11:01 18/11/2011

Cho ý kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016

Sáng 17/11, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Sáng 17/11, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII; phân tích thêm và thảo luận về các quan điểm, căn cứ lập chương trình, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII theo danh mục các dự án thuộc chương trình chính thức, chương trình chuẩn bị và theo từng lĩnh vực; thảo luận về các biện pháp bảo đảm thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII để khắc phục được các hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Là Thị Lừu phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII, nhiều ý kiến của các đại biểu cơ bản đồng tình với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 46/TTr-UBTVQH13. Mặc dù Quốc hội khóa XII chỉ có 4 năm nhưng Quốc hội đã quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục ban hành được số lượng lớn các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, góp phần tạo lập được khung pháp luật để quản lý nhà nước, quản lý xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng và an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Trong Báo cáo tiếp thu, giải trình đã phân tích kỹ, dự kiến Chương trình rút lại còn 80 dự án luật, 5 dự án pháp lệnh của chương trình chính thức và 37 dự án và 4 pháp lệnh của chương trình dự bị. Tuy nhiên, cả một nhiệm kỳ 5 năm và đã qua kỳ họp thứ hai, nên đại biểu khẳng định "Đây vẫn là một số lượng luật cần phải cố gắng hết sức mới có thể đạt được". Vì lẽ đó đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất số lượng để Quốc hội quyết tâm thực hiện, nhưng cần phải phân loại và sắp xếp thứ tự ưu tiên.

Tán thành với các giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện Chương trình đã nêu trong Tờ trình, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đề nghị sau khi Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị được tổng kết, cần phải đề rõ các giải pháp cụ thể, cả về tổ chức, tài chính, năng lực, thể chế để triển khai rốt ráo chiến lược lập pháp trong Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị cùng với chương trình pháp luật của nhiệm kỳ này. Đại biểu cho rằng nếu cần thiết Quốc hội phải ra một nghị quyết về tiến độ thời gian thực hiện với các dự án luật đã thông qua tại chương trình này để tổ chức các đoàn giám sát; tăng cường công tác nghiên cứu và năng lực của các cơ quan nghiên cứu hỗ trợ cho xây dựng pháp luật.

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân

Chiều 17/11, Quốc hội thảo luận về Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Các ý kiến thảo luận đều cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật của người dân, từng bước hình thành thói quen tôn trọng pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và của xã hội. Đây là cầu nối giữa hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật. Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng), Huỳnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh), Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nhận định Luật muốn đi vào cuộc sống thì khâu đặc biệt quan trọng là tuyên truyền phổ biến đến người thụ hưởng. Trong thực tiễn, chúng ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo dưới Luật rải rác nhưng chưa hiệu quả.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị Ban soạn thảo giảm bớt những vấn đề quy định chung, vì Luật không có vấn đề gì khó khăn lắm để phải chờ văn bản dưới luật. Nhiều đại biểu khác cũng đồng tình với ý kiến này, đề nghị không nên giao cho nhiều cơ quan quy định mà cần quy định chi tiết ngay trong Luật để có thể thực hiện luôn. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa, là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, nhất là pháp luật, thậm chí họ không biết tiếng phổ thông, rất khó khăn tiếp cận luật, nên cần bổ sung vùng dân tộc thiểu số là đối tượng ưu tiên.

Các vấn đề về mô hình Hội đồng phối hợp về phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; ngày Pháp luật… cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Đề xuất 5 bộ trưởng trả lời chất vấn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi Tờ trình về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII tới các đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tính đến hết ngày 15/11, đã có 121 chất vấn của 61 đại biểu Quốc hội ở 36 đoàn gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và 16 bộ trưởng, trưởng ngành khác.

Trên cơ sở tổng hợp nội dung và căn cứ vào số lượng chất vấn của đại biểu Quốc hội, kết hợp xem xét các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội, những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm, với thời gian 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, sau khi thống nhất ý kiến với Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 5 bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp là: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.

Sau khi các bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, tập trung vào các nội dung: Công tác điều hành, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 2011-2012 và những năm tiếp theo; vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế; vấn đề thực hiện ba đột phá (hoàn thiện thể chế kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng) và vấn đề giảm nghèo.

PV



Quỳnh Hoa - Chu Thanh Vân