06:06 14/06/2014

Cho con một kỳ nghỉ hè ý nghĩa - Bài cuối: Lợi bất cập hại

Đừng vì bảo đảm việc “trông trẻ” để lên lịch học kín mít, hay chạy theo phong trào cho con đi học hè mà chọn lớp học hè cho con. Phụ huynh nên dựa trên sở thích, năng lực của trẻ. Đây là lời khuyên của những nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tham vấn tâm lý giáo dục.

Đừng vì bảo đảm việc “trông trẻ” để lên lịch học kín mít, hay chạy theo phong trào cho con đi học hè mà chọn lớp học hè cho con. Phụ huynh nên dựa trên sở thích, năng lực của trẻ. Đây là lời khuyên của những nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tham vấn tâm lý giáo dục.

 

Phải thừa nhận những khóa học hè, học kỳ quân đội, tập tu, trại hè… với nội dung khám phá môi trường bên ngoài, trau dồi kỹ năng sống, xây dựng môi trường kỷ luật nghiêm… đã mang lại nhiều ý nghĩa trong việc giáo dục trẻ nhỏ. Tuy nhiên, phụ huynh cần phải cân nhắc và căn cứ vào năng lực, sở thích của trẻ, để tìm cho con một hoạt động ngoại khóa phù hợp và ý nghĩa.

 

Một trò chơi trong chương trình “Trải nghiệm hè - Open up 2014” của trường mầm non Liễu Giai (Hà Nội).Ảnh: Chương trình cung cấp


Hè năm nay, cháu Nguyễn Minh Quân, 10 tuổi (phường Hồng Hà, Ba Đình, Hà Nội) được bố mẹ cho tham gia khóa tu tập tại thiền viện Trúc Lâm. Mỗi ngày những học viên như Quân đều dậy từ 4 giờ sáng nghe tụng kinh, rồi tuân thủ việc ăn chay. Đang tuổi ăn, tuổi ngủ, nên ngay từ ngày đầu, nhiều học viên như Quân đã ngủ gà ngủ gật. Sau hai ngày ăn chay, cháu đã không theo nổi.

 

Chưa tròn 1 tuần, Quân gọi điện về nhà khóc xin mẹ cho về, tuy nhiên quy định của khóa học không cho đón con giữa chừng nên chị Mai (mẹ Quân) vẫn phải cho con học nốt. Qua tìm hiểu, chị Mai cho hay, năm nay khóa tập tu quá đông học viên, khoảng 600 - 700 cháu, do đó việc quan tâm tới từng cháu không tốt. Việc thay đổi môi trường đột ngột cũng khiến trẻ khó thích nghi. “Có lẽ cháu còn quá nhỏ để có thể rèn luyện theo hình thức này”, chị Mai tâm sự.


Hay như trường hợp nhà chị Thu Hà (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) đang “sốt lên xình xịch” vì cậu con trai đang trong học kỳ quân đội nhưng bị ốm. Được biết, ở lớp học, dù sau trận mưa to, nhưng các con vẫn phải tắm nước lạnh. Một số cháu thì chưa quen, bị nổi nốt ngứa, còn con trai chị đã bị sốt ngay đêm đó. “Chưa kể, ở nhà nằm quen điều hòa, tới nơi chỉ có 2 quạt cho phòng 8 - 10 cháu, sáng ra phải dậy sớm để hành quân, nên tình trạng sức khỏe của con bị ảnh hưởng, tâm lý có phần sốc là không tránh khỏi”, chị Hà bày tỏ.

Hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu có thật của phụ huynh mà rất nhiều dịch vụ giáo dục mở ra. Tuy nhiên, đa số dịch vụ này chưa thực sự chuyên nghiệp trong bảo vệ an toàn cho trẻ, đặc biệt là an toàn về tinh thần. Vì vậy, cha mẹ khi lựa chọn các chương trình học cần tính toán đến yếu tố an toàn về thể chất lẫn tinh thần của chính con em mình. Đặc biệt, những chọn lựa đó cần tôn trọng ý kiến của trẻ. Như vậy, kỳ nghỉ của con mới thực sự ý nghĩa.


Trao đổi với PV báo Tin Tức, các chuyên gia giáo dục cho rằng, để trẻ tham gia các trại hè, hình thành kỹ năng sống và kiến thức cơ bản sẽ tạo nền tảng tốt cho quá trình học hỏi, phát triển sau này của trẻ. Tuy nhiên, các khóa huấn luyện hè đều có những mục đích riêng nhưng sẽ chỉ phù hợp với một số trẻ. Phụ huynh cần phải lựa chọn kỹ lưỡng, nghiên cứu cách tổ chức, chương trình huấn luyện, điều kiện sinh hoạt của nơi tổ chức có phù hợp với sức khỏe, độ tuổi của con mình để quyết định. TS Vũ Thu Hương, Chuyên viên tư vấn giáo dục Công ty Clever kids EDC, cho biết: “Kỹ năng sống đối với trẻ là một điều cực kỳ quan trọng, phụ huynh nên cho con đi học các kỹ năng sống, hoặc tham gia các trại hè để các cháu vừa chơi, vừa học hình thành kỹ năng, nhân cách sau này trẻ lớn lên. Nhưng hãy lưu ý, cần tính toán đến khả năng tài chính, hiệu quả mà khóa học kỹ năng, trại hè đó mang lại. Cần nhất là tham khảo chính ý kiến những phụ huynh từng có con em học rồi, để quyết định cho trẻ có hay không tham gia trại hè đó”.


Theo các chuyên gia giáo dục, tình trạng quá tải trước một lịch học hè dày đặc (bao gồm cả học các môn văn hóa và các môn năng khiếu) sẽ khiến cho trẻ không có điều kiện tốt để phát triển cả về thể chất và tinh thần. Như vậy, trẻ có thể xuất hiện tâm lý chán học, sợ đến trường ở một số học sinh, nhất là đối với những trẻ có học lực trung bình. Nghiêm trọng hơn, áp lực từ việc học tập quá tải có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn về mặt tâm lý như: Lo âu, suy nhược, rối nhiễu tâm lý.

 

Lê Vân