04:07 17/04/2018

Chủ động kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người dân

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề "nóng" được xã hội quan tâm. Các bệnh do thực phẩm hiện nay không chỉ là bệnh cấp tính do ngộ độc thức ăn mà còn là bệnh mạn tính do nhiễm, tích lũy các chất độc hại từ môi trường bên ngoài vào thực phẩm, gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, trong đó có tim mạch và ung thư.

Các cơ quan Nhà nước, đơn vị liên quan đã nỗ lực cải thiện an toàn thực phẩm, nhưng  trước thời điểm triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay ( 15/4-15/5/2018) kết quả thu được vẫn còn hạn chế, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân


Bộ Y tế cho biết: Năm 2017, cả nước xảy ra 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc, 3.705 người đi viện, 24 trường hợp tử vong; giảm cả số vụ (16,3%), số người mắc (10,2%), số người đi viện (0,7%). Tuy nhiên, số người tử vong tăng 12 người so với năm 2016, chủ yếu do ngộ độc rượu, còn lại do độc tố tự nhiên.

Năm 2017, cả nước xảy ra 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc, 3.705 người đi viện, 24 trường hợp tử vong; giảm cả số vụ (16,3%), số người mắc (10,2%), số người đi viện (0,7%). Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, nhất là tại bếp ăn trường học, ngộ độc thực phẩm ở đám cưới, do độc tố tự nhiên (nấm độc, cá nóc, cóc, độc tố vi nấm trong bánh trôi ngô, độc tố cây rừng…) và đặc biệt là ngộ độc methanol trong rượu.

Ngộ độc tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học vẫn có xu hướng tăng và khó kiểm soát. Các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến, trong khi đó chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, nước ta đang chuyển mạnh sang kinh tế cơ chế thị trường. Thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nước ngoài nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều chủng loại. Việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật bao gồm thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hóa chất kích thích tăng trưởng và thuốc bảo quản không theo quy định đã gây ô nhiễm nguồn nước, tồn dư hóa chất trong thực phẩm.

Việc sử dụng chất phụ gia trong sản xuất ngày càng phổ biến. Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, ô mai… Nhiều loại thịt bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y.

Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu, quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý. Nhãn hàng và quảng cáo không đúng sự thật vẫn xảy ra. Đồng thời, việc bảo quản lương thực, thực phẩm không đúng quy cách đã tạo điều kiện cho vi khuẩn,  nấm mốc phát triển đã dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm.

Các chuyên gia y tế nêu rõ: Về lâu dài, thực phẩm không chỉ tác động thường xuyên đến sức khỏe mỗi người mà còn ảnh hưởng lâu dài đến nòi giống của dân tộc. Sử dụng các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh trước mắt có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng ồ ạt, dễ nhận thấy nhưng vấn đề nguy hiểm hơn nữa là sự tích lũy dần các chất độc hại trong cơ thể, sau một thời gian mới phát bệnh hoặc có thể gây dị tật, dị dạng cho thế hệ sau.

Những ảnh hưởng tới sức khỏe đó phụ thuộc vào các tác nhân gây bệnh. Trẻ suy dinh dưỡng, người già, người ốm càng nhạy cảm với các bệnh do thực phẩm không an toàn, có nguy cơ suy dinh dưỡng và bệnh tật nhiều hơn.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đánh giá các chương trình hành động đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn cầu đã xác định được nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em là các bệnh đường ruột, phổ biến là tiêu chảy; đồng thời cũng nhận thấy nguyên nhân gây các bệnh trên là do thực phẩm bị nhiễm khuẩn.

Ở Việt Nam, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình mỗi năm có khoảng 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm.

Theo điều tra của Hiệp hội Ung thư thế giới, có 35% ca mắc bệnh ung thư trên thế giới có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ 2.

Tăng cường giám sát chủ động, cảnh báo nhanh

Cục An toàn thực phẩm cho biết: Ngành y tế đã đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác truyền thông với các hình thức tuyên truyền được đa dạng hóa; chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm trong các dịp lễ, sự kiện lớn, đặc biệt là các cuộc họp trong khuôn khổ năm APEC 2017; việc tiếp nhận và xử lý thông tin, sự cố về an toàn thực phẩm được duy trì và tiến hành khoa học.

Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm mùa hè, mùa bão lũ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giám sát hải sản tầng đáy trong phạm vi 20km trở vào bờ bị ảnh hưởng do sự cố môi trường Formosa tại các tỉnh miền Trung.

Ngành y tế đã triển khai các hoạt động nâng cao năng lực kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm; tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội về thực thi chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại 21 tỉnh, thành phố.

Năm 2018, Bộ Y tế sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để giảm 5% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận so với trung bình giai đoạn 2011-2015; tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 7,5 người/100.000 dân. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ hoàn thành đúng tiến độ việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch, đặc biệt là quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm; đánh giá, sơ kết 5 năm thực hiện Luật An toàn thực phẩm để đề xuất kế hoạch xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản phù hợp.

Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ mở rộng triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm; tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm từ Trung ương đến địa phương theo định kỳ, sự kiện, chủ đề hoặc đột xuất bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả.

Cục An toàn thực phẩm tăng cường giám sát chủ động, cảnh báo nhanh, phân tích nguy cơ; kiểm soát phòng chống ngộ độc thực phẩm; kiểm nghiệm mẫu thực phẩm trong thanh tra, hậu kiểm; tăng 10% số phòng thử nghiệm cấp tỉnh, thành phố đạt chuẩn so với năm 2017.

Ngoài ra, ngành y tế tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ địa phương về chuyên môn nghiệp vụ quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm; duy trì Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành về an toàn thực phẩm; tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ hành chính công mức độ 4…

Theo Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, hiện nay công tác truyền thông chưa đạt hiệu quả cao; chưa kết nối được thực phẩm sạch, địa chỉ xanh với người tiêu dùng; chưa công khai được cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Việc truyền thông, tư vấn trực tiếp của cán bộ có chuyên môn về y tế, nông nghiệp hầu như chưa được quan tâm; kiến thức và hiểu biết về an toàn thực phẩm của người dân còn rất hạn chế. Vì vậy, Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cũng kiến nghị: Ngành y tế cần phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu, thực hiện đúng Luật An toàn thực phẩm, Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, Thông tư quy định bảo đảm an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, tạo dựng niềm tin, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng.

Truyền thông về an toàn thực phẩm cần bám sát chuỗi giá trị của sản phẩm theo mô hình: “Từ trang trại đến bàn ăn”, bao gồm các khâu: sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối và tiêu dùng. Mỗi sản phẩm an toàn cần phải đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn ở tất cả các khâu, các công đoạn của chuỗi giá trị sản phẩm…

Thu Phương (TTXVN)