08:15 26/08/2016

Chờ kết luận về hải sản miền Trung

Xung quanh môi trường biển miền Trung có ba câu hỏi lớn mà người dân rất muốn có câu trả lời là: Đã tắm biển, ăn hải sản và đánh bắt, nuôi trồng ven biển miền Trung được chưa?

Mới đây, báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố mới chỉ trả lời được câu hỏi biển đã an toàn chưa, hai câu còn lại vẫn chưa có kết luận chính thức.

GS.TS Mai Trọng Nhuận, Trưởng nhóm điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra tại 4 tỉnh ven biển miền Trung cho biết, Bộ TN&MT đã tổ chức hai chương trình quan trắc, đánh giá chất lượng nước biển, trầm tích và các hệ sinh thái. Từ tháng 4 đến hết tháng 5/2016 trên phạm vi 8 tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và từ tháng 6 đến ngày 16/8/2016 trên phạm vi vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Cả hai đợt, các nhà khoa học đã lấy 5.221 mẫu bao gồm mẫu nước tầng mặt, tầng giữa, tầng đáy và mẫu trầm tích.

Cá khô của lò hấp gia đình chị chị Lê Thị Hoa, thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Theo kết luận của nhóm nghiên cứu, chất lượng nước tại 19 bãi tắm từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế nằm trong giới hạn quy định đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Kết quả phân tích trầm tích cũng cho thấy, các thông số nằm trong giới hạn cho phép.

Chờ thông tin từ Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT

Tuy nhiên, tại các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế (diện tích khoảng 160 km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số cao hơn so với các khu vực khác, dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép), cần tiếp tục được giám sát và quan trắc thường xuyên.

GS Mai Trọng Nhuận cho biết, các khu vực biển này đều là vùng biển mở nên cơ chế làm sạch tự nhiên rất tốt, cùng với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ đất liền, kết quả khảo sát cho thấy, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian. Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô sau sự cố môi trường biển miền Trung đã có dấu hiệu hồi phục.

Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, điều người dân mong mỏi nhất là các cơ quan chức năng trả lời câu hỏi: Ăn được hải sản hay chưa? Câu trả lời mới chỉ được Bộ TN&MT đưa ra là phần lớn biển đã an toàn, còn chưa thấy ý kiến của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT. “Thủ tướng đã giao Bộ Y tế kết luận hải sản an toàn chưa. Bộ NN&PTNT định hướng về ổn định nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Hôm nay, Bộ TN&MT công bố hiện trạng môi trường biển rồi, địa phương mong muốn hai bộ nói trên khẩn trương làm rõ các nội dung trên để nhân dân có niềm tin”, ông Khánh trăn trở.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay đã xác định một số khu vực, chất lượng nước đảm bảo tuân thủ quy chuẩn môi trường Việt Nam, vấn đề nuôi trồng thủy sản, trên các vùng biển đã xác định an toàn. Tuy nhiên, để thận trọng, thì ngay sau công bố này, Bộ NN&PTNT theo nhiệm vụ sẽ sớm xem xét công bố để người dân được biết có thể lấy nước để nuôi trồng thủy sản hay chưa. Còn với câu hỏi hải sản đã an toàn chưa? Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hải sản có độ trễ và tích lũy về bài tiết chất tồn lưu. Vì vậy, sẽ tiếp tục chờ đợi Bộ Y tế có giám sát chặt chẽ hơn với các khu vực đánh bắt hải sản và có công bố chính thức.

Tăng cường giám sát các nguồn xả thải

Ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hải sản có độ trễ trong đào thải nên mức độ nhiễm độc sẽ giảm từ từ. Sau khi Bộ TN&MT công bố vùng biển an toàn, Bộ Y tế sẽ cùng Bộ NN&PTNT sẽ giám sát, bao giờ có kết quả chắc chắn mức độ an toàn của hải sản sẽ công bố. Tuy nhiên, kết quả phân tích mẫu cá từ tháng 6 trở lại đây cho thấy, hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản giảm dần.

Mặc dù kết quả phân tích cho thấy phần lớn biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn, tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương cũng như các nhà khoa học đều có trăn trở và kiến nghị Bộ TN&MT cần giám sát không chỉ việc xả thải của Formosa mà còn đối với toàn bộ các nguồn thải. PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, để đảm bảo an toàn biển miền Trung, giải pháp quan trọng nhất là giám sát vấn đề xả thải của Formosa thời gian tới để không xảy ra sự cố môi trường vừa rồi.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, để tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển ven bờ khu vực miền Trung, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục các hoạt động quan trắc, giám sát môi trường biển, đặc biệt giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Hy vọng 1 - 2 tháng tới có thể nuôi thủy sản 

Tôi đã tham gia quá trình khảo sát biển của Bộ TN&MT ngay từ đầu, đồng thời được mời phản biện báo cáo công bố, tôi khẳng định các số liệu đánh giá rất chính xác. Trên thực tế đa số vùng biển khu vực này đã an toàn. Việc bơi lội, tắm biển có thể thực hiện thoải mái. Về vấn đề ăn hải sản, Bộ Y tế phải quan sát thêm, phải lấy mẫu từ biển cũng như thị trường để phân tích, đánh giá. Về nuôi trồng thủy sản, chúng ta phải tiếp tục theo dõi đánh giá, phân tích chất lượng nước, hy vọng 1 - 2 tháng có thể nuôi trồng bình thường khi chúng ta kiểm soát được chất lượng nước. TS Friedhelm Schoeder, Viện Nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển của Đức 

Công nghệ xử lý bùn biển của Nhật 

“Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng kinh nghiệm quốc tế như Nhật Bản có hệ thống công nghệ xử lý bùn biển (đây là khâu khó nhất). Họ có công nghệ vừa hút bùn lên mà không phát tán độc tố, không hủy diệt hệ sinh thái rồi xử lý và bồi hoàn trở lại, đảm bảo xử lý chất ô nhiễm. Giá tại Nhật Bản là 500 USD/m3. Hi vọng trên cơ sở đánh giá hiện trạng biển Việt Nam sẽ đề xuất được công nghệ để triển khai”. GS.TS Mai Trọng Nhuận, Đại học Quốc gia Hà Nội


Thu Trang