06:10 23/06/2021

'Chợ 0 đồng' và những bữa cơm nghĩa tình đất Tây Đô

Nhiều người bán vé số, xe ôm, người cao tuổi, người tàn tật… ở thành phố Cần Thơ đã biết đến "chợ 0 đồng”, quán cơm với giá chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng tại các quận Cái Răng, Bình Thủy, Ninh Kiều…

Đây là hoạt động nối tiếp chuỗi thiện nguyện do nhiều cá nhân, nhóm từ thiện thực hiện. Hoạt động này thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” và ghi dấu tấm lòng thơm thảo của người dân Tây Đô.

"Chợ 0 đồng"

Chú thích ảnh
Người dân ấm lòng với những phần hỗ trợ từ " Chợ 0 đồng".

Tại quận Cái Răng, trên đường Trần Hưng Đạo, phía sau chùa Phước Long, nhiều ngày qua, người lao động nghèo đều ghé sạp hàng của bà Hà để chọn cho mình mớ rau xanh, ít trứng gà, mì gói, gạo… với giá "0 đồng". 

Để phục vụ cửa hàng "0 đồng”, mỗi ngày, từ sáng sớm tinh mơ, bà Dương Thanh Hà (60 tuổi, ngụ tại phường Lê Bình) cùng thành viên trong nhóm thiện nguyện đi chợ mua rau củ tươi về sắp xếp ngay ngắn lên kệ chứa thực phẩm. Thực phẩm mua vào nhiều giá nhưng "bán" ra chỉ duy nhất một giá “0 đồng”. 

Bà Hà cho biết, ban đầu, sạp hàng của bà gần như chỉ có một mặt hàng rau củ do bà tự phát tâm thiện nguyện, với số tiền ít ỏi của mình. Sau ít ngày hoạt động, nhiều cá nhân, tập thể tìm đến chung tay với bà cùng thực hiện. Do đó, các mặt hàng ngày càng phong phú như: bánh kẹo, gạo, trứng, mì gói, khẩu trang… 

“Mình trao đi ít mà nhận lại quá nhiều. Đó là tình người ấm áp trong đại dịch COVID-19 nhiều khó khăn. Tôi hy vọng sẽ kéo dài được sạp hàng này càng lâu càng tốt”, bà Hà chia sẻ.

Anh Nguyễn Thanh Hiếu, bị tật hai chân phải ngồi xe lăn bán vé số. Anh đứng từ xa nhìn sạp hàng của bà Hà e ngại. Thấy vậy, bà Hà chủ động ra hỏi anh có muốn lấy một ít rau về dùng không? Anh vừa gật đầu là bà Hà đã thoăn thoắt lấy nước tương, gạo, mì, rau… vào túi đưa tới tận xe cho anh.

Chú thích ảnh
 Người dân ấm lòng với những phần hỗ trợ từ "Chợ 0 đồng".

“Tôi rất cảm động với tấm lòng của các nhà hảo tâm. Trước kia, tôi bán vé số một ngày được gần 200 tờ, dịch bệnh bùng phát nên hiện số lượng bán ra rất ít. Sự giúp đỡ này rất đáng quý đối với tôi…”, anh Hiếu chia sẻ.

“Khi giáo viên gọi, các mạnh thường quân, phụ huynh học sinh trả lời” là câu khẩu hiệu thân thuộc tập thể giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) thường trả lời khi được hỏi các hoạt động thiện nguyện ra đời như thế nào. Lần này, chung tay cùng thành phố, Nhà trường đã đứng ra kêu gọi nhà hảo tâm thành lập “chợ 0 đồng”. Chợ hoạt động từ 8 đến 10 giờ hằng ngày. Mỗi người đến chợ sẽ tự do lựa chọn rau củ và được nhận một phần quà gồm 2kg gạo, 5 gói mì và các nhu yếu phẩm như dầu ăn, đường, nước tương, nước mắm…

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền Mạch Lệ Xuân, trung bình mỗi ngày, chợ trao tặng khoảng trên 150 phần quà cho người khó khăn. Mô hình “chợ 0 đồng” hoạt động với thông điệp “Cho đi là hạnh phúc/Chia sẻ là niềm vui”.

Ông Dương Văn Tùng, làm nghề xe ôm tại quận Ninh Kiều nhận phần quà từ “chợ 0 đồng” tại Trường Tiểu học Ngô Quyền xúc động cho biết, tới đây, mọi người được hướng dẫn xếp hàng, giãn cách, sau đó sẽ có người phát phiếu và nhận quà. Phần quà này giúp ông và gia đình bớt khó khăn trong mùa dịch.

