Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII: Chuẩn bị cho hội nhập sâu vào thị trường quốc tế

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Cao Sĩ Kiêm (ảnh), nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình về những hạn chế, giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội ổn định và hội nhập sâu mà các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại hội trường trong phiên họp tới.



Thưa ông, ông đánh giá thế nào về sự hồi phục của nền kinh tế nước ta trong những tháng đầu năm 2015?

Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp này đã nêu rõ: Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều thuận lợi nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Nguồn lực cho phát triển còn hạn hẹp.

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Phấn đấu đạt mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng là 6,2%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7 - 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, nền kinh tế nước ta đã có bước chuyển biến, phục hồi; tính ổn định của sự phục hồi ấy được củng cố.
Sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế (tuy chưa đều, nhất là sự tác động của giá xăng dầu…) đã có ảnh hưởng không nhỏ vào nền kinh tế nước ta. Tôi cho rằng đó là những nhân tố có tác động lớn và khác với những năm trước.

Vậy trong sự phục hồi ấy, theo ông nền kinh tế của ta còn những thách thức gì?

Bên cạnh những chuyển biến trên vẫn còn những biểu hiện, bộc lộ tồn tại mới. Đó là sự phát triển không bền vững, chuyển biến không đều ở một số bộ phận và sự phối hợp giữa các chính sách, các ngành với nhau chưa đạt được như mong muốn.

Vẫn còn những tồn tại, bức xúc của xã hội, trong đó có những biểu hiện mới, có cái đã được khắc phục nhưng chưa mạnh mẽ. Ví dụ như an toàn thực phẩm, thủ tục hành chính, sự điều hành ở một số cấp, chính quyền đang cản trở sự phát triển của nền kinh tế cũng như của từng doanh nghiệp. Ngoài ra, những chuyển biến trong triển khai các văn bản dưới luật, các giải pháp cụ thể của Quốc hội đề ra vẫn chậm, biểu hiện rõ ở cơ cấu nền kinh tế, sắp xếp lại hệ thống ra văn bản để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay chưa kịp thời. Nhiều văn bản vừa đưa ra đã phải bổ sung, sửa đi sửa lại nhiều lần, có văn bản bị phản ứng, có văn bản đưa ra chưa đủ hiệu lực thi hành phải thay đổi. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng và yếu tố phục vụ, dẫn đến những giải pháp chưa được tốt.

Một việc nữa là sự chuẩn bị hội nhập sâu vào thị trường quốc tế của chúng ta cũng chưa được như yêu cầu. Năm nay là năm hội nhập, thế nhưng việc ký kết các hợp tác kinh tế với thế giới và khu vực, đặc biệt là cuối năm nay chúng ta trở thành thị trường chung ASEAN, Hiệp định PPP khi được ký kết… nhưng sự chuẩn bị, sự hiểu biết, nhận thức, xây dựng lộ trình chung của các cấp, các ngành, của mỗi doanh nghiệp chuyển biến rất chậm so với những gì chúng ta đã cam kết.

Theo ông, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ về lộ trình hội nhập thế nào?

Hiện nay, các doanh nghiệp chưa nhận thức rõ về nội dung và cả những điều đã cam kết. Doanh nghiệp chưa rõ lộ trình phải làm, việc nào phải làm chung, việc nào làm riêng; đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là vấn đề có liên quan trực tiếp đến hội nhập, đến chính việc làm của người lao động thì họ lại chưa hiểu những nội dung, cách làm cụ thể.

Thưa ông, tại kỳ họp này, dự kiến những vấn đề nào sẽ được đưa ra trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2015?

Nhiều vấn đề rất lớn mà các đại biểu Quốc hội luôn quan tâm, đặc biệt là tính bền vững của nền kinh tế và việc chậm trễ, giải pháp bằng văn bản, trong đó có cả những tiêu cực, tồn tại đã được nêu lên nhiều lần nhưng việc sửa chữa rất chậm như vấn đề thủ tục hành chính, an toàn thực phẩm, những vấn đề nhũng nhiễu, tham nhũng, vấn đề trách nhiệm của cán bộ công quyền và thái độ phục vụ nhân dân trong tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục… Đó là những việc chúng ta cần lưu ý và tất nhiên trong kỳ họp Quốc hội thứ 9 này sẽ đưa ra bàn không chỉ ở tổ mà cả các phiên họp tại hội trường sẽ thảo luận kỹ những vấn đề bức xúc cần giải quyết đối với nền kinh tế để chúng ta có thể hội nhập sâu hơn, tăng trưởng bền vững hơn và những tồn tại đã lưu cữu nhiều năm cũng được giải quyết dần và giải quyết có hiệu quả.

Cử tri cả nước nêu lên thực tế, hiện nay vẫn tồn tại nhiều loại phí và lệ phí, ông có bình luận gì?

Nền kinh tế của chúng ta quá nhiều loại phí, có những loại phí không phù hợp mà thậm chí có loại phí còn gây cản trở sự phát triển, nó làm giảm thu nhập người lao động, làm cho đời sống của doanh nghiệp và người dân khó khăn. Thực tế cho thấy nhiều loại phí không phù hợp cho nên những loại phí và lệ phí có luật quy định phải đảm bảo tính thống nhất và chặn được những biểu hiện tiêu cực, tùy tiện, tự phát trong vấn đề thu phí, loại bỏ những thứ phí vô lý đối với xã hội và người dân. Theo tôi đề xuất của người dân là những đề xuất rất chính đáng.

Quốc hội lần này cần tập trung thảo luận để nêu lên tiếng nói, phản ánh ý kiến của cử tri và nhân dân làm thế nào phải quy định rõ ràng các loại phí và lệ phí để công khai minh bạch trong việc thực hiện và quản lý, giám sát và cơ quan kiểm tra, pháp luật được vào kiểm tra, kiểm soát hiệu quả. Từ đó tạo lòng tin cho nhân dân trong việc xử lý và thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Viết Tôn (thực hiện)
Chất lượng hội nhập ASEAN phụ thuộc việc giải quyết tranh chấp Biển Đông
Chất lượng hội nhập ASEAN phụ thuộc việc giải quyết tranh chấp Biển Đông

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định quá trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang đi đúng hướng, song chất lượng hội nhập phụ thuộc vào nỗ lực của các nước thành viên trong việc giải quyết những vấn đề lớn hiện nay như tranh chấp trên Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN