05:12 18/05/2018

'Chông chênh' công tác giảm nghèo bền vững

Bình quân mỗi năm, ngân sách nhà nước đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo. Tuy nhiên, hiệu quả giảm nghèo bền vững vẫn chưa cao.

Những con số ám ảnh


Những năm qua, với nhiều chương trình, dự án, đề án được triển khai, công tác giảm nghèo của nước ta đã đạt được những kết quả ấn tượng, năm sau giảm hơn năm trước. Hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 7%.

Thiếu đói một phần là do thiếu đất sản xuất.


Như tỉnh Đăk Lăk, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh còn 66.380 hộ nghèo, giảm 10.054 hộ so với năm 2016, tỷ lệ giảm nghèo là 2,59% (đạt chỉ tiêu đề ra). Còn tỉnh Lạng Sơn, hết năm 2017, toàn tỉnh có 36.537 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 19,07%, giảm 3,3% so với năm 2016, tương đương giảm 5.953 hộ. Tại Gia Lai, hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 3% so với năm 2016, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xuống còn 13,55%.


Nhưng công tác giảm nghèo bền vững vẫn rất chông chênh. Mặc dù đã gần hết hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 nhưng nước ta vẫn chưa dứt được tình trạng thiếu đói. Đều đặn từng tháng, từng năm, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại đưa ra những con số đầy ám ảnh.


Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 18/1/2018, cả nước có 5.700 hộ thiếu đói, tương ứng với 19.700 người thiếu đói. Trong đó, ĐắkLắk có nhiều hộ thiếu đói nhất với 2.100 hộ/5.300 nhân khẩu thiếu đói; tiếp theo là Lạng Sơn 1.400 hộ/5.000 nhân khẩu thiếu đói; Gia Lai 966 hộ/4.300 nhân khẩu thiếu đói.


Cùng kỳ tháng 1/2017, cả nước có tới 43,6 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 179,3 nghìn nhân khẩu. Còn tính chung cả năm 2017, cả nước có 2,2 triệu lượt nhân khẩu phải nhận gạo cứu đói khẩn cấp trong dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt và thiên tai. Năm 2016, tổng số lượt nhân khẩu thiếu đói trên cả nước cũng lên tới gần 1,1 triệu người.


Nhưng “thiếu đói” ở trên mới chỉ được định lượng theo cách tính của Tổng cục Thống kê. Còn trong cuộc sống, một nhân khẩu không chỉ cần gạo mà còn cần cả thức ăn, quần áo và vô số những nhu cầu thiết yếu khác. Ngay cả với cách tính hộ nghèo cũng không chỉ căn cứ vào tiêu chí thu nhập mà còn được đong đếm bằng các chỉ số tiếp cận dịch vụ xã hội khác như: Y tế, giáo dục, thông tin… Điều này cho thấy, hộ “thiếu đói” được công bố từng tháng, từng năm mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.


Thiếu bền vững


Thống kê số hộ thiếu đói từng tháng, từng năm của Tổng cục Thống kê, dù mới chỉ là bề nổi của tảng băng nhưng cũng đã là minh chứng rõ nhất cho sự thiếu bền vững trong công tác giảm nghèo. Đây là thực tế cần phải thẳng thắn nhìn nhận bởi nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo những năm qua là không hề nhỏ.

Cần đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015, ngân sách Trung ương đã phân bổ hơn 33.842 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân sách địa phương cũng bố trí được hơn 5.003 tỷ đồng, huy động các nguồn lực khác từ trong nước và các tổ chức quốc tế gần 8.500 tỷ đồng để thực hiện Chương trình.


Còn giai đoạn 2016-2020, gần 46.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước đã được thiết kế để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, Chương trình còn huy động nguồn viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 2.000 tỷ đồng.


Nguồn lực lớn là vậy nhưng vì sao mỗi năm vẫn có hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lượt người thiếu đói? Không thể không nhắc tới yếu tố xuất phát điểm thấp của nền kinh tế Việt Nam, nhất là ở vùng DTTS và miền núi. Cũng không thể bỏ qua nguyên nhân do chịu ảnh hưởng của thiên tai hằng năm gây nhiều thiệt hại nặng nề. Nhưng đây vẫn chỉ là những nguyên nhân khách quan.


Trong giai đoạn 2011-2015 và hai năm đầu của giai đoạn 2016-2020, những nguyên nhân chủ quan khiến công tác giảm nghèo chưa bền vững đã được phân tích, mổ xẻ. Một trong những nguyên nhân chính là nguồn lực giảm nghèo được thiết kế dành cho quá nhiều chính sách giảm nghèo, do nhiều bộ ngành quản lý.


Theo một báo cáo rà soát chính sách của Oxfam (tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động hỗ trợ nhân đạo, phát triển nông thôn…), hiện tổng số văn bản chính sách liên quan đến giảm nghèo ở Việt Nam là 501, trong đó có 188 văn bản liên quan trực tiếp đến giảm nghèo đang có hiệu lực và 313 văn bản liên quan gián tiếp.


Có quá nhiều chính sách, quá nhiều bộ, ngành quản lý đã làm cho nguồn lực giảm nghèo bị dàn trải, phân tán. Điều này là nguyên nhân khiến các chính sách được triển khai phần ớn đều khong đạt mục tiêu. Thậm chí, có trường hợp chính sách này làm giảm hiệu quả chính sách khác, triệt tiêu chính sách khác.


Do vậy, để giảm nghèo bền vững, cần thiết sớm rà soát, bảo đảm gắn phân bổ chính sách với nguồn lực. Trong phân bổ nguồn lực, cần quan tâm đến các yếu tố đặc thù của các khu vực, địa phương. Từ đó, xác định hệ số ưu tiên theo mức độ khó khăn để có cơ chế, định mức, tiêu chí phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp.


Bài và ảnh: Minh Phúc (Báo Tin tức)