Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng:

Phát triển mới về nhận thức trong bảo vệ Tổ quốc

Trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định, phát triển và làm sâu sắc hơn quan điểm: Kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh.


Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mà còn là quy luật khách quan, chủ trương nhất quán của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Về các giải pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế, v.v.”. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định và phát triển vấn đề trên. Như vậy, Dự thảo văn kiện lần này làm rõ hơn và mở rộng nội hàm sự kết hợp: Không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà còn cả trên lĩnh vực văn hóa, xã hội. Điều đó, thể hiện sự phát triển mới trong nhận thức, tư duy lý luận của Đảng ta về nội dung giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quan điểm về sự phát triển này là hoàn toàn đúng đắn, phản ánh rõ tiến trình phát triển biện chứng, khách quan của cách mạng nước ta.

Hội nghị góp ý kiến vào các Dự thảo văn kiện Đại hội 12 của Đảng với sự tham dự của đại diện các hội, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đỗ Trưởng- TTXVN

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng chỉ rõ: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh”. Như vậy, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững giữ vai trò chủ đạo, mang ý nghĩa quyết định đối với sự ổn định đất nước, là cơ sở nền tảng để củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ được Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ.

Ngược lại, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh là nhân tố không thể thiếu để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, thực hiện tiến bộ xã hội.

Cùng với đó, văn hóa luôn giữ vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường sức mạnh quân sự, quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, các chính sách, luật pháp của Nhà nước về lao động, việc làm, tiền lương, giáo dục, y tế, dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội,… luôn được bổ sung, ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn đất nước và quốc tế. Quyền làm chủ, các thiết chế nhằm phát huy dân chủ của nhân dân được Nhà nước bảo đảm ngày càng đầy đủ hơn.

Những hạn chế, tiêu cực trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện… Qua đó, tạo điều kiện nâng cao ý thức công dân, góp phần giữ gìn và bảo vệ cuộc sống bình yên, sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chống lại các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch từ bên trong và bên ngoài, từ sớm, từ xa. Lòng yêu nước, thương nòi, tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó với quê hương, tình làng, nghĩa xóm của mọi người dân được khơi dậy và phát huy, tạo tiền đề vững chắc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh của đất nước.

Như vậy, kết hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và ngược lại trong bảo vệ Tổ quốc là bước phát triển mới về nhận thức; là kết quả tư duy lý luận của Đảng ta và việc nắm bắt xu thế phát triển của thời cuộc, về giải quyết hài hòa, hiệu quả mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Với quan điểm này, bảo vệ Tổ quốc không còn bó hẹp trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh mà được mở rộng hơn; được quán triệt sâu sắc và thực hiện đồng bộ, thống nhất trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội,… Nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh,… phải hướng tới giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, lấy đó là lợi ích quốc gia dân tộc cao nhất, là động lực bảo vệ Tổ quốc.

Cần nhấn mạnh việc kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới rất cao và toàn diện. Bởi vậy, chúng ta phải đặt lên hàng đầu việc nâng cao nhận thức và giải quyết đúng đắn, hài hòa các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với giữ vững sự ổn định chính trị, môi trường hòa bình của đất nước, giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia, tạo lập thế trận quốc phòng, an ninh, “thế trận lòng dân” vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.

Đồng thời, chú ý giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong quá trình kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh nhằm khai thác, phát huy nội lực gắn với tận dụng triệt để các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần đề cao vai trò tích cực, năng động, sáng tạo của các chủ thể trong việc kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh có ý nghĩa rất quan trọng; không thể coi thường hay chủ quan, duy ý chí.

Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, thống nhất, phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, phải đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiệu quả trong thực hiện kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Việc kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh đòi hỏi phải được quán triệt và thực hiện nghiêm túc ở mọi cấp, mọi ngành, từ Trung ương đến địa phương.
Thiếu tướng, PGS.TS, NGDN Nguyễn Bá Dương ( Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự)
Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng: Bài 5
Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng: Bài 5

Báo Tin Tức trân trọng giới thiệu chùm 5 bài viết của các nhà khoa học, làm rõ hơn những điểm mới trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN