07:07 10/07/2014

Chủ đề biển đảo vẫn “nóng” trường thi

Ngày đầu tiên của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 đã kết thúc. Theo đánh giá chung của nhiều thí sinh, đề thi các môn theo hướng đổi mới như chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kỳ thi năm nay, khá phù hợp với trình độ của thí sinh, đồng thời lại có tính phân loại cao.

Ngày đầu tiên của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 đã kết thúc. Theo đánh giá chung của nhiều thí sinh, đề thi các môn theo hướng đổi mới như chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kỳ thi năm nay, khá phù hợp với trình độ của thí sinh, đồng thời lại có tính phân loại cao. Cũng không bất ngờ khi chủ quyền biển đảo được đề cập trong đề địa lý. Tuy nhiên, lần đầu tiên chủ đề biển đảo và World Cup đã vào đề thi tiếng Anh năm nay, lại là điều nhiều thí sinh không dự đoán được.

 

Đề thi theo hướng đổi mới


Theo đánh giá chung của nhiều thí sinh, đề thi có tính phân loại tốt, phần dễ thì rất dễ, nhưng phần khó thì cũng rất khó, đạt điểm trên trung bình không phải vấn đề lớn với thí sinh nói chung, nhưng để đạt điểm cao thì lại đòi hỏi thí sinh phải thật sự giỏi.

 

Thanh tra Bộ GD - ĐT thanh tra một số điểm thi tại TP Hồ Chí Minh.


Đề thi môn địa lý và lịch sử được học sinh đánh giá là mang tính thời sự. Đề thi địa lý năm nay không quá khó so với thí sinh và câu hỏi về Biển Đông nằm trong "dự đoán" của thí sinh. Đánh giá về đề thi này, thí sinh Cầm Bá Quyền, trường dân tộc nội trú tỉnh Sơn La cho biết: “Câu hỏi về việc đánh bắt hải sản của ngư dân ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với ý nghĩa về an ninh quốc phòng, cũng là một câu hỏi để đánh thức hiểu biết, trách nhiệm của thí sinh. Bên cạnh đó, thí sinh vẫn tiếp tục trở lại vấn đề đánh bắt xa bờ để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo ở câu 3 khi trả lời câu hỏi về nghề cá và du lịch biển ở duyên hải Nam Trung Bộ”.


Với đề thi lịch sử, nội dung đề cập chủ yếu nằm trong chương trình học, nhưng đòi hỏi học sinh phải có tư duy và liên kết các sự kiện. Câu số 1, với cách ra đề ẩn nội dung và thời gian, nên thí sinh phải vận dụng và liên kết nhiều kiến thức đã học để có thể làm được bài. Đặc biệt, câu 4 với nội dung: “Từ những dữ liệu trong bảng, hãy xác định biến đổi to lớn ở Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Hiện nay, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cần làm gì để bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực” được cho là khá “lạ”. Thí sinh Nguyễn Thị Như Quỳnh (cựu học sinh THPT Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội) cho biết: “Khi phát đề thi xong tất cả các bạn trong phòng đều bất ngờ trước cách ra đề này. Vì trước đó chúng em chưa từng thấy dạng câu hỏi này trong đề thi các năm trước đây”. Tuy nhiên, Quỳnh cũng cho biết, với cách ra đề có thêm bảng biểu như vậy sẽ giúp học sinh nắm được các mốc, thấy được sự biến đổi trong diễn biến. Về nội dung thứ 2 trong câu 4 cũng tạo hứng thú cho thí sinh. Thí sinh Lê Trang Nhã (Phú Xuyên, Hà Nội) dự thi tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Ý 2 của câu 4 rất mở, em có liên hệ với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.


Đặc biệt, nhiều thí sinh khá bất ngờ với nội dung biển đảo và World Cup xuất hiện trong đề thi tiếng Anh, dù vậy nhiều thí sinh đánh giá, đây là vấn đề được giới trẻ quan tâm trong thời gian hiện nay, vì vậy việc đưa vào đề thi là hợp lý. Thí sinh Việt Hà (trường chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) dự thi tại trường ĐH Ngoại Thương cho biết: “Em khá bất ngờ bởi đề thi năm nay có 4 câu hỏi, bao gồm 2 câu biển đảo và 2 câu về World Cup. Trong đó, câu biển đảo hỏi về vấn đề Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta và việc các các nước trên thế giới ủng hộ Việt Nam. Câu về World Cup nói về vấn đề sự thất bại của Tây Ban Nha và cầu thủ Messi”.


