07:17 22/07/2021

Chờ kết quả cuộc họp của ECB, giá vàng châu Á đi xuống

Giá vàng tại châu Á giảm trong phiên 22/7, giao dịch gần mức thấp nhất trong hơn một tuần, do sức ép từ việc đồng USD lên giá và sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro gia tăng, trong khi các nhà đầu tư chờ kết quả cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong ngày.

Chú thích ảnh
Giá vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống 1.799,72 USD/ounce vào lúc 13 giờ 32 phút (theo giờ Việt Nam). Ảnh minh họa: TTXVN

Giá vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống 1.799,72 USD/ounce vào lúc 13 giờ 32 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 12/7 là 1.793,59 USD/ounce trong phiên trước. 

Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,2%, xuống 1.800,1 USD/ounce.

Theo nhà chiến lược Margaret Yang tại DailyFX, giá vàng chịu sức ép khi đồng USD giao dịch quanh mức cao nhất trong ba tháng và các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ hai, trong lúc các nhà giao dịch vượt qua được những lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 gia tăng. 

Các thị trường chứng khoán châu Á cũng nối gót phố Wall phục hồi.

Chỉ số USD ổn định, ở gần mức cao nhất trong ba tháng rưỡi trước khi ECB công bố quyết định chính sách vào lúc 18 giờ 45 phút (giờ Việt Nam) ngày 22/7. 

Theo bà Yang, ECB được cho là sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, điều có thể khiến đồng euro xuống giá so với đồng USD, một diễn biến sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng.

Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters nhận định giá vàng giao ngay có thể phá ngưỡng hỗ trợ ở mức 1.795 USD/ounce và giảm xuống 1.785 USD/ounce.

Trong phiên này, giá bạc giảm 0,1%, xuống 25,2 USD/ounce, giá pa-la-đi tăng 0,7%, lên 2.672,21 USD/ounce và giá bạch kim giảm 0,1%, xuống 1.078,5 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào lúc 16 giờ 12 phút ngày 22/7, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 57 - 57,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Thị trường chứng khoán châu Á đi lên

Chú thích ảnh
Bảng điện tử niêm yết các chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong phiên giao dịch chiều 22/7, thị trường chứng khoán châu Á đi lên khi các báo cáo kinh doanh khả quan của doanh nghiệp lấn át mối lo về sự lây lan của biến thể Delta.

Chốt phiên, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong tăng 1,8% lên 27.723,84 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 0,3% lên 3.574,73 điểm. Phiên này, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ.

Sau khi giảm mạnh vào đầu tuần, chứng khoán Mỹ và châu Âu đã phục hồi trở lại nhờ tâm lý lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế, bất chấp việc một số chính phủ phải tái áp đặt các biện pháp đóng cửa do sự gia tăng các ca mắc COVID-19.

Niềm tin vào đà phục hồi trong dài hạn đã được củng cố nhờ số liệu cho thấy mặc dù những người được tiêm chủng đầy đủ tại Anh và Mỹ vẫn lây nhiễm biến thể mới, song tỷ lệ nhập viện và tử vong trong số này vẫn tương đối thấp.

Chuyên gia Tapas Strickland tại ngân hàng National Australia Bank cho rằng mặc dù thị trường vẫn lo ngại về sự lây lan nhanh của biến thể Delta, song các nhà giao dịch đều đồng thuận rằng diễn biến này không gây ra rủi ro ngay lập tức cho đà phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, báo cáo kết quả kinh doanh vượt dự kiến của Verizon và Coca-Cola đã tạo niềm tin cho  các nhà giao dịch. Các nhà quan sát cho biết khoảng 85% các công ty Mỹ công bố báo cáo kinh doanh đều vượt dự kiến.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo các báo cáo thu nhập cũng cho thấy lạm phát vẫn là một vấn đề, với một số doanh nghiệp cho rằng sức ép về giá cao hơn và kéo dài hơn dự kiến. Thời gian gần đây, thị trường vẫn lo ngại đà tăng kéo dài của lạm phát sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.

Trong phát biểu mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách xoa dịu mối lo trên với nhận định lạm phát sẽ tăng trong ngắn hạn, do đà phục hồi kinh tế, song hầu hết các chuyên gia đều cho rằng rất khó có khả năng lạm phát trong dài hạn sẽ vượt kiểm soát.
 
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/7, chỉ số VN-Index tăng 22,88 điểm (1,8%) lên 1.293,67 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 5,17 điểm (1,72%) lên 305,97 điểm.

Giá dầu châu Á giảm nhẹ phiên chiều 22/7

Chú thích ảnh
Bơm xăng cho các phương tiện tại trạm xăng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Giá dầu châu Á giảm trong phiên chiều 22/7 sau thông tin lượng dầu thô dự trữ của Mỹ bất ngờ tăng và số ca mắc COVID-19 gia tăng đe dọa đến nhu cầu.

Giá dầu Brent biển Bắc giảm 11 xu Mỹ (0,2%) xuống 72,12 USD/thùng, sau khi tăng 4,2% trong phiên trước đó. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 6 xu Mỹ (0,1%) xuống 70,24 USD/thùng, sau khi tăng 4,6% trong phiên trước đó.

Chuyên gia phân tích cấp cao Edward Moya thuộc công ty môi giới tài chính OANDA nhận định sự biến động của năng lượng vẫn cao trong bối cảnh các nhà giao dịch gặp khó khăn khi nhu cầu suy yếu trong ngắn hạn do những lo ngại về biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 và đồn đoán tình trạng thiếu hụt dầu thô sẽ kéo dài cho đến cuối năm 2021.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu thô tại nước này, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, đã bất ngờ tăng 2,1 triệu thùng trong tuần trước lên 439,7 triệu thùng, tăng lần đầu tiên kể từ tháng 5/2021, và trái ngược với dự báo giảm 4,5 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra.

Ngoài ra, dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất giảm lần lượt là 121.000 thùng và 1,3 triệu thùng, cho thấy nhu cầu cao hơn trong dịp đi lại mùa Hè.

Các nhà phân tích từ ngân hàng Citi cho biết, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh như Nga, hay còn gọi là OPEC+, khó có thể sớm đưa dầu ra thị trường và các cuộc đàm phán của Iran bị trì hoãn.

Các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu trung bình ở mức 99,6 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2021, tăng 5,4 triệu thùng/ngày so với mức của tháng 4/2021.

Giá dầu đã giảm trong phiên đầu tuần theo sau thỏa thuận OPEC+ sẽ đưa thêm 400.000 thùng ra thị trường mỗi ngày từ tháng 8 - 12/2021.

Lê Minh - Trà My - Minh Hằng (TTXVN)