06:07 10/06/2013

Chọn phương án vay phù hợp khả năng tài chính

Cuối tuần qua, đại diện NHNN đã giải đáp một số thắc mắc của người dân khi vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng từ ngân hàng.

Cuối tuần qua, đại diện NHNN đã giải đáp một số thắc mắc của người dân khi vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng từ ngân hàng. Không chỉ lo về phương án tài chính, nhiều người còn lầm tưởng “cứ có hợp đồng mua nhà ở xã hội (NOXH) hoặc nhà ở thương mại diện tích dưới 70 m2, giá bán 15 triệu đồng/m2” là được vay vốn với lãi suất 6% của gói tín dụng này.

 

Theo NHNN, về nguyên tắc, chính sách hỗ trợ chỉ được thực hiện khi Thông tư của NHNN và Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/6/2013. Tuy nhiên, NHNN vẫn tạo điều kiện cho người dân ký hợp đồng mua nhà từ ngày chính sách hỗ trợ về nhà ở được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 02/NQ-CP (ngày 7/1/2013) nhằm tạo cơ hội cho những người có khó khăn về nhà ở có được chỗ ở phù hợp; đồng thời giảm hàng tồn kho nhà ở (những căn hộ chưa bán được). Như vậy, với những hợp đồng đã ký trước ngày 7/1/2013, khách hàng đã có phương án tài chính để mua nhà trước khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ thì sẽ không được hưởng chính sách này.


“Chúng tôi rất lưu ý và đề nghị người dân có nhu cầu vay phải bám sát và soi xét kỹ 2 Thông tư số 11 của NHNN và Thông tư 07 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn đối tượng vay. Đây là cặp bài trùng quy định chi tiết, cụ thể rõ ràng đối tượng và đã được 2 bộ đăng công khai trên trang web. Mọi người cần đọc xem mình có đúng đối tượng và đáp ứng các điều kiện không?”, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN nói.


Tuy nhiên, điều mà người dân băn khoăn hiện nay là, nếu người dân và chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua nhà (theo đúng quy định về mốc thời gian) nhưng lại không vay được vốn ưu đãi thì lấy đâu tiền để mua nhà? Ông Nguyễn Viết Mạnh cho rằng: Người dân phải tính toán khả năng tài chính trước khi đi vay để mua nhà. Nếu không rủi ro sẽ đến với họ trước khi không có nguồn trả nợ cho ngân hàng.


Theo ông Mạnh, người mua nhà phải thuyết phục, phải chứng minh được với ngân hàng về phương án trả nợ. Vì đây là vốn tín dụng chứ không phải là ngân sách nên vay sẽ phải hoàn trả tiền vay và cả tiền lãi vay. Còn nếu phải đi vay số tiền quá lớn so với khả năng tài chính của mình, trong khi khả năng trả nợ cũng không rõ ràng thì đây sẽ là rủi ro cho chính người mua nhà.


Về chính sách cho vay, cũng theo Vụ tín dụng, Thông tư 11 của NHNN nêu rất rõ đây là khoản cho vay thông thường. Ngân hàng có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình. Điều này được hiểu là các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ xem xét, thẩm định khách hàng làm sao cho vay ra rồi phải thu hồi được vốn và tiền lãi. Còn nhà nước, chỉ hỗ trợ lãi suất cho vay trong 5 năm đối với khách hàng là các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ và hỗ trợ 10 năm đối với khách hàng.


“Khi cho vay, các ngân hàng sẽ chuyển thẳng tiền vay vào tài khoản của chủ đầu tư xây NOXH chứ không phải chuyển tiền cho người dân. Đồng thời, NHNN sẽ theo dõi khoản vay này thông qua sổ sách giấy tờ, hệ thống tài khoản của ngân hàng với khách vay. Do vậy, sẽ không có chuyện tiền được sử dụng không đúng mục đích. Như vậy, có thể nói không chỉ là cơ quan quản lý mà từ cơ quan, tổ chức đến chính quyền địa phương sẽ giám sát chính sách này” - ông Mạnh nhấn mạnh.


Minh Phương - T.Linh