Nhận định về đề thi, ông Đỗ Thanh Duy, Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho biết, nội dung đề thi nằm trong chương trình, không quá dài, phù hợp với thời gian làm bài, tất nhiên có sự phân hóa để các trường “top” trên lựa chọn thí sinh phù hợp. “Rất khó để có thể nhận định rằng đề khó hay dễ, với học sinh giỏi thì cho rằng đề thi là bình thường, còn học sinh khá có thể coi đề thi khó. Nhưng chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến về sự đổi mới của đề thi, về sự bất ngờ lẫn hào hứng của các em khi tiếp nhận đề. Đó đã là sự đổi mới và sự đổi mới này là một cách để tiệm cận dần đến với một kỳ thi chung theo hướng phân hóa rõ năng lực, tư duy của thí sinh”, ông Đỗ Thanh Duy khẳng định.


Liên tục kiểm tra đột xuất Hội đồng thi


Đây là đợt thi có nhiều khối thi, nhiều môn thi, đặc biệt là môn tự luận, nên công tác giám sát, kiểm tra được các Hội đồng thi siết chặt. Trong ngày 9/7, các đoàn thanh tra của Ban Chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 liên tục kiểm tra đột xuất ở một số Hội đồng thi tại Hà Nội và Bắc Ninh như Đại học Y Hà Nội, Đại học Lao động - Xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia, Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh và Đại học Công nghệ Đông Á… Tại đây, đại diện Ban Chỉ đạo thi ĐH, CĐ Trung ương đã đặc biệt lưu ý các Hội đồng thi về việc bóc đề cho thí sinh, tránh bóc nhầm đề.


Sau khi tiến hành thanh tra một số điểm thi tại TP Hồ Chí Minh, ông Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD - ĐT tại TP Hồ Chí Minh đánh giá, rút kinh nghiệm của đợt 1, trong đợt 2 các trường đã có sự chuẩn bị kỹ hơn, công tác chuẩn bị có sự chuyên nghiệp hơn từ khâu tổ chức sắp xếp phòng đến khâu nhận đề và phát đề thi. Đợt 2 các thí sinh bình tĩnh và đến điểm thi đúng giờ hơn. Bên cạnh đó, tại mỗi điểm thi đều có một lực lượng lớn các sinh viên tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ cho thí sinh và phụ huynh.


Đánh giá về ngày thi đầu tiên đợt 2 kỳ thi ĐH, CĐ 2014, Ban Chỉ đạo thi Trung ương cho biết, các Hội đồng tuyển sinh thực hiện nghiêm túc quy định của Quy chế thi tuyển sinh; việc tổ chức thi diễn ra bình thường. Không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, giúp thí sinh đến các địa điểm thi thuận lợi. Các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện,… triển khai hoạt động tích cực, có hiệu quả, tham gia phân luồng giao thông; giúp đỡ, hướng dẫn và đưa thí sinh, phụ huynh thí sinh đến các điểm thi; phối hợp giữ gìn an ninh, trật tự bên ngoài các khu vực thi; hỗ trợ hàng ngàn chỗ trọ, suất ăn miễn phí.


Hôm nay (10/7), thí sinh làm bài với các môn hóa, ngữ văn và năng khiếu.

 

Thầy Hồ Mậu Tình, trường THPT Quỳnh Lưu 3 Nghệ An: Để đạt điểm cao môn địa lý sẽ khó vì có câu liên hệ với biển đảo về việc đánh bắt thủy hải sản Hoàng Sa. Với câu hỏi này, nếu thí sinh biết vận dụng kiến thức và có tư duy tổng hợp thì có thể làm bài tốt. Với đề thi này, thí sinh đạt điểm dưới 7 sẽ nhiều, còn đạt điểm cao thì khó.

 Thầy Đặng Thanh Toán, khoa lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội: Đề thi sử khá hay, đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng tổng hợp. Với đề này, học sinh khá có thể đạt điểm cao, đạt trên 8 điểm.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Ngôn, giáo viên môn Sinh học, Trung tâm Đào tạo Học sinh giỏi Khôi Nguyên (TP Hồ Chí Minh): Với đề thi sinh năm nay, học sinh ở mức độ khá có thể làm được hết phần lý thuyết. Nhìn chung đề thi môn sinh năm nay dễ và chưa có tính phân hóa cao.

Thầy Nguyễn Duy Hiếu, Trưởng bộ môn Toán trường THPT Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh): Đề thi toán năm nay nhìn chung khó hơn so với năm trước. Cấu trúc đề ở cả 2 khối B, D cũng được thay đổi giống như đề thi đợt 1. Đề thi năm nay nằm trong chương trình sách giáo khoa, tuy nhiên vẫn có những câu đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp, nắm kiến thức chắc thì mới có thể làm bài tốt. Đề có sự phân hóa cao từ câu 1 - 6 ở cả 2 khối đều là những câu cơ bản. Còn từ câu 7 - 9 là câu phân loại thí sinh. Với câu này thí sinh phải thật sự khá giỏi thì mới có thể làm được bài. Nhìn chung năm nay môn Toán sẽ ít điểm 10, thí sinh đạt từ 7 điểm trở xuống sẽ chiếm tỷ lệ cao.


 

Lê Vân - Phương Tuyết - Thu Trang