12:01 26/12/2011

Chọn đúng loại xăng cho xe máy sẽ an toàn, tiết kiệm

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã xảy ra trên 13 vụ cháy nổ xe máy, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và cả tính mạng của người dân, gây xôn xao dư luận và đang trở thành nỗi lo của nhiều người.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã xảy ra trên 13 vụ cháy nổ xe máy, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và cả tính mạng của người dân, gây xôn xao dư luận và đang trở thành nỗi lo của nhiều người. Bởi cả nước có gần 30 triệu xe máy và đây là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân hiện nay.

Cháy xe có phải do xăng?

Trước sự việc liên tiếp có xe bị cháy, dư luận đang “dấy” lên làn sóng lo lắng vì không rõ xe máy cháy nổ là do xăng bị pha tạp chất hay do dung môi đặc biệt nào?
Tham khảo ý kiến các chuyên gia, được biết rằng có 3 nhóm nguyên nhân gây cháy nổ xe máy. Thứ nhất, do trong bình xăng của xe được gắn các thiết bị đo xăng có sử dụng nguồn điện. Trong một số trường hợp hy hữu, đặc biệt là khi xăng trong bình cạn, các thiết bị này sẽ phát sinh ra tia lửa điện và gây cháy nổ. Nguyên nhân thứ hai là khi bình xăng không đầy, trong quá trình xe chạy, các lớp xăng bị xóc, cọ xát với nhau tạo ra trường tích điện, sinh ra tia lửa điện và cháy nổ. Thứ ba, trong quá trình sử dụng, xe máy cũng có thể bị rò rỉ nhiên liệu, gặp tia lửa điện sẽ gây cháy nổ.

Người dân nên mua xăng tại các cây xăng có uy tín, tránh dùng xăng có tạp chất.

Lý giải về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Khắc Trai, Bộ môn ô tô và xe chuyên dụng, Trường Đại học Bách khoa cho rằng: Ngoài nguyên nhân tác động vào xe không đúng quy chuẩn, hai nguyên nhân quan trọng dẫn tới cháy xe máy là linh kiện phụ tùng trôi nổi và xăng có vấn đề. Khi dùng xăng có tạp chất, khả năng gây hại với các chi tiết khi xe vận hành tăng cao, dẫn tới rò rỉ, chập cháy. Song, để làm rõ những nghi vấn này, cơ quan chức năng vẫn đang thẩm định để có kết luận cuối cùng.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trưởng Phòng thí nghiệm Động cơ đốt trong, trường Đại học Bách Khoa - Hà Nội: Xăng E5 có trị số octan (trị số chống khả năng kích nổ của động cơ) thường khoảng 93-94 do pha từ xăng gốc 92 (Etanol làm tăng trị số octan), thải ít chất độc hơn, sản phẩm đốt cháy là CO2 và H2O giảm ăn mòn máy móc hơn. Điều này rất tốt cho động cơ của phương tiện. Ngoài ra, việc sử dụng xăng pha cồn E5 còn giúp giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ. Chính vì vậy, người tiêu dùng còn được hưởng lợi về mặt kinh tế. Từ ngày 1/8/2010, xăng sinh học E5 bắt đầu được bán thí điểm ở một số địa phương và đến nay đã có trên 80 điểm bán trong cả nước.

Trước khi chính thức được đưa ra thị trường, xăng sinh học E5 (hỗn hợp của 95% xăng không chì A92 với 5% ethanol, nồng độ 99,7%) đã được kiểm chứng bằng các thử nghiệm chạy động cơ xe ô tô trên băng thử, chạy ô tô thực địa trên các địa hình, chạy đội xe ô tô hiện trường để đánh giá ý kiến người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học E5, đánh giá độ bền động cơ trên xe ôtô tải mới, đồng thời cũng thử nghiệm việc tồn trữ xăng sinh học E5 bằng các bồn chứa ngầm tại các trạm xăng. Các thử nghiệm này nhằm đo kiểm, so sánh các thông số hoạt động của động cơ, độ phát thải gây ô nhiễm môi trường của xăng sinh học so với xăng thị trường, đồng thời cũng là để đánh giá độ ổn định chất lượng của xăng sinh học E5 theo thời gian.

Các kết quả thử nghiệm đều cho thấy, xăng sinh học E5 có trị số octan cao hơn so với xăng truyền thống nên đảm bảo chất lượng tốt và góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường... Xe sử dụng xăng E5 chạy êm, khả năng tăng tốc của động cơ cao và giá thành rẻ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn... Đây là cơ sở chắc chắn để người tiêu dùng so sánh và cân nhắc, chọn lựa cho mình loại nhiên liệu an toàn, phù hợp, đồng thời giảm thiểu nguy cơ cháy nổ xe máy khi đang tham gia giao thông.

Nguyễn Bích Thủy