02:09 07/02/2013

Chợ Tết

Người ta bảo muốn biết đời sống nơi đó ra sao hãy đến các chợ ở nơi đó thì rõ. Còn tôi lại nghiệm thêm một điều nữa, muốn biết cuộc sống từng người ra sao hãy nhìn cảnh họ đi chợ Tết khắc biết.

Mấy ngày nay, không khí ngoài đường tấp nập quá. Mặc cho thời tiết khá rét nhưng xe cộ đi lại cứ rầm rập. Như có ai thúc giục. Như có ai gọi mời. Hối hả lắm. Vội vã lắm.


Không thể bó chân mãi trong phòng cơ quan, tôi quyết định dạo phố để “mục sở thị” không khí Tết đang tràn về trên thành phố ngã ba sông. Rón rén trong cảnh “quá mù ra mưa”, co ro trong cái lạnh cuối năm, tôi bước chân ra phố. Trời! Sao mà đông người, đông xe thế này. Cái ngược cái xuôi tít mù. Bùng binh ngã tư người xe xoay vòng như nước chảy. Nhìn gương mặt người nào cũng có vẻ vội vã lắm. Chẳng bù cho tôi cứ nhàn tản nghiêng nghiêng ngó ngó.


Ngã tư Gia Cẩm, trung tâm thành phố mới nhộn nhịp làm sao. Tôi đứng ngơ ngẩn ở bên đường ngắm nhìn phố xá. Bên kia đèn đỏ, chợ hôm nay sao đông đến thế. Cảnh bán mua xì xào. Tiếng chào mời, mặc cả í ới. Nổi bật hơn cả là hoa. Sao lại nhiều hoa đến thế. Hoa đào, hoa mai, hoa lan, cây cảnh từng khu sắc màu rực rỡ. Không thể đừng được nữa, tôi ào qua đường để vào chợ.


Len lỏi giữa bao người, tôi sà vào từng chỗ bán mua. Đây là khu bán lá dong và ống giang. Ô tô tải cỡ nhỏ mấy cái đỗ cạnh nhau. Chắc vừa ở trên rừng về. Lá dong từng bó xanh ngắt. Giang cũng vậy. Vừa dỡ từ trên xe xuống vừa bán. Người ta xô nhau mua. Tíu tít. Tôi cũng đóng vai người đi chợ xăm xoe, xán mãi vào tận trong hỏi giá. Lá dong 35.000 đồng một chục tàu. Giang 8.000 đồng/ống, nếu mua cây dài 2 ống thì 15.000 đồng. Tay bán giang bẻm mép vừa giao giang cho khách vừa chào hàng: “Mời mọi người mua giang về chẻ lạt bánh chưng nào. Lạt dẻo lạt giang nào. Lạt này gói bánh chưng xanh/Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng nào”.


Cạnh hàng lá dong, ống giang là hàng mía tím. Cơ man nào là mía tím. Cây mía mập, béo nần nẫn từng đốt còn để nguyên cả lá. Từng bó trên xe cải tiến chở từ các miền qua ngoại ô vào thành phố được dỡ xuống bày thành dãy. Rét thế mà người ta vẫn róc mía, vẫn nhai ngau ngáu, trông ngon lành quá. Từng túi ni lông đựng các đẫn mía đã róc trông trắng muốt rất ngon. Chỗ này là những người hay ăn quà chợ ngồi. Còn chỗ kia thì người ta mua cả cây. Thường là một cặp bó lại rồi vác nghênh ngang đi giữa chợ. Đó là những cây mía thờ. Người ta về dựng mỗi bên bàn thờ một cây mía tím đó. Cùng với cành đào hoa đỏ là cây mía lá xanh làm cho bàn thờ ngày Tết thêm phong phú, ấm cúng. Cây mía dùng cho các cụ làm gậy khi về ăn Tết với con cháu. Khi hóa vàng, những cây mía này cũng được hóa theo bằng cách chặt thành từng tấm một, róc vỏ, con cháu cả nhà “thụ lộc”. Sau mấy ngày Tết ngấy với thịt thà bánh trái, được một khẩu mía nhai thì thú vị lắm. Ngọt, mát, lịm cả người.


