11:19 19/11/2014

Chợ truyền thống loay hoay chuyển đổi

Do hạ tầng thương mại lạc hậu, cùng với việc tổ chức mạng lưới phân phối bán lẻ thiếu chuyên nghiệp nên hàng hóa rất “lận đận” trong quá trình tiêu thụ, đồng thời do tốn nhiều chi phí nên giá hàng bị đẩy lên cao.

Do hạ tầng thương mại lạc hậu, cùng với việc tổ chức mạng lưới phân phối bán lẻ thiếu chuyên nghiệp nên hàng hóa rất “lận đận” trong quá trình tiêu thụ, đồng thời do tốn nhiều chi phí nên giá hàng bị đẩy lên cao.

Việc lưu thông hàng hóa qua chợ truyền thống đang nảy sinh nhiều bất cập, đặc biệt là chất lượng hàng hóa và giá cả bị thả nổi.

Nỗi lo giá cả, chất lượng

Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện nay cả nước có hơn 8.500 chợ truyền thống. Riêng địa bàn các thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có trên 400 chợ lớn, nhỏ. Ước tính, ngành hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, quần áo may sẵn thời trang... phân phối qua hệ thống chợ chiếm đến 80% nhu cầu thị trường.

Dù chiếm vị trí quan trọng là vậy trong hệ thống bán lẻ nhưng mô hình chợ truyền thống cũng tồn tại khá nhiều bất cập. Thực tế, chất lượng và giá cả của hàng hóa được bán tại các chợ hiện nay, đặc biệt là chợ lẻ, chợ cóc còn bị thả nổi khiến người tiêu dùng luôn đối mặt với nhiều nỗi lo về giá cả và chất lượng.

Hàng hóa bày bán tại các chợ vẫn khó quản lý về chất lượng và giá cả. Ảnh chụp tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội).


Chỉ cần làm một cuộc khảo sát nhỏ tại chợ Hôm (Hà Nội), phóng viên báo Tin Tức ghi nhận sự khác nhau rõ rệt về giá một số mặt hàng. Tại một gian hàng hoa quả, một kg dưa hấu có giá 20.000 đồng, nhưng chỉ cách đó vài sạp hàng, giá mặt hàng này lại là 22.000 đồng/kg. Bên ngoài chợ, tại các sạp hàng hoa quả, giá còn “trôi nổi” hơn với mức 25.000 đồng/kg và phụ thuộc vào… việc trả giá của người mua.

Tại chợ Đồng Xuân, chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội, trước đây đã từng có quy định các tiểu thương phải niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Tuy nhiên, chỉ sau dăm bữa nửa tháng, quy định này bị rơi vào lãng quên. Đến chợ Đồng Xuân, chúng tôi thấy rất ít sạp hàng có niêm yết giá bán hàng hóa. Một chủ ki ốt bán đồ nữ trang cho biết: “Chúng tôi chủ yếu bán buôn với số lượng lớn nhưng cũng có bán lẻ. Nếu phải niêm yết giá hàng thì không biết niêm yết kiểu gì, vì giá bán buôn và bán lẻ chênh lệch rất lớn. Lượng hàng nhiều mà diện tích ki ốt lại chật hẹp nên không dễ để niêm yết giá với từng sản phẩm”. Kiểu mua bán “nói thách, mặc cả” vẫn phổ biến tại chợ Đồng Xuân cũng như hầu hết các chợ lớn nhỏ khác.

Cũng tại khu chợ nổi tiếng này, còn một mối lo khác của người tiêu dùng là chất lượng hàng hóa, bởi phần lớn hàng ở đây có xuất xứ từ Trung Quốc. Mặc dù các hộ kinh doanh trong chợ đều kí cam kết bán hàng có xuất xứ rõ ràng nhưng đại diện ban quản lý chợ cũng phải thừa nhận, việc kiểm soát nguồn gốc hàng hóa tại chợ gặp rất nhiều khó khăn. “Các tiểu thương ở chợ nhập hàng từ các mối quen. Các mối này thường ‘đánh’ hàng số lượng lớn, sau đó xé nhỏ ra giao cho tiểu thương trong chợ. Do đó, các tiểu thương thường không có chứng từ, hóa đơn gốc của hàng hóa”, ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết.

Lúng túng chuyển đổi

Chính bởi những bất cập của mô hình chợ truyền thống trong việc quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa nên việc thay đổi mô hình chợ được đặt ra một cách bức thiết. Tuy nhiên, tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, việc ồ ạt chuyển đổi các chợ sang mô hình trung tâm thương mại (TTTM) đã không thành công. Các chợ truyền thống thì biến mất, trong khi các TTTM mới mọc lên thì đìu hiu, ế ẩm, có nơi phải đóng cửa.

Nhìn nhận về thực tế này, PGS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân là bởi việc chuyển đổi chỉ là những quyết định hành chính, không dựa trên nghiên cứu vị trí chợ, cũng như tâm lý của người dân. “Chợ phải gắn với giao thông, dân cư, sản xuất. Nếu chủ quan xây dựng thì chắc chắn thất bại như trường hợp chợ Hàng Da, Cửa Nam. Khi xây TTTM, người ta quyết tâm dẹp bỏ chợ, trong khi người dân đang quen thuộc với mô hình này”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đồng, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cần xem lại mô hình chuyển đổi chợ truyền thống thành siêu thị hoặc TTTM bởi chi phí thuê mặt bằng tăng đã tác động đến chi phí bán hàng và gây khó khăn cho các tiểu thương. Mặt khác, do tập quán tiêu dùng của người dân nên khi chuyển đổi mô hình TTTM thì họ không vào mua, gây lãng phí đầu tư.

Đồng quan điểm này, TS Hoàng Thọ Xuân, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại, cho rằng không nên áp dụng mô hình siêu thị, TTTM vào chợ truyền thống. Bộ Công Thương và các địa phương cần có định hướng trong việc sắp xếp quy hoạch chợ và chợ phải có vị trí, địa điểm phù hợp. Tuy nhiên, cũng không thể duy trì các chợ lộn xộn như hiện nay. Thay vào đó, phải tổ chức đào tạo nghiệp vụ để nâng cao năng lực quản lý cho các Ban Quản lý chợ, định rõ chức năng, quyền hạn và gắn quyền lợi, nghĩa vụ của họ với một tổ chức, đơn vị ở địa phương.

Quote: “Việc chuyển đổi chợ thành trung tâm thương mại không thành công vì vị trí lựa chọn xây dựng chưa phù hợp, chưa tính đến tập quán mua bán của người dân (không muốn mất nhiều thời gian gửi xe), giá hàng hóa cao hơn so với chợ tự do…”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.


Bài và ảnh: Hoàng Dương(còn tiếp)