06:22 22/06/2015

Chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu

Thực tế cho thấy, công tác chống hàng giả chỉ đạt hiệu quả cao khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng với chính các doanh nghiệp có thương hiệu bị làm giả.

Thực tế cho thấy, công tác chống hàng giả chỉ đạt hiệu quả cao khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng với chính các doanh nghiệp có thương hiệu bị làm giả.

Càng nổi càng dễ bị giả

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam ước tính, hiện nay trên cả nước có trên 30 ngành hàng bị làm giả từ hàng tiêu dùng đến hàng cao cấp như: mỹ phẩm, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường sữa, thuốc thú y, đồ điện tử, điện thoại, gas, xe máy...

Các doanh nghiệp cần hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết hàng thật, hàng giả.


Đặc biệt là các thương hiệu càng lớn, càng mạnh, đã định vị được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng thì càng bị làm giả nhiều. Chẳng hạn như bia Sài Gòn, một trong những thương hiệu lâu năm nhất của Việt Nam (140 năm tuổi) là đối tượng của vấn nạn hàng giả. Bà Phạm Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cho biết mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện ra hai vụ làm giả bia Sài Gòn với tang vật là 2.200 chai bia Sài Gòn giả thành phẩm tại quận Bình Tân và quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh).

Còn trong ngành dệt may, từ năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp (DN) trong ngành đã chú ý đến việc xây dựng thương hiệu nội địa. Hiện có khoảng trên 30 thương hiệu dệt may có tên tuổi trên thị trường. “Các sản phẩm nhái sơ mi Việt Tiến hay May 10 ngày càng bị đẩy lùi bởi các DN đã dán tem chống hàng giả hay sử dụng các biện pháp kĩ thuật hiện đại như dệt các sợi chống hàng giả vào sản phẩm, có thể soi chiếu được dưới máy chuyên dụng”, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết.

Thực tế, các DN sản xuất đều đồng tình rằng, để xây dựng được một thương hiệu có uy tín, DN phải bỏ không ít công sức. Nhưng để bảo vệ được thương hiệu đó lại tốn công sức hơn rất nhiều. Cứ thương hiệu nào bắt đầu xây dựng được uy tín là lại có hàng giả xuất hiện. Hàng giả không chỉ sản xuất trong nước mà còn từ Trung Quốc tuồn vào nội địa, đặc biệt trong lĩnh vực mỹ phẩm.

Một thực tế khác là DN cũng có tâm lý “ngại” nhắc đến tình trạng thương hiệu của mình bị làm giả. Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, DN có các thương hiệu nổi tiếng bị “nhái” trên thị trường như Trà xanh 0 độ, Nước tăng lực Number 1, chia sẻ: “Chúng tôi cũng đau đầu xem có nên công bố về hàng giả hay không bởi với người tiêu dùng, họ sẽ hoang mang khi nhận thấy một DN có nhiều vấn đề về hàng giả. Họ có thể sẽ có tâm lý mua sản phẩm nước ngoài cho an toàn”.

Kiến nghị tăng mức xử phạt

Thực tế tại Sabeco, để chống hàng giả, Tổng công ty đã tăng cường quảng bá hình ảnh thương hiệu của bia Sài Gòn, ban hành bộ nhận diện đồng bộ trên cả nước. Đặc biệt là hoàn thiện hệ thống phân phối và đội ngũ bán hàng rộng khắp, trở thành “hàng rào” chống hàng gian, hàng giả.

“Bia Sài Gòn đã giải quyết khủng hoảng, không để nó ‘bùng lên’ bởi chúng tôi có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà sản xuất, hệ thống phân phối với các lực lượng chức năng trong kiểm soát thị trường. Khi có vụ việc xảy ra thì chúng tôi khoanh vùng và xử lý nhanh chóng, cùng các lực lượng tìm ra đối tượng, động cơ chứng minh hàng giả không phải là sản phẩm của chúng tôi, giúp người tiêu dùng yên tâm”, bà Phạm Hồng Hạnh cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: 5 tháng đầu năm nay đã xử lý khoảng 80.000 vụ vi phạm về hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, trong đó có 8.800 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, mới có 25 vụ bị khởi tố hình sự với trên 40 bị can.

Coi trọng hệ thống phân phối, chuyên biệt hóa hệ thống phân phối theo thương hiệu cũng là giải pháp được các DN ngành dệt may quan tâm. Chẳng hạn như Tổng công ty May 10 hiện nay đã có trên 1.500 cửa hàng riêng trên cả nước. Đây là biện pháp hiệu quả chống hàng giả trà trộn làm ảnh hưởng đến thương hiệu của các DN.

Bà Phạm Hồng Hạnh cũng kiến nghị, hiện nay, phí xây dựng thương hiệu được đưa vào chi phí sản xuất, kinh doanh của DN nhưng phí bảo vệ thương hiệu thì chưa. Do đó, cần chủ trương của Bộ Tài chính cho phép hạch toán chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh thì DN mới có thể hỗ trợ các lực lượng chống hàng giả, hàng lậu. Lực lượng chống hàng giả rất mỏng trong khi thị trường rất rộng nên cần có sự “tiếp sức”, hỗ trợ chi phí của DN.

Bên cạnh đó, mức xử phạt hàng giả hiện nay áp dụng còn rất thấp, không đủ sức răn đe tội phạm. Nhiều đối tượng đã bị xử phạt vẫn tiếp tục làm hàng giả bởi lợi nhuận cao hơn nhiều so với mức phạt. Vì vậy, DN sản xuất kinh doanh rất cần sự hợp tác, giúp đỡ của cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra chống hàng giả, hàng nhái. Ông Bùi Quang Chuyện, TGĐ Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam đề xuất tăng mức xử phạt lên cao hơn. Đồng thời, ông đề nghị việc cấp phép thương hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ cần phải chặt chẽ hơn, tránh cấp phép cho những thương hiệu “na ná”, có cùng âm tiết khiến người tiêu dùng nhầm lẫn.
Hoàng Dương