05:08 31/05/2011

Chơi cũng là quyền

Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng 5, mai là ngày Quốc tế thiếu nhi, cũng là ngày bắt đầu Tháng hành động vì trẻ em. Cộng đồng nào cũng nâng niu con trẻ; nhắc đến trẻ em, người Việt ta thường dùng những cụm từ đẹp đẽ: “Trẻ em như búp trên cành”, “tương lai đất nước”, “kính già yêu trẻ”...

Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng 5, mai là ngày Quốc tế thiếu nhi, cũng là ngày bắt đầu Tháng hành động vì trẻ em. Cộng đồng nào cũng nâng niu con trẻ; nhắc đến trẻ em, người Việt ta thường dùng những cụm từ đẹp đẽ: “Trẻ em như búp trên cành”, “tương lai đất nước”, “kính già yêu trẻ”... Và trong các gia đình, hầu như bố mẹ nào cũng thương yêu con cái. Dành những gì tốt nhất cho trẻ em là nguyên tắc chung được xã hội đồng tâm nhất trí.
Ấy thế nhưng, từ nguyên tắc chung ấy đến hành động cụ thể thì lại là một vấn đề.

Ở các đô thị, nhất là 2 thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đang có chuyện thật như đùa: Luyện thi để... vào lớp 1. Đến tuổi đi học thì phải được đến trường, đương nhiên được vào lớp 1. Vậy thì sao phải học thêm? Câu trả lời: Học thêm để vào lớp 1 trường điểm. Nhiều đơn xin học quá, một số trường phải thi tuyển để chọn học sinh. Đề thi tuyển lớp 1 năm ngoái của một trường dân lập có tiếng ở Hà Nội vừa được báo mạng đăng tải, lập tức cư dân mạng phản hồi rất sôi nổi. Đọc những tiêu đề mà thấy hoang mang. Nào là vợ chồng thạc sĩ tranh luận về đề lớp 1, nào là bố mẹ đau đầu vì đề lớp 1 của con, nào là đề ấy ra cho trò lớp 5 thì xứng... Đề khó thế, hỏi làm sao trẻ không phải đi “học thêm”? Và thế là các bậc phụ huynh đua nhau đi tìm lớp luyện, xin học thêm cho con, rồi vất vả tìm cách nộp hồ sơ cho con dự thi vào trường điểm. Những hành động đó đều nhân danh tình thương yêu, đều được cho là “vì tương lai của trẻ”.

Có một câu chuyện về lịch học của một số em bé chưa đến tuổi đến trường thế này: Hàng ngày học tiếng Việt 1 tiếng; tuần vài ba buổi học ngoại ngữ; rồi học toán... Hình dung các bé thơ non nớt “như búp trên cành” mà khổ luyện đến thế thì người lớn nào cũng hãi, để rồi phải đặt câu hỏi: Phải chăng được yêu thương là được học đến tối mắt tối mũi như thế?

Lại có một thực tế khác. Nhiều học trò nhất tháng, nhất quý, thậm chí giành giải vô địch của chương trình Đường lên đỉnh Olympia (VTV) học ở những trường không được coi là “xịn”. Nhiều học trò đỗ thủ khoa đại học dù sống và học trong môi trường rất khó khăn. Còn nhiều phụ huynh của các trò trường “xịn” thì sau một thời gian lại thất vọng về chất lượng dạy (của nhà trường) và học (của con mình). Điều đó có nghĩa là, sự phân định trường xịn/không xịn của các bậc cha mẹ không hẳn đúng.

Một chuyên gia giáo dục đã nhận định: Cuộc đua trường điểm, lớp chọn thật ra là để thỏa mãn sĩ diện, sự háo thắng của người lớn, rằng con mình hơn con người. Còn trẻ em, trước 6 tuổi thì phải được vui chơi là chính. Bắt trẻ học trước là trái quy luật tự nhiên.

Vậy nên, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, bên cạnh rất nhiều vấn đề về chăm sóc, nuôi dạy trẻ em, cũng cần nhắc với một số vị phụ huynh rằng, chơi cũng là một “quyền trẻ em”. Được đảm bảo quyền lợi tối cần ấy, không bị gò ép thái quá theo ý chí chủ quan của cha mẹ, trẻ mới phát triển đúng cách.

Hà Nguyễn