Những quán cơm thiện nguyện

Chú thích ảnh
Các tình nguyện viên hỗ trợ người dân nhận quà từ "Chợ 0 đồng".

Bên cạnh “chợ 0 đồng”, hiện nay, đất Tây Đô có nhiều quán cơm thiện nguyện với giá “tượng trưng” từ 1.000 đồng đến 5.000 đồng, phục vụ người lao động nghèo có bữa cơm đủ chất và ấm áp tình người.

Hoạt động từ ngày 31/11/2020, với diện tích khoảng 100 m2, quán cơm thiện nguyện Yên Vui, ở số 73, Võ Văn Kiệt, phường An Hòa, quận Ninh Kiều là địa chỉ quen thuộc của người lao động nghèo, sinh viên khó khăn vào thứ 2, 4, 6 hằng tuần. Đây là một trong các quán thiện nguyện do Quỹ từ thiện tư nhân Bông Sen thành lập, phục vụ suất ăn 1.000 đồng cơm chay và 2.000 đồng cơm mặn, đầy đủ dinh dưỡng và thay đổi thực đơn mỗi ngày.

Theo bà Lê Kim Trí, làm việc tại quán cơm Yên Vui: Hiện nay, một số nhà hảo tâm chung tay cùng làm từ thiện với quán. Họ mang đến các nhu yếu phẩm hoặc bánh kẹo, trái cây…Theo đó, mỗi suất cơm cho người đến mua mang về sẽ được tặng kèm bánh, trái cây...Bà Lê Kim Trí hy vọng các nhà hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ để quán có kinh phí mở thêm vào các ngày thứ 3, 5, 7.

Quán cơm thiện nguyện Yên Vui mở cửa vào lúc 10 giờ, mỗi ngày phục vụ gần 400 phần cơm các loại. Dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng ít nhiều đến lực lượng phục vụ tại quán vì sinh viên tình nguyện về quê chờ thông báo mới nhập học. Với tinh thần vì mọi người, nhiều người lớn tuổi đã đến quán cơm này để duy trì suất ăn cho người nghèo. 

Cầm trên tay hộp cơm giá 2.000 đồng, anh Phan Văn Hoài, làm công nhân, ở trọ tại quận Ninh Kiều chia sẻ, bình thường một suất ăn gần công ty ít nhất cũng 20.000 đồng, quán cơm này ra đời đã giúp anh tiết kiệm được ít chi phí để lo những việc khác. 

Ngoài các địa chỉ thiện nguyện quen thuộc, một tháng nay, các quận, huyện trên địa bàn Cần Thơ đã xuất hiện thêm nhiều điểm phát cơm cho người dân như: quán An Nhàn, ở đường Trần Việt Châu, quán cơm 5.000 đồng ở 17 Hải Thượng Lãn Ông…

Ghi nhận tại quán cơm 5.000 đồng, số 17 Hải Thượng Lãn Ông, quận Ninh Kiều, vào lúc 10 giờ 30 phút, nhiều người đứng chờ lấy phiếu mua cơm. Với sự thân thiện, ân cần, lực lượng phục vụ tại quán đã xóa bỏ tâm lý ngại ngùng và tạo ấn tượng đẹp cho người đến mua. 

Bà Lưu Thị Liên, hàng ngày bán vé số nuôi chồng mất khả năng lao động, thuê trọ tại quận Bình Thủy cho biết, cơm ở đây ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng. Hoạt động này đã giúp được nhiều người nghèo như bà trong đại dịch COVID-19.

Anh Phan Thành Đạt, một trong 3 người góp vốn mở quán cơm 5.000 đồng cho biết, trước đây, quán nấu cơm cho các chốt trực kiểm soát dịch, chứng kiến nhiều mất việc làm phải về quê, rất khó khăn. Do vậy, anh quyết định mở ra quán cơm này với mong muốn có thể chia sẻ phần nào khó khăn của họ. Quán phục vụ các ngày trong tuần từ 11 đến 14 giờ, thực đơn thay đổi liên tục, đảm bảo dinh dưỡng. 

Dịch COVID-19 bùng phát khiến cuộc sống của những người nghèo thêm chật vật. Trong khó khăn, nhiều hành động thiết thực và ý nghĩa tại Cần Thơ khiến mọi người càng thêm thấm thía cái đẹp của tình người, tình đời. Qua đó, mỗi mảnh đời khó khăn sẽ cố gắng vươn lên và chắc rằng sẽ không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là khi hoạn nạn nhờ sự chia sẻ của cả cộng đồng.

Ánh Tuyết (TTXVN)