07:17 03/07/2018

Chính trường Đức: Vết rạn khó lành

Nước Đức đã tạm thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ của liên minh cầm quyền sau khi đại diện hai đảng từng được xem là đảng "chị em" keo sơn gắn bó nhiều thập kỷ qua là đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đạt được thỏa hiệp về vấn đề người di cư.

Tuy nhiên, sự hàn gắn được báo chí Đức nhìn nhận là khá mong manh này liệu có thể giúp lấy lại tình đoàn kết vốn có giữa CDU và CSU hay không?

 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải), Chủ tịch CDU và Bộ trưởng Nội vụ Đức kiêm chủ tịch CSU Horst Seehofer trong cuộc họp tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Xuất hiện tại cuộc họp báo sau hơn 4 giờ đàm phán căng thẳng với Chủ tịch CSU Horst Seehofer tối 2/7 theo giờ địa phương, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch CDU, cho biết lãnh đạo 2 đảng đã đạt được thỏa hiệp về một số điểm liên quan tới chính sách với người tị nạn ở Đức. Thỏa thuận này giúp duy trì quan hệ CDU và CSU, đồng thời giúp tránh được kịch bản ông Seehofer phải rút khỏi vị trí Bộ trưởng Nội vụ liên bang cũng như người đứng đầu đảng bảo thủ CSU chỉ vì bất đồng với CDU liên quan chính sách người tị nạn.

 

Điểm mấu chốt trong thỏa thuận là việc nước Đức sẽ siết chặt kiểm soát biên giới, lập các trung tâm trung chuyển ở biên giới Đức-Áo để "giữ chân" những người di cư đã đăng ký tị nạn ở một nước Liên minh châu Âu (EU) khác trong khi đàm phán cho hồi hương những người này hoặc trục xuất các trường hợp bị bác đơn.

 

Trong trường hợp các nước mà người tị nạn đăng ký trước đó từ chối tiếp nhận, Đức sẽ đưa các trường hợp đó trở lại Áo theo thỏa thuận với Vienna. Theo nhà lãnh đạo Đức, thỏa hiệp trên vẫn đảm bảo nguyên tắc tự do đi lại trong EU trong khi Đức vẫn có thể có những biện pháp riêng để hạn chế dòng người di cư tới quốc gia này.

 

Sau khi đạt đồng thuận, Thủ tướng Merkel đã lên tiếng hoan nghênh đây là "thỏa thuận rất tốt đẹp" với CSU, trong khi phía CSU gọi đây là sự chuyển mình hoàn toàn về chính sách người tị nạn của Đức sau khi dòng người tị nạn ồ ạt đổ vào nước này kể từ năm 2015. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến chỉ trích và hoài nghi từ trong chính nội bộ liên đảng bảo thủ và các đảng khác, cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế để vượt qua giai đoạn chênh vênh hiện nay.

 

Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Andrea Nahles bày tỏ thận trọng với thỏa thiệp của CDU và CSU, khi cho rằng vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ cần giải quyết trong vấn đề người tị nạn. Đại diện đảng Cánh tả đối lập gọi các trung tâm mà CDU/CSU chủ trương xây dựng ở biên giới Đức-Áo là các trại giam giữ khổng lồ, điều minh chứng cho "sự lạc lối của lòng nhân đạo", và hối thúc SPD - đảng tham gia liên minh cầm quyền của Thủ tướng Merkel, bác bỏ thỏa hiệp của liên đảng bảo thủ.

 

Thực tế, việc đi đến thỏa hiệp trên là một sự "xuống thang" đáng kể của bà Merkel đối với các yêu sách của CSU. Sau khi nhà lãnh đạo Đức tuyên bố mở toang cánh cửa cho người tị nạn vào mùa Hè năm 2015, bang Bayern, vốn là "đại bản doanh" duy nhất của CSU trên toàn nước Đức, là nơi phải tiếp nhận luồng di cư ồ ạt của người tị nạn từ quốc gia láng giềng Áo tràn sang.

