04:10 26/04/2017

Cho vay tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tại Tọa đàm “Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam: Những kết quả nghiên cứu tổng quan” do Viện Quản trị Kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội- ĐHQGHN) tổ chức ngày 25/4, PGS.TS. Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh (ĐHQG) cho biết: Hiện tỷ lệ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 5- 10%/tổng dư nợ tín dụng, trong khi ở các nước phát triển thường là 40- 50%. Đây sẽ là một trong những lực đẩy cho tiêu dùng quốc gia, một trong những yếu tố chính thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nhu cầu vay tiêu dùng có xu hướng tăng

Theo ông Hải, các nghiên cứu trước đây trên thế giới cho thấy: Cho vay tiêu dùng là một công cụ quan trọng nhằm thúc đẩy tiêu dùng và từ đó đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế. Tại Việt Nam, thị trường cho vay tiêu dùng trong những năm gần đây bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của ngày càng nhiều các nhà cung cấp dịch vụ và nhu cầu vay tiêu dùng cũng tăng lên đáng kể.
“Với hơn 90 triệu dân, trong đó phần lớn là dân số trẻ. Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng. Theo ước tính của một số chuyên gia, giá trị tiềm năng của thị trường Việt Nam lên đến 15 tỷ USD/năm và chủ yếu đến từ thị trường mục tiêu với khoảng gần 30 triệu người trong khoảng 20-59 tuổi”, ông Hải nói.

Tuy nhiên theo lãnh đạo Viện Quản trị Kinh doanh, thị trường cho vay tiêu dùng đến nay chưa đạt mức độ phát triển tương xứng với tiềm năng. Điều này có thể nhận thấy qua số lượng khiêm tốn của các tổ chức, sản phẩm tín dụng và tỷ lệ cho vay tiêu dùng.

Thực tế tại các quốc gia trên thế giới đã cho thấy, thị trường cho vay tiêu dùng phát triển có tác động lớn đến việc thúc đẩy sự thịnh vượng. Điều này đạt được nhờ vào những lợi ích mà nó đem lại cho người tiêu dùng, cho hệ thống tài chính và cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, tài chính tiêu dùng được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò trung tâm cho quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng. Hoạt động cho vay tiêu dùng nên được khuyến khích vì nó đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn tín dụng, đặc biệt cho tầng lớp có mức thu nhập trung bình thấp và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, gia tăng sự hiểu biết về mặt tài chính…

Báo cáo “Tổng quan về thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam: Những thuận lợi và thách thức”, TS Nguyễn Thùy Dung- Viện Quản trị Kinh doanh nói: “Xu hướng vay tiêu dùng đã thay đổi trong năm 2016, theo đó khách hàng được vay tiền để mua đồ nội thất, đi du lịch; nhóm khách hàng được tập trung nhiều là vay mua điện thoại, xe máy, máy tính trả góp với các khoản dưới 40 triệu đồng; cho vay tiền mặt qua bảng lương, theo hóa đơn tiền điện, giấy phép kinh doanh.

Qua nghiên cứu, bà Dung chia sẻ: Các khoản vay tiêu dùng tại Việt Nam thường rất linh hoạt (từ 1-60 triệu đồng); thủ tục hồ sơ đơn giản, giải ngân nhanh chóng, thậm chí chỉ trong vòng 15 phút; lãi suất phù hợp từ 1,49-1,6%/tháng, thậm chí là 0%.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Quản trị Kinh doanh, thị trường cho vay tiêu dùng phát triển những năm qua là nhờ những yếu tố thuận lợi về mặt pháp lý, kinh tế, văn hóa xã hội và thói quen tiêu dùng như: Quy định phải thành lập công ty tài chính (CTTC) sẽ tạo ra mức lãi suất phù hợp và chất lượng dịch vụ tăng. CTTC được tự do trong việc quyết định đối tượng, thời gian, lãi suất sẽ khiến họ nỗ lực khai thác thị trường tốt hơn.

