02:06 04/02/2018

Chồng chéo quy định xử lý vi phạm xăng dầu

Một số địa phương gửi về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia những kiến nghị, khó khăn vướng mắc trong xử lý vi phạm liên quan đến mặt hàng xăng dầu.

Nhiều ý kiến cho rằng, một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được người vi phạm thi hành do số tiền phạt quá lớn; quy định xử lý chưa rõ ràng, còn chồng chéo.

Theo BCĐ 389 tỉnh Bình Dương, năm 2017, giá xăng biến động 19 lần (10 lần tăng giá và 9 lần giảm giá), giá dầu diezen được điều chỉnh giá 22 lần (16 lần tăng giá và 6 lần giảm giá). Hiện, giá bán lẻ xăng Ron A95 tại Bình Dương là 18.580 đồng, tăng 290 đồng/lít so với cuối năm 2016; giá dầu diezen 0,05% là 15.160 đồng, tăng 1.730 đồng/lít so với cuối năm 2016.

Hành vi vi phạm bán xăng dầu không phù hợp quy chuẫn kỹ thuật được phát hiện tăng cao so cùng kỳ, nguyên nhân được UBND tỉnh đã trang bị máy test nhanh chỉ số Octan. Các cơ quan chức năng đã tiến hành mua mẫu đang lưu thông trên thị trường để test nhanh, nếu phát hiện mẫu có dấu hiệu vi phạm mới ban hành quyết định kiểm tra nên tỷ lệ phát hiện vi phạm cao so với số vụ kiểm tra. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, Đoàn kiểm tra mới tiến hành lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm nên đã hạn chế được chi phí lấy mẫu.

Ngoài ra, còn có các hành vi vi phạm khác như sử dụng phương tiện đo có giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định hết hạn; sử dụng phương tiện đo không đạt tiêu chuẫn kỹ thuật; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc hết hạn…

Theo BCĐ 389 tỉnh Bình Dương, trong năm qua, kết quả, tổng số vụ kiểm tra là 32 vụ, phát hiện 15 vụ vi phạm, trong đó vi phạm về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, giấy chứng nhận kiểm định là 3 vụ; vi phạm về phương tiện đo là 4 vụ; vi phạm về chất lượng (bán xăng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật): 08 vụ. Theo đó, đã đình chỉ hoạt động 2 doanh nghiệp, Tước quyền giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu 8 doanh nghiệp.

Lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và khí hóa lỏng. Ảnh: TTXVN.

Chỉ tính riêng lực lượng quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, PC46 Công an tỉnh Bình Dương đã kiểm tra 17 vụ, lấy 13 mẫu kiểm nghiệm, phát hiện 9 vụ vi phạm (6 vụ vi phạm về chất lượng; 3 vụ vi phạm về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu), tổng số tiền phạt hơn 2,6 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 2 doanh nghiệp, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu 6 doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý, BCĐ 389 tỉnh Bình Dương đã đề nghị Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Trong đó cần hướng dẫn cụ thể cách phân biệt hành vi vi phạm theo điểm c khoản 1 Điều 20 và khoản 7 Điều 20. Ví dụ: Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu (không phải là nhà sản xuất, nhập khẩu), khi lấy mẫu kiểm nghiệm, lô hàng đang tồn trữ trong bồn chứa là 10.000 lít, khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu có vi phạm, Đoàn kiểm tra chốt số lượng thực tế tại thời điểm vi phạm thì số lượng đã bán là 3.000 lít, số lượng tồn là 7.000 lít. Vậy 3.000 lít đã tiêu thụ thì áp dụng điểm a khoản 7 Điều 20 để xử lý, còn 7.000 lít tồn thì áp dụng điều khoản, điểm nào để xử phạt?

Về phía tỉnh Bình Dương chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác trinh sát, nắm bắt thông tin để khoanh vùng đối tượng nhằm kiểm tra đúng trọng tâm, trọng điểm, không gây phiền hà cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính; đôn đốc các doanh nhiệp, hộ kinh doanh, đối tượng vi phạm đã có quyết định xử lý nhưng chưa thực hiện; theo dõi đôn đốc các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh chấp thuận cho nộp phạt nhiều lần thực hiện quyết định đúng thời gian quy định.

Minh Phương/Báo Tin tức