong vòng 3 ngày đầu tiên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh; đồng thời yêu cầu, các địa phương phải chủ động thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khỏe của tất cả người làm việc trong khu công nghiệp, xét nghiệm sàng lọc với những người có nguy cơ.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có sự thống nhất trong công tác chỉ huy, điều phối công tác lấy mẫu, xét nghiệm, kết hợp các phương pháp xét nghiệm khác nhau với những nhóm đối tượng khác nhau, nhất là trong tình huống có nhiều đơn vị chi viện về địa phương hỗ trợ. “Phải có một lãnh đạo tỉnh chỉ huy, điều phối mũi xét nghiệm khi có đơn vị từ nơi khác về chi viện”, Phó Thủ tướng nói. Cùng với việc cách ly ở các khu cách ly tập trung, các địa phương phải chuẩn bị phương án cách ly tại chỗ với mật độ thấp hơn bình thường; tránh tình trạng như Bắc Giang, sử dụng nơi ở của công nhân làm khu cách ly, không giãn, giảm mật độ kịp thời đã gây ra lây nhiễm chéo.

Về khoanh vùng, Phó Thủ tướng khẳng định, “không có mô hình chuẩn cho công tác khoan vùng cách ly, phong tỏa”, chủ yếu phụ thuộc vào bản lĩnh, trí tuệ, sự linh hoạt, sáng tạo của lãnh đạo địa phương. “Giãn cách, khoanh vùng đến đâu, lãnh đạo địa phương phải quyết rất sớm; phải làm rất chặt ở bên trong, tránh tình trạng khoanh rộng nhưng bên trong lỏng, để dịch dây dưa, kéo dài. Ban đầu có thể chưa thể xác định được diện khoanh vùng, tạm thời khoanh rộng nhưng sau đó khẩn cấp điều tra dịch tễ để khoanh gọn lại”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Rút ra bài học trong đợi chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Phó Thủ tướng đề nghị, nhất định phải an toàn, các doanh nghiệp mới được hoạt động, sản xuất. Ngay cả những địa phương chưa có dịch, vẫn phải tăng cường kiểm tra, kiên quyết dừng hoạt động với những doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải tự cập nhật thông tin tự đánh giá mức độ an toàn lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19; qua đó, nắm được tình hình phân bố khu vực sản xuất của doanh nghiệp. Nếu có ca F0, F1, F2, các lực lượng có thể dựa trên mô hình tính toán, dự đoán đường lây, khu vực có nguy cơ để triển khai kịp thời các biện pháp, phòng chống dịch bệnh sát thực tế.

Đồng thời, các doanh nghiệp phải có phương thức tổ chức sản xuất trở lại theo ca, kíp; khu sản xuất gắn với chỗ ở cho công nhân. Trong tình huống có ca mắc COVID-19, chỉ một nhóm công nhân cùng ca, kíp, sinh hoạt cùng khu vực bị khoanh vùng, cách ly; doanh nghiệp vẫn có thể duy trì hoạt động. Để triển khai phương án trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, phối hợp thực hiện với các doanh nghiệp. 

Trước mong muốn sớm có vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho công nhân, người lao động của các địa phương, Phó Thủ tướng cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là các nguồn vaccine đều không cam kết tiến độ giao vaccine. “Chúng ta không thiếu kinh phí nhưng khó nhất là làm sao để có vaccine sớm nhất. Cố gắng trong tháng 7/2021 sẽ tiêm hết vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động có nguy cơ cao; tháng 8/2021 tiêm xong toàn bộ cho công nhân trong các khu công nghiệp trên cả nước”, Phó Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng ghi nhận sự nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua; đồng thời mong muốn các dịch bệnh sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt, không để lây lan trong khu công nghiệp.

Diệp Trương (TTXVN)