Tác động của yếu tố kinh tế có vai trò quan trọng giúp thị trường cho vay tiêu dùng trở nên sôi động hơn như: Thu nhập của người dân có xu thế tăng; tỷ lệ tiêu dùng/GDP của Việt Nam 67% (Anh 65%, Đức 54%, Nhật Bản 59%) và trong tương lai sẽ tăng; dân số đông; kinh tế sẽ tiếp tục phát triển ổn định hơn.

Tuy nhiên, qua những dữ liệu phân tích cũng như phỏng vấn nhiều cán bộ, nhân viên phụ trách hoạt động cho vay tiêu dùng tại các CTTC, đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng: Lãi suất của các CTTC còn cao do chi phí hoạt động. Trong khi các CTTC mặc dù được phép phát hành chứng chỉ tiền gửi nhưng vẫn gặp khó khăn về nguồn vốn. Bên cạnh đó Quy định về phát hành trái phiếu, Thông tư 06/2016/TT-NHNN về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạncho vay trung dài hạn cũng đặt ra những thách thức nhất định cho các CTTC đảm bảo nguồn vốn của mình.

“Làm việc và hưởng thụ” sẽ kích thích vay tiêu dùng

TS Hồ Chí Dũng, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing (Viện Quản trị kinh doanh) nhận xét: Tâm lý của bộ phận dân số trẻ ngày nay đã tân tiến và tự tin hơn nên họ có thể quyết định việc chi tiêu cởi mở hơn, sẵn sàn đi vay để phục vụ cho chi tiêu. Bên cạnh đó, các thế hệ trẻ hiện tự lập sớm hơn nên có nhu cầu mua sắm cho bản thân nhiều hơn.

“Số lượng người có thu nhập trung bình trong xã hội đang tăng mạnh và họ có đủ khả năng tự chủ hoặc chi trả trong việc mua sắm. Với quan niệm mới về làm việc và hưởng thụ, họ tìm kiếm những sản phẩm hoặc dịch vụ tiện lợi phục vụ tốt nhất cho cuộc sống bận rộn của họ”, báo cáo kết quả nghiên cứu “Hành vi vay tiêu dùng” đề cập.

Kết quả phân tích theo nhóm khách hàng có đưa ra: Các tỉnh Cà Mau, Hải Phòng, Lâm Đồng và Nghệ An có mong muốn cải thiện đời sống và phát triển hơn một số tỉnh khác. Nhóm sinh viên có nhu cầu đi du lịch cao; hộ kinh doanh có nhu cầu cao về mở rộng vốn đầu tư; nhân viên văn phòng có nhu cầu đi du lịch…Nhóm thu nhập càng cao thì các nhu cầu đều được thể hiện rõ ràng hơn…

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra vẫn còn những thách thức lớn cho sự phát triển ngành tài chính tiêu dùng nói chung và của CTTC nói riêng. “Đã có những thay đổi lớn trong thói quen người tiêu dùng và nhu cầu cao về tín dụng của tầng lớp thu nhập trung bình. Tuy nhiên phần lớn người dân vẫn có khuynh hướng không vay qua kênh của ngân hàng thương mại, CTTC mà thường tích cóp, vay của người thân, quen; vẫn còn nhiều người do ngại thủ tục và các điều kiện cho vay vẫn tìm đến các tổ chức phi chính thức; vẫn chưa có thói quen tìm hiểu kỹ càng các quy định, nghĩa vụ khi đi vay; ý thức trả nợ kém còn tồn tại khá phổ biến”, báo cáo nghiên cứu nêu.

“Viện Quản trị kinh doanh- Trường Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) đã triển khai nghiên cứu “Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam” nhằm tìm hiểu thực trạng thị trường cho vay tiêu dùng theo cách tiếp cận toàn diện nhằm đánh giá và dự báo nhu cầu về dịch vụ cho vay tiêu dùng cũng như đánh giá về việc cung cấp dịch vụ của các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng hiện nay. Từ đó, nghiên cứu sẽ hướng đến việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về việc sử dụng các dịch vụ cho vay tiêu dùng”, PGS.TS Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh nói.


TT