 

Từ lúc chào đón người tị nạn tới Đức, bang Bayern đã nhanh chóng bị quá tải vì số người tị nạn tới Đức ngày một nhiều và chính quyền địa phương do CSU lãnh đạo phải áp dụng các biện pháp hạn chế. Thậm chí có thời điểm chính quyền Bayern phải huy động cả binh sĩ để hỗ trợ lực lượng cảnh sát bảo vệ biên giới nhằm kiểm soát người tị nạn, đặc biệt là các đối tượng cực đoan, sau khi xảy ra hàng loạt vụ tấn công bạo lực và khủng bố có liên quan tới người tị nạn ở bang miền Nam nước Đức.

 

Từ đó cũng đã nảy sinh hàng loạt bất đồng về chính sách người tị nạn giữa chính quyền Bayern và chính phủ trung ương của Thủ tướng Merkel. Ông Seehofer từng dọa sẽ tự thực hiện kế hoạch với người di cư của mình mà không cần sự chấp thuận của Thủ tướng Merkel. Đáp lại, bà Merkel cảnh báo sẽ sa thải ông Seehofer nếu Chủ tịch CSU có hành động thách thức. Mối bất hòa như vậy vẫn được cầm cự trong suốt 3 năm qua với chính sách xuyên suốt của nữ thủ tướng Đức là phải có giải pháp quy mô toàn châu Âu, phải giải quyết tận gốc vấn đề người di cư, thay vì những biện pháp mang tính cục bộ, dù là ở nước Đức hay các nước châu Âu khác.

 

Trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 của bà Merkel, Chủ tịch CSU Seehofer đã được "chọn mặt" làm người đứng đầu Bộ Nội vụ liên bang vốn phụ trách các vấn đề trong nước, trong đó có cả vấn đề người tị nạn. Việc CDU nhường ghế bộ trưởng nội vụ rất quan trọng cho CSU đã báo trước một tương lai sóng gió đối với chính phủ của bà Merkel trong vấn đề người tị nạn.

 

Khi uy tín của CSU tụt xuống mức thấp, uy tín của người đứng đầu CSU cũng giảm sút nghiêm trọng, trong khi đảng cực hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) lại không ngừng vươn lên ở ngay chính Bayern, ông Seehofer "cực chẳng đã" phải cảnh báo rút khỏi vị trí đứng đầu Bộ Nội vụ và lãnh đạo CSU nếu không đạt được thỏa thuận với CDU về vấn đề người tị nạn.

 

Trong trường hợp điều này xảy ra, khối liên minh tồn tại từ năm 1949 giữa CDU và CSU có nguy cơ đổ vỡ và đây là kịch bản mà lãnh đạo hai đảng bảo thủ không hề mong muốn, bởi khi đó liên minh cầm quyền còn lại là CDU và SPD không còn chiếm đa số tại Quốc hội liên bang và phải tìm kiếm sự ủng hộ/liên minh với một đối tác khác hoặc phải tiến hành bầu cử trước thời hạn.

 

Ngay cả việc CSU tìm kiếm một người thay vị trí của ông Seehofer để giữ quan hệ với CDU ở cấp liên bang, cũng là phương án mịt mù cho mối quan hệ giữa CDU và CSU. Có thể nói với thỏa hiệp về vấn đề người di cử, bất đồng giữa CDU và CSU về cơ bản đã được giải quyết, giải pháp cũng có thể mang tính khả thi nếu nước láng giềng Áo chấp thuận, song tinh thần liên minh được xây đắp trong gần 70 năm qua đã bị vấy đục.

 

Báo chí Đức bình luận rằng những bất đồng và những tuyên bố cứng rắn thời gian qua của lãnh đạo CSU đã để lại những "vết thương" khó lành giữa hai đảng, đặc biệt là giữa hai nhà lãnh đạo đảng bảo thủ của nước Đức.

 

TTXVN/Báo Tin tức