10:15 07/10/2014

Chơi vơi khí nhạc

Công chúng có thể bỏ tới vài ba triệu cho một tấm vé đi xem ca nhạc, nhưng 500.000 đồng cho một tấm vé đi nghe Bach, Tchaikovsky, Mozart… trong một buổi biểu diễn của một dàn nhạc có thể là nổi tiếng thế giới, thì lại không thể. Đơn giản không phải tại “rẻ rúng” gì, mà chỉ bởi “không hiểu gì”.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam khẳng định: Ngay từ khi bắt đầu hình thành nền âm nhạc Việt Nam, đã luôn có sự song hành phát triển của thanh nhạc và khí nhạc. Và dù thanh nhạc luôn là lĩnh vực dễ gần và dễ đến với công chúng, thậm chí được nhiều công chúng “mặc định” là tất cả nền âm nhạc Việt Nam; song chính khí nhạc mới là niềm tự hào của các nhạc sĩ, là điều họ mong muốn và ao ước làm được.


Khí nhạc Việt Nam vẫn chưa có được lượng công chúng xứng tầm.


Một nhạc sĩ đã từng chia sẻ: “Có thể viết hàng trăm ca khúc được yêu thích, cũng không cảm thấy ‘sướng’ bằng viết xong một tác phẩm khí nhạc làm chính mình hài lòng”. Và có một điều chắc chắn rằng, mỗi nhạc sĩ đích thực đều có ít nhất một vài tác phẩm khí nhạc, hoặc ít nhất cũng đều ấp ủ một tác phẩm “để đời”. Bản thân nhạc sĩ Phú Quang, người nổi tiếng với những ca khúc trữ tình có phần nhiều ưu tư, trăn trở; nhưng ít ai biết ông cũng có vài tác phẩm khí nhạc khá tâm huyết. Hay với Trọng Đài, người nổi tiếng của “Hà Nội đêm trở gió” cũng có vài tác phẩm khí nhạc của mình. Với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Thiện Đạo… thì quả thật khí nhạc là “hơi thở”, là “sự sống” với họ; là điều để họ cống hiến trong cả cuộc đời làm âm nhạc.


Nhưng chỉ thế thôi, khí nhạc dù là một trong hai mảng không thể thiếu của nền âm nhạc, dù là “bộ mặt” của Việt Nam để mang ra thi thố với thế giới, dù chính là biểu tượng cho sự “bác học” của âm nhạc nói chung và âm nhạc Việt Nam nói riêng; nhưng với công chúng Việt Nam, khí nhạc vẫn là một thứ vô cùng xa lạ.


Những buổi biểu diễn nhạc giao hưởng là một minh chứng. Được quảng bá khá rầm rộ, với sự góp mặt của những tên tuổi được thế giới ghi nhận, đã từng tham gia những buổi biểu diễn tầm cỡ quốc tế; với cả một dàn nhạc giao hưởng đồ sộ chiếm gần trọn cả sân khấu; nhưng những buổi biểu diễn giao hưởng của Việt Nam tới tận giờ vẫn cơ bản là dành cho “người trong giới”, những người làm nhạc, những sinh viên nhạc viện và có một bộ phận khán giả đích thực thì chủ yếu là người nước ngoài. Hóm hỉnh như một nhạc sĩ, là “chúng ta tự làm, tự sướng với nhau”. Giờ đây công chúng có thể bỏ tới vài ba triệu cho một tấm vé đi xem ca nhạc, nhưng 500.000 đồng cho một tấm vé đi nghe Bach, Tchaikovsky, Mozart… trong một buổi biểu diễn của một dàn nhạc có thể là nổi tiếng thế giới, thì lại không thể. Đơn giản không phải tại “rẻ rúng”, mà chỉ bởi “không hiểu gì”.


