08:22 26/08/2015

Cho hộ nghèo mượn đất sản xuất

Ông Sơn Sa Tha, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Giồng Ông Thìn, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú (Trà Vinh), đã cho hộ nghèo mượn đất sản xuất, đồng thời còn vận động nhân dân trong ấp hiến đất sửa chữa đường giao thông nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Ông Sơn Sa Tha, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Giồng Ông Thìn, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú (Trà Vinh), đã cho hộ nghèo mượn đất sản xuất, đồng thời còn vận động nhân dân trong ấp hiến đất sửa chữa đường giao thông nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Hộ ông Thạch Kênh được ông Sơn Sa Tha cho mượn đất trồng bắp chuẩn bị thu hoạch


Những năm gần đây, gia đình ông Tha đã hỗ trợ cho 3 hộ gia đình trong ấp mượn 1,2 ha đất sản xuất để trồng ngô lai và lúa, mang lại lợi nhuận trên 42 triệu đồng/ha/vụ. Nhờ tính cần cù, chí thú làm ăn, nên các hộ nghèo sản xuất có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững và đã tự nguyện trả sổ hộ nghèo cho Nhà nước như hộ ông Thạch Kênh, bà Thạch Thị Keo, bà Thạch Thị Quynh.

Với cương vị là Trưởng ban Công tác mặt trận ấp, ông Sơn Sa Tha còn vận động nhân dân hiến đất để xây dựng và sửa chữa được 676 m đường đan giao thông nông thôn; phát hoang bụi rậm được gần 1.800 m. Về Giồng Ông Thìn, con đường đất nhỏ vốn lầy lội vào mùa mưa, đầy bụi đất ngày nắng trước kia giờ đã thành đường bê tông thông thoáng, sạch, đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển kinh tế.

Ông Sơn Sa Tha tâm sự: “Lợi ích thì ai cũng cần, nhưng cho hộ nghèo mượn đất sản xuất và làm đường để phục vụ bà con, nhằm góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương, chính là tâm nguyện từ bấy lâu nay của gia đình tôi. Điều vui nhất của tôi là trẻ con trong xóm đi học vào mùa mưa không còn vất vả nữa”.

Cũng theo ông Tha, thì không phải ngẫu nhiên mà bà con nông dân sẵn sàng nhường đất, hiến đất làm đường giao thông. Ðể vận động được bà con tự nguyện tháo dỡ tài sản, vườn tược để làm đường cũng có lúc này lúc khác, không phải ai cũng đồng lòng ngay từ đầu. Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để bà con thấy được lợi ích lâu dài của việc mình làm. Ðối với những trường hợp chưa thuận, tùy theo đối tượng, Mặt trận và các đoàn thể huy động các thành viên, hội viên đến từng gia đình để vận động, thuyết phục. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương từ cấp xã đến ấp khi thực hiện công tác tuyên truyền cũng phải được nâng cao.

Bài và ảnh: Nguyễn Tân