04:20 12/04/2018

Cho vay vốn theo Nghị định 67: Agribank Khánh Hòa thực hiện đúng quy định

Vừa qua, 11 ngư dân tại TP Nha Trang cùng đứng đơn kiến nghị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Khánh Hòa (Agribank Khánh Hòa) thực hiện thu hồi nợ gốc vay theo Nghị định 67 theo phương thức chia đều mỗi kỳ, thay cho cách tính phân kỳ trả nợ không đồng đều mà ngân hàng đang áp dụng.

Ông Nguyễn Xuân Huy.

Trả lời báo Khánh Hòa về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Agribank Khánh Hòa cho biết, ngân hàng đã thực hiện đúng quy định.

Thưa ông, vì sao Agribank Khánh Hòa tính phân kỳ trả nợ không đồng đều khi thu hồi nợ gốc đối với các trường hợp vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67? Xin ông cho biết quan điểm của ngân hàng đối với các kiến nghị của ngư dân?

Cho vay theo Nghị định 67 về một số chính sách về phát triển thủy sản là chủ trương lớn của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện Agribank Khánh Hòa luôn tuân thủ theo đúng các quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và Agribank.

Về việc định kỳ hạn trả nợ gốc Agribank Khánh Hòa thực hiện theo đúng quy định, quy chế của NHNN và quy định của Agribank. Theo đó, căn cứ để xác định kỳ hạn trả nợ đối với các khoản vay trung, dài hạn được tính toán trên cơ sở số tiền khấu hao của dự án được trích hàng năm (theo tỷ lệ vốn ngân hàng tham gia) và lợi nhuận của dự án mang lại.

Đối với số tiền trích khấu hao hàng năm, ngân hàng thực hiện thu nợ trên tỷ lệ vốn ngân hàng tham gia/tổng vốn đầu tư (tối đa 95%). Mức trích khấu hao được thực hiện theo Thông tư 45 ngày 25-4-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về trích khấu hao tài sản, tùy theo loại tài sản để tính thời gian trích khấu hao phù hợp. Trong đó, tàu cá vỏ composite 20 năm, máy móc 15 năm, ngư lưới cụ 5 năm. Theo Nghị định 67, ngân hàng khi cho vay vốn nhận tài sản thế chấp là chính con tàu và máy móc, ngư lưới cụ hình thành từ vốn vay nên việc thu nợ theo tỷ lệ vốn ngân hàng tham gia là phù hợp, tránh trường hợp khấu hao tài sản giảm nhanh hơn tiến độ thu hồi nợ vay dẫn đến việc từ năm thứ 7 trở đi giá trị con tàu là tài sản đảm bảo thấp hơn dư nợ cho vay.

Với việc tính toán thời gian trích khấu hao như trên, trong thời gian 5 năm đầu, số tiền khấu hao sẽ nhiều hơn những năm sau do khoản mục khấu hao ngư lưới cụ (chỉ 5 năm). Vì vậy, số tiền thu hồi nợ trong các kỳ hạn của 5 năm đầu sẽ cao hơn các năm sau.

Đối với lợi nhuận dự án mang lại, thông thường ngân hàng sẽ thu theo tỷ lệ vốn tham gia nhưng riêng đối với cho vay theo Nghị định 67, Agribank Khánh Hòa chỉ thu dưới 10% lợi nhuận theo phương án vay vốn của khách hàng được phê duyệt, phần còn lại để khách hàng sử dụng và tái đầu tư. Ngân hàng xác định thời hạn trả nợ còn căn cứ vào thời vụ khai thác thủy sản, tăng thu vào vụ đánh bắt, giảm thu vào mùa biển động.

Một con tàu composite đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67.

Theo quy định, thời gian cho vay 16 năm, trong đó năm đầu tiên ngân hàng chưa thu nợ gốc và lãi để tạo điều kiện cho khách hàng có nguồn tích lũy trả nợ bắt đầu tư năm thứ 2. Mỗi năm, tàu nghỉ biển 2 tháng mùa biển động để làm nước tàu và tu bổ ngư lưới cụ nên ngân hàng chỉ xác định doanh thu 10 tháng/năm. Việc xác định doanh thu, chi phí, lợi nhuận cũng như kỳ hạn trả nợ, số tiền trả nợ cụ thể đã được ngân hàng và khách hàng thỏa thuận thông qua Hợp đồng tín dụng và phụ lục hợp đồng đã ký kết giữa các bên.

Như vậy, Agribank Khánh Hòa tính toán và xác định kỳ hạn trả nợ, số tiền thu nợ ở mỗi kỳ hạn nêu trên đúng quy định, phù hợp với thực tiễn tại địa phương và ngân hàng sẽ giữ nguyên phương thức phân kỳ trả nợ như hiện nay.

Nếu khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ và đề nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ giải quyết như thế nào, thưa ông?


Sau 1 năm ân hạn chưa phải trả nợ vay, đến nay, phần lớn các tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 tại chi nhánh mới bắt đầu đến hạn trả nợ dù một số tàu đã đi được nhiều chuyến biển. Tuy nhiên, mới kỳ hạn đầu tiên, một số khách hàng đã không thực hiện việc thanh toán nợ theo đúng kỳ hạn mà đề nghị ngân hàng cơ cấu lại nợ vay. Trong số 11 khách hàng ký đơn đề nghị, có 4 khách hàng gồm các ông: Võ Ngọc Trang, Cao Văn Thơ, Nguyễn Thuận, Lê Văn Tèo vẫn đang được ngân hàng tiếp tục giải ngân, chưa định kỳ hạn trả nợ, chưa phải thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng và tàu chưa đi vào hoạt động cũng ký đơn là không phù hợp.

Đối với các trường hợp tàu cá thực sự đánh bắt không hiệu quả, khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ, ngân hàng sẽ tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân từng trường hợp cụ thể và sẽ xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi có yêu cầu. Trong trường hợp này, theo quy định tại Nghị định 67, khách hàng sẽ không được hỗ trợ lãi suất trong thời hạn cơ cấu.

Xin ông cho biết kết quả tín dụng theo Nghị định 67 tại Agribank Khánh Hòa đến thời điểm hiện nay?


Từ khi triển khai đến ngày 31-3-2018, Agribank Khánh Hòa đã cho vay thực hiện 20 tàu (18 tàu đóng mới, 2 tàu nâng cấp), chiếm hơn 60% trên tổng số tàu cho vay trên địa bàn toàn tỉnh; số tiền cam kết cho vay 210 tỷ đồng; số tiền đã giải ngân 185 tỷ đồng; dư nợ cho vay 179 tỷ đồng; số tiền còn phải giải ngân 14 tỷ đồng (không tính các khách hàng đã giải ngân xong). Kết quả này cho thấy Agribank Khánh Hòa đã rất tích cực trong lĩnh vực cho vay theo Nghị định số 67; luôn nghiêm túc và có trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, đẩy mạnh cho vay đóng tàu để ngư dân vươn khơi bám biển.

Xin cảm ơn ông!

Theo báo Khánh Hòa