Còn nhớ, có một thời thậm chí “dân ta” còn không biết cả việc đến đoạn nào thì nên… vỗ tay, khiến cho đơn vị tổ chức biểu diễn phải “cài” người vỗ tay dưới khán phòng vì sợ thất lễ với dàn nhạc của nước bạn tới biểu diễn. Giờ thì “trình độ thưởng thức” đã nâng lên rồi, những người đi nghe nhạc đều đã có thể hiểu và cảm nhận cái hay, cái đẹp của tác phẩm; nhưng cũng chỉ trong số lượng hạn hẹp là khoảng trăm khán giả thì ổn, chứ nhiều hơn là sẽ khiến BTC lúng túng ngay.


Vậy làm thế nào để nâng cao trình độ thưởng thức khí nhạc cho khán giả Việt Nam, làm thế nào để mỗi buổi biểu diễn giao hưởng của chúng ta sẽ đông chật chỗ, vé giao hưởng có thể cũng cháy, thậm chí có “vé chợ đen” như những chương trình ca nhạc hiện nay? Điều này sẽ phụ thuộc vào việc nâng cao hiểu biết, trình độ thưởng thức cho khán giả. Bằng những cuộc giao lưu, những Festival giống như “Festival âm nhạc mới Á- Âu 2014” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đăng cai tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 8 - 12/10, tại Hà Nội và Quảng Ninh; với sự hội tụ của 200 nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới, cùng đông đảo những gương mặt tên tuổi của âm nhạc Việt Nam như Trọng Đài, Doãn Nho, Nguyễn Thiện Đạo, Nguyễn Văn Nam (nhạc sĩ); như Bùi Công Duy, Đào Trọng Tuyên, Nguyệt Thu… (nghệ sĩ biểu diễn). Một Festival giống như sự “đổ bộ” của khí nhạc tới Việt Nam, rầm rộ và chất lượng hơn bao giờ hết, khiến người trong giới vô cùng hạnh phúc, còn khán giả thì cũng không thể không “tò mò” cho được.


Bởi không thể tự nhiên mà thế giới người ta yêu nhạc giao hưởng tới vậy, không thể tự nhiên mà kho tàng những tác phẩm giao hưởng mới là kho tàng âm nhạc để đời và bất hủ tới vậy; chưa kể việc Festival được tín nhiệm tổ chức tại Việt Nam- với tư cách là nước đầu tiên ở châu Á được đăng cai tổ chức, cũng là bởi thế giới đã đánh giá cao tiềm năng khí nhạc của Việt Nam, coi đây là điểm sáng khí nhạc của châu Á.


“Lâu nay chúng ta đã đầu tư cho khí nhạc rồi, những khóa đào tạo khí nhạc vẫn luôn được tổ chức, những tác phẩm khí nhạc vẫn ra đời thường xuyên, bằng chứng là trong Festival này có rất nhiều tác phẩm của những nhạc sĩ Việt Nam vừa mới sáng tác xong, tinh tươm mới; và bằng chứng là nghệ sĩ của chúng ta đã luôn góp mặt và tạo được tiếng vang trong những cuộc thi, liên hoan âm nhạc thế giới. Nhưng còn một khâu chúng ta chưa mạnh, đó là tình yêu với khínhạc của khán giả và về điều này, đã đến lúc phải nghiêm túc xem xét và “vào cuộc” , để nâng cao sự hiểu biết, tạo sự “phổ cập” hơn với khí nhạc với đông đảo người dân”, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân chia sẻ.


Với một đại diện khác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thì lời chia sẻ là đừng ngại ngần khi thấy khán giả chưa mặn mà với khí nhạc mà không “làm tới”. Dẫu gì cũng cần có sự chập chững, rồi mới có thể đi vững được, trong hành trình hiểu và yêu khí nhạc của công chúng Việt Nam. Và trong hành trình ấy, người nhạc sĩ vẫn luôn đóng vai trò quan trọng, vậy nên, phải vào cuộc thôi, để khí nhạc Việt Nam thực sự là điểm sáng châu Á, như thế giới đã nhận định và mong chờ.


T.Anh