07:06 31/07/2013

Chơi trội

Thiển nghĩ, có được một sân vận động hiện đại phục vụ việc rèn luyện sức khỏe, thi đấu thể thao cho người dân địa phương quả là đáng mừng. Nhưng vấn đề ở chỗ, với một huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân còn thấp...

Hoài Đức, huyện ngoại thành Hà Nội đang được cả nước biết đến với trung tâm thể dục thể thao (TDTT) có quy mô hoành tráng không kém công trình trọng điểm quốc gia. “Ấn tượng” nhất phải kể tới sân vận động hình tổ chim với 4.000 chỗ ngồi, có mái che, mặt sân cỏ nhân tạo, phòng khách VIP, phòng họp báo, phòng trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên... (phỏng theo mô hình sân vận động quốc gia Trung Quốc). Với vốn đầu tư 200 tỷ đồng (chưa kể kinh phí xây dựng bể bơi, nhà văn hóa) đã khiến Trung tâm TDTT của huyện này vượt xa quy mô một số công trình thể thao tầm cỡ phục vụ SEA Games 22.


Thiển nghĩ, có được một sân vận động hiện đại phục vụ việc rèn luyện sức khỏe, thi đấu thể thao cho người dân địa phương quả là đáng mừng. Nhưng vấn đề ở chỗ, với một huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân còn thấp, phong trào thể thao không mạnh, trường học, nhà trẻ, trạm y tế còn chưa được quan tâm đúng mức…, thì việc xây sân vận động quy mô là sự lãng phí lớn.


Trả lời báo giới, ông Nguyễn Văn Nuôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức chẳng hề giấu giếm, xây sân vận động lớn như vậy là để phục vụ cho nhu cầu người dân đến đá bóng, các sở ngành giao lưu!!!


Mặc dù được đầu tư lớn, thiết bị hiện đại (theo lời một lãnh đạo của trung tâm là đạt tiêu chuẩn quốc tế), nhưng khả năng phục vụ của trung tâm TDTT này lại hết sức khiêm tốn. Từ khi đưa vào hoạt động (năm 2009) đến nay, trung tâm này chủ yếu phục vụ các giải thể thao phong trào (cầu lông, bóng bàn, bóng đá). Nếu tính tổng cộng cả năm thì trung tâm có khoảng 100 ngày hoạt động chia đều cho các hạng mục công trình. Còn với từng hạng mục thì số ngày hoạt động thấp hơn nhiều. Thời gian còn lại chỉ để phơi sương phơi nắng…, hoặc được tận dụng làm nơi tạm giữ các phương tiện vi phạm luật lệ giao thông!


Cũng theo một lãnh đạo của Trung tâm TDTT huyện Hoài Đức, từ vốn đầu tư xây dựng công trình đến kinh phí vận hành, bảo dưỡng, điện, nước, trả lương, phụ cấp cho cán bộ nhân viên đều phải lấy từ nguồn vốn ngân sách (bình quân mỗi năm khoảng 500 triệu đồng). Cứ đà này, công trình không những không có khả năng thu hồi vốn, mà còn phải bỏ ra khoản kinh phí không nhỏ phục vụ cho việc duy tu, bảo dưỡng và không tránh khỏi công trình ngày một xuống cấp.


Khi dư luận chưa kịp lắng dịu với công trình bảo tàng nghìn tỷ của Hà Nội xây xong chẳng biết lấy gì trưng bày, thì việc huyện Hoài Đức đầu tư cả trăm tỷ đồng xây sân vận động chỉ để “các sở ngành giao lưu” quả là bất ổn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, cả nước đang phải thắt chặt chi tiêu công theo chủ trương của Chính phủ.


Nếu không kịp thời chấn chỉnh, hiệu ứng xây sân vận động hoành tráng sẽ có nguy cơ lây lan. Địa phương này làm được, thì địa phương khác cũng làm được. Hệ quả, nguồn vốn ngân sách sẽ tiếp tục bị sử dụng lãng phí, tiền thuế của người dân tiếp tục bị sử dụng sai mục đích.

Yến Nhi