Hàng rau, hàng cá, hàng thịt cũng xôn xao đông hơn mọi khi. Toàn sản vật trời đất ban cho từ các vùng quê quanh thành phố kìn kìn chở về đây từ 3, 4 giờ sáng. Người nào người nấy lấm lem, chằng chúm tùm hụp quần áo vì rét. Thương lắm những người dân chân đất quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cả năm lam lũ quần quật, họ dành dụm hoa trái, chăm nuôi con vật để mang đi chợ bán lấy tiền tiêu Tết. Những con cá trong các chậu nước khẽ lượn lờ, ngước đôi mắt nhìn chủ nhìn khách. Dãy thịt lợn ê hề những thịt là thịt. Xương, vai, mông, sấn, lòng, dồi đủ thứ. Tha hồ chọn. Những đủ đầy, thừa mứa kia biết đâu đằng sau đó là bao nỗi vất vả nhọc nhằn của người nông dân, của những tiểu thương thức khuya dậy sớm, một nắng hai sương.


Người ta bảo muốn biết đời sống nơi đó ra sao hãy đến các chợ ở nơi đó thì rõ. Còn tôi lại nghiệm thêm một điều nữa, muốn biết cuộc sống từng người ra sao hãy nhìn cảnh họ đi chợ Tết khắc biết. Có người bán cân chè khô, yến rau tươi, mớ khoai lang... để lấy tiền sắm Tết. Nhặt nhạnh từng đồng. Mặc cả từng giá những mong co kéo thêm được đồng nào hay đồng ấy. Bán thì bị rẻ, mua thì toàn những giá giời ơi. Phía mua càng rõ cảnh giàu nghèo. Có người chỉ ngắm nhìn, muốn mua không dám mặc cả. Nếu mua thì chỉ dám mua những thứ rẻ tiền, hàng ế thừa. Rúm ró với mớ tiền lẻ quăn queo. Đếm đi đếm lại vẫn còn lưỡng lự. Trong khi đó, có kẻ khuân bao nhiêu là thứ, bất chấp mọi giá cả. Có hẳn cả ô tô sang trọng đi mua sắm. Thấy bảo, những người mua bán đó chỉ là người giúp việc, là lái xe, nhân viên của đại gia, của sếp. Còn sếp và đại gia lúc này vẫn rung đùi ở nhà hoặc chạy xô dự tổng kết, nhận phong bì, làm sao mà ra chợ rét mướt được. Thương lắm những người nghèo, Tết ơi!


Tạm biệt chợ, tôi ào ra trở lại đường phố. Dòng người, dòng xe như nước chảy cùng với băng rôn, khẩu hiệu, đèn đỏ, đèn xanh nhấp nháy đã giúp tôi lấy lại không khí ngày Tết. Khu phố tạm vừa được giải phóng, san ủi mặt bằng làm Quảng trường Hùng Vương rộng mênh mang. Phía xa kia, khu phố mới đang hình thành. Nhà cửa kiến trúc thành từng ô cùng với những con đường vuông quân cờ đang hối hả thi công nước rút để đón Tết. Phải thế chứ. Việt Trì, thành phố lễ hội, du lịch phải có quảng trường chứ. Tuy mới có mặt bằng những trông cũng phóng khoáng, hoành tráng lắm. Mai kia phân lô, cấy cỏ, lắp hệ thống đèn..., chắc oách phải biết.


Tận dụng mặt bằng quảng trường này, các khu bán hoa, cây cảnh đua nhau bày hàng. Đào thế từ dưới xuôi, mai vàng từ trong Nam, cây cảnh từ khắp ngả kéo về. Sao mà đẹp thế. Sao mà nghệ thuật đến thế. Tôi chỉ nhìn chứ không dám mặc cả, mặc lẽ gì. Toàn tiền triệu cả đấy. Có cây mấy chục triệu nữa cơ. Lương công chức quèn như tôi thì chỉ có mà mơ. Thôi thì, người ta đẹp, mình được cái không khí Tết, được cái cảm hứng để... làm thơ xuân.


Việt Trì xôn xang xuân. Việt Trì hào hứng Tết. Tôi cứ nhẩn nha thả bộ dọc các dãy phố, ngó ngó nghiêng nghiêng mà bồi hồi, mà hớn hở cùng xuân. “Việt Trì ơi! Ta mến yêu người bằng cả trái tim mình!”. Tự nhiên câu hát của ca khúc “Gửi Việt Trì thành phố ngã ba sông” cứ vang lên trong đầu tôi. Thì kia, mùa xuân đã về!

Xuân Thu