02:08 04/02/2013

Chợ Tết xứ Quảng

Chợ quê xứ Quảng vào những ngày giáp Tết ở quê tôi không chỉ tấp nập người mua, kẻ bán mà còn là nơi gặp gỡ trao đổi chuyện làm ăn, chuyện vui buồn, hiếu hỷ trong năm…

Hằng năm, khi bầy én xôn xao, chao liệng trên bầu trời và làn gió xuân lành lạnh thoảng qua những cội mai già nở sớm cùng với những chùm bong bóng xanh, đỏ tím, vàng bày bán ven đường…, báo hiệu Tết đã về. Chợ quê xứ Quảng vào những ngày giáp Tết ở quê tôi không chỉ tấp nập người mua, kẻ bán mà còn là nơi gặp gỡ trao đổi chuyện làm ăn, chuyện vui buồn, hiếu hỷ trong năm…


Dừng chân trước chợ Đại Minh, thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, vào những ngày cuối năm, mới cảm thấy hết những nét văn hóa, dân dã của người dân quê tôi trong cảnh mua bán ở chợ quê ngày Tết. Từ ngoài đường, quang cảnh nhộn nhịp với cảnh giữ xe máy, xe đạp; chỗ này bán hoa tươi như cúc, vạn thọ… chỗ kia là hoa nhựa cũng đa dạng màu sắc bên những cái ô to treo những bộ áo quần nhiều màu tung bay trước gió. Bên cạnh, những em bé thơ ngây theo mẹ ra chợ mua quần áo Tết.


Bước vào sân chợ khá rộng, bên cạnh những hàng hóa thông thường, các quầy đơn sơ còn có bán các món chỉ gần Tết mới có như các loại bánh khô, bánh nổ, bánh tổ, bánh in, bánh tét… Đặc biệt, miền trung du này nổi tiếng với bánh tráng Đại Lộc được bán khá nhiều với nhiều loại bánh tráng khác nhau như bánh tráng dày có mè, bánh tráng mỏng, bánh tráng gói nem… với giá tiền khác nhau.


Nỗi trội hơn là hàng thịt heo được bày bán thịt heo cỏ nhiều nạc, ít mỡ, được mọi người ở thành phố qua đây “quan tâm chiếu cố”. Các mặt hàng khác như cá biển, cá đồng cũng thu hút nhiều kẻ mua người bán. Phía trái của chợ, ngoài trời là nơi bán các loại rau quả như cải cây, tần ô, củ kiệu, hành tím, cà rốt, khoai tây, chè lá, khoai môn, trầu cau…


Gần bên hàng nón là nơi bán chuối mốc. Những bà mẹ quê ngồi lựa mua ít nải chuối đẹp về chưng trong những ngày Tết, đó là lối chưng truyền thống của người dân quê xứ Quảng trên bàn thờ tổ tiên, ông bà để tỏ lòng thành kính. Đối diện với chợ, ở bên kia con đường nhựa là các cửa hàng điện tử tưng bừng loa nhạc, đèn điện trang trí nhấp nháy đủ màu sắc. Góc kia là hàng câu đối, “thư pháp chân quê” và hoa giấy cũng đã kịp chưng ra khiến một góc chợ rợp sắc màu. Góc bên này là nơi bán lá chuối, lá dong để gói bánh chưng, bánh tét. Giữa chợ, dãy hàng quần áo, giày guốc, gương lược… luôn tấp nập người mua.


Một lão nông ở gần chợ cho hay: “Chợ giáp Tết, khách hàng đến chợ đông hơn gấp bội, nhiều khi không có chỗ chen chân, tiếng cười nói xen lẫn tiếng nhạc xuân vui như trẩy hội. Ngày thường, chợ chỉ họp vào buổi sáng, còn dịp cuối năm, do nhu cầu mua sắm của bà con lên cao, nên đông cả ngày, có khi đến chạng vạng tối. Chợ Tết quê tôi không chỉ tấp nập người mua, kẻ bán mà còn gặp gỡ trao đổi chuyện làm ăn, chuyện vui buồn, hiếu hỷ trong năm…”.


Xa quê đã bấy nhiêu năm, hôm nay về thăm lại chợ quê nhân ngày giáp Tết, lòng bồi hồi nhớ lại, cảnh cũ người xưa. Dù bâng khuâng tấc dạ nhưng tôi vẫn cảm nhận chợ quê vào những ngày giáp Tết hôm nay vẫn mang âm hưởng, sắc màu chợ Tết của những ngày thơ tấm bé.



Khánh Loan