06:15 18/06/2011

Chống khủng bố bằng hòa bình

Thế giới không ngạc nhiên, nhưng cũng chẳng trông chờ sự kiện Ayman al-Zawahiri trở thành thủ lĩnh mới của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Lại những lời tuyên chiến, vẫn những câu đe dọa, những tuyên bố đáp trả giữa al-Qaeda và Mỹ mới đây khiến người ta tưởng chừng như cuộc chiến khủng bố mới chỉ bắt đầu.

Thế giới không ngạc nhiên, nhưng cũng chẳng trông chờ sự kiện Ayman al-Zawahiri trở thành thủ lĩnh mới của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Lại những lời tuyên chiến, vẫn những câu đe dọa, những tuyên bố đáp trả giữa al-Qaeda và Mỹ mới đây khiến người ta tưởng chừng như cuộc chiến khủng bố mới chỉ bắt đầu. Thực tế cho thấy có một biện pháp rất hiệu quả cho cuộc chiến chống khủng bố.

Hơn một tháng trước, cộng đồng quốc tế sửng sốt khi hay tin biệt kích Mỹ tiêu diệt được tên trùm khủng bố Osama bin Laden đang ẩn náu tại Pakixtan. Hơn một tháng sau, người ta lại sửng sốt không kém khi al-Qaeda ra mắt thủ lĩnh mới. Sửng sốt không phải vì thế giới không lường được rằng sẽ có sự thay thế, mà sửng sốt là vì sự kế thừa đó diễn ra khá nhanh và triệt để. Thông báo ra mắt đã đi kèm với lời tuyên bố "Thánh chiến" chống Mỹ và đồng minh.

Rõ ràng, cuộc chiến chống khủng bố chưa được coi là thành công và không thể dừng lại chừng nào cỏ chưa bị diệt tận gốc. Không dễ để tìm ra và tiêu diệt các nhân vật trùm sỏ của al-Qaeda, thế nên biện pháp quân sự truyền thống không phải lúc nào cũng có thể áp dụng. Phân tích chiến lược chống khủng bố của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, dễ nhận thấy có sự tiếp nối chính sách của chính quyền tiền nhiệm, chỉ có điều một số biện pháp tàn bạo mà chính quyền thời Tổng thống George W. Bush áp dụng đã được loại bỏ. Có vẻ Tổng thống Obama nghiêng về khả năng làm rõ logic các hoạt động khủng bố nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng hơn là giải quyết xung đột với bàn tay sắt.

Nếu vậy, các hoạt động quân sự và bạo lực chống lại người dân địa phương phải được hạn chế để không làm gia tăng tâm lý chống Mỹ, khiến ngày càng nhiều người đi theo al-Qaeda. Thế mới có một số khuyến cáo rằng việc sử dụng biện pháp quân sự chỉ nên dùng khi nào đã thành công trong việc tách al-Qaeda ra khỏi dân chúng và tiêu diệt được tư tưởng bạo lực của nhóm này. Các hoạt động hỗ trợ phát triển cần được chú trọng, bởi vì nghèo đói, thất nghiệp, tham nhũng sẽ dẫn tới tâm trạng thất vọng, đẩy giới trẻ- đối tượng dễ bị kích động- đi theo al-Qaeda. Sự phân loại, khuyến khích luận điểm tuyên truyền đúng đắn, và trên hết là tôn trọng chủ quyền quốc gia, sẽ đẻ ra các biện pháp chống khủng bố hiệu quả hơn nhiều so với việc lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Và đó là hướng đi mở để thế giới nghĩ tới biện pháp chống khủng bố bằng hòa bình.

Đỗ Vân