07:23 29/07/2020

Chủ động nắm bắt cơ hội do EVFTA mang lại

Ngày 29/7, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức diễn đàn trực tuyến “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu: Con đường đắc lợi - con đường gian nan”.

Tham dự diễn đàn có Lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo VOV, đại diện lãnh đạo các ban, ngành, gần 150 doanh nghiệp đại diện cho các lĩnh vực, ngành nghề tại điểm cầu Hà Nội, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, các điểm cầu tại châu Âu và trên thế giới. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tại diễn đàn các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp Việt Kiều tại châu Âu đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những thắc mắc, khó khăn, cập nhật những thông tin mới về các cơ hội hợp tác từ đó thúc đẩy sự kết nối bền vững, chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong nước với hệ thống doanh nghiệp, các nhà phân phối của cộng đồng người Việt ở châu Âu,

Chia sẻ những khó khăn và thách thức của địa phương khi xuất khẩu hàng sang thị trường châu Âu, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn về thời tiết, bất lợi và tình hình diễn biến bất thường của thị trường quốc tế. Chính sách của các nước nhập khẩu trong khối EU thường xuyên có sự thay đổi theo hướng thắt chặt về tiêu chuẩn nhất là đối với hàng nông, lâm sản.

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và khả năng truy xuất nguồn gốc nên việc cải thiện để đáp ứng cần có thời gian và cần nguồn đầu tư lớn… Bà Hiền mong muốn có sự  quan tâm tìm hiểu đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư khu vực châu Âu và cộng đồng người việt ở châu Âu về các nội dung này. 

Chia sẻ tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Liên Bang Nga Trần Quốc Triệu cho rằng, hàng hóa “Made in Việt Nam” (xuất xứ Việt Nam) ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường Nga, được người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Nga vẫn rất khiêm tốn so với tiềm lực của chúng ta cũng như so với hàng hóa của nhiều nước khác. Nguyên nhân một phần do doanh nghiệp Việt Nam chưa tìm hiểu kỹ thị trường, thị hiếu người tiêu dùng; mẫu mã chưa được bắt mắt, đóng gói chưa đẹp và đúng quy cách.

Các doanh nghiệp chưa chú trọng khâu marketing, khâu quảng bá chủ yếu tự phát chưa chuyên nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa coi trọng chữ tín trên thị trường cung ứng nên cung cấp không đều về chất lượng và số lượng. Hiện nay, hàng hóa Việt Nam vẫn nhập khẩu vào Nga chủ yếu dưới dạng nguyên liệu thô, bán thành phẩm, việc đóng gói làm nhãn mác thương hiệu, phân phối chủ yếu do các tập đoàn lớn của Nga làm. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng hàng hóa từ khâu sản xuất đến tận tay người tiêu dùng.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan Hoàng Xuân Bình cũng đồng tình rằng, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu là sản phẩm thô nguyên liệu hay gia công; còn ít sản phẩm thương hiệu Việt. Tuy nhiên, Việt Nam có thuận lợi từ kinh nghiệm của Hiệp định Thuơng mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) cũng như xu hướng kinh doanh trực tuyến ngày càng phổ biến tại Việt Nam và EU.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang có hàng vạn doanh nghiệp Việt kiều ở châu Âu, nhất là các trung tâm thương mại của người Việt với hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, bán buôn, dịch vụ. Các doanh nghiệp này là doanh nghiệp châu Âu có kinh nghiệm kinh doanh, am hiểu thị trường, pháp luật, ngôn ngữ nước sở tại và cũng là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam, châu Âu.

Ông Hoàng Xuân Bình đề xuất hướng kinh doanh chính của doanh nghiệp Việt kiều châu Âu khi EVEFTA có hiệu lực là trực tiếp xuất khẩu hàng châu Âu về Việt Nam và hỗ trợ nhập khẩu hàng Việt Nam sang châu Âu. Một số phương thức kinh doanh bao gồm: Mở các điểm bán hàng trực tuyến liên kết tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt kiều trực tiếp đầu tư, cung cấp hàng định kỳ từ châu Âu về cho người thân để mở các điểm bán hàng trực tuyến hay bán trực tiếp cho người tiêu dùng tại địa phương.

Các điểm bán hàng này chỉ cần vốn nhỏ, dễ triển khai, có lợi cho cả doanh nghiệp Việt kiều cùng người thân tại Việt Nam. Các phương thức khác là: Doanh nghiệp Việt Kiều trực tiếp xuất khẩu hàng từ doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho các hệ thống bán buôn, siêu thị; hỗ trợ hay làm đại lý cho các doanh nghiệp bản địa xuất khẩu hàng về Việt Nam; tư vấn dịch vụ chuyển giao công nghệ, thu mua nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Hoàng Xuân Bình cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt kiều uy tín ở các nước và các trung tâm thương mại Việt Nam tại châu Âu nên sớm hợp tác thành lập các trung tâm hàng châu Âu xuất khẩu về Việt Nam hay trở thành đại lý cho các doanh nghiệp bản địa để có thể tham gia xuất khẩu từ châu Âu về Việt Nam ổn định, lâu dài, cũng như hỗ trợ cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho nhiều doanh nghiệp Việt kiều. Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, nên hợp tác cùng doanh nghiệp Việt kiều để xuất hàng sang châu Âu.

Chú thích ảnh
 Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu Hoàng Mạnh Huê, để tăng cường sự hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu cần có sự trao đổi kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp. Sau khi kết nối thông tin Hiệp hội doanh nghiệp ở châu Âu có thể giúp tìm hiểu thị trường, tìm kiếm khách hàng, làm chương trình quảng cáo thay cho các doanh nghiệp Việt Nam để tiết kiệm chi phí nhân lực, cơ sở vật chất; làm đại lý cho các thương hiệu trong nước tại châu Âu; cùng nhau đầu tư các hệ thống dịch vụ, bất động sản lớn.

Đa số các ý kiến tại diễn đàn khẳng định, EVFTA sẽ mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu. Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội bước vào thị trường châu Âu rộng lớn với khoảng 500 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng được tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao và sáng tạo của châu Âu. Tuy nhiên, cơ hội mà EVFTA đem lại sẽ “song hành” cùng khó khăn và thách thức. Bởi vậy, doanh nghiệp hai bên cần có sự chủ động và kế hoạch triển khai cụ thể nhằm nắm bắt những cơ hội do Hiệp định mang lại.

Minh Huệ (TTXVN)