06:10 17/06/2011

Chỗ dựa của nhà nông

“Ba tháng trông cây, một ngày trông quả” là câu cửa miệng của nhà nông nói về sự vất vả của người nông dân và sự phụ thuộc vào thiên nhiên, sự bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

1. “Ba tháng trông cây, một ngày trông quả” là câu cửa miệng của nhà nông nói về sự vất vả của người nông dân và sự phụ thuộc vào thiên nhiên, sự bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Thành quả của cả quá trình sản xuất, mồ hôi công sức của người nông dân… phơi cả ngoài đồng. Thóc lúa, tôm cá… đến kỳ thu hoạch nhưng chỉ cần một trận mưa, trận bão bất ngờ là có thể cuốn trôi bao mồ hôi công sức lao động của người nông dân ra sông ra biển… Chẳng thế mà cha ông ta từ bao đời nay đã từng than thở: “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”.

2. Nhưng không chỉ có thiên nhiên, những năm gần đây ngày càng xuất hiện nhiều dịch bệnh hại vật nuôi cây trồng. Không chỉ còn là sâu cuốn lá, sâu cắn gié… “truyền thống” hại lúa như ngày trước mà giờ đây, người nông dân luôn nơm nớp với bệnh đạo ôn, rầy nâu… và mới đây là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá… Rồi khi con cá tra, con tôm được đưa vào nuôi đại trà thì lại là nỗi lo về dịch bệnh gây chết hàng loạt trên vật nuôi. Và, thảm họa dịch cúm gà, dịch lở mồm long móng trên gia súc, dịch lợn tai xanh… vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với cả người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Không những thế, tình trạng được mùa rớt giá, tình trạng người nông dân bị ép giá… không phải chỉ xảy ra một lần, ở một nơi mà đã trở thành gần như phổ biến…

Tóm lại, hầu như mọi diễn biến bất lợi về cả thời tiết, môi trường và thị trường đều đổ lên vai người nông dân… Và, họ gần như không có phương tiện gì để chống đỡ ngoại trừ sự hỗ trợ của Nhà nước và tấm lòng của đồng bào cả nước.

3. Trong khi đó, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 của Đảng ta đã xác định phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Muốn thế, bên cạnh những yếu tố về khoa học kỹ thuật, về thị trường, về cơ cấu vật nuôi cây trồng… thì rất cần tạo một sự ổn định cho người nông dân và sản xuất nông nghiệp trước những diễn biến khó lường của thiên nhiên và cả thị trường.

4. Chính vì vậy, vấn đề bảo hiểm trong nông nghiệp đã được đặt ra và thực hiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên kết quả không được như mong muốn do nhiều nguyên nhân từ cả hai phía: Người nông dân và các doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước từ ngày 1/7 tới đây theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với sự vào cuộc, hỗ trợ của Nhà nước đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội nói chung và người nông dân nói riêng. Mong rằng lần thí điểm này sẽ khắc phục được những bất cập và khiếm khuyết trước đây để bảo hiểm nông nghiệp thực sự tạo chỗ dựa vững chắc cho nhà nông.

5. “Phi nông bất ổn”. Nhưng chính người nông dân có ổn định thì mới tạo được sự ổn định cho xã hội.

Tuệ Duyên