Di chúc màu xanh!

"Mùa xuân là Tết trồng cây


Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân"


Bác Hồ


Trong cuốn sách "Hồ Chí Minh - Vĩ đại một con Người", Giáo sư Trần Văn Giàu viết: "Con người là tinh anh của thiên nhiên, thiên nhiên như cha mẹ của con người. Nhưng không phải mỗi ai đều biết yêu thiên nhiên, đều biết gắn thiên nhiên với cuộc sống chiến đấu của mình. Cụ Hồ đem hết nghị lực của mình cho đấu tranh xã hội, ấy vậy mà Cụ Hồ vẫn gắn bó với thiên nhiên đằm thắm. Ở Cụ Hồ thiên nhiên là bạn tri âm”.


Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng nói: "Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai người bạn đời luôn cùng sống là con người và thiên nhiên".


Năm 1959 Bác Hồ phát động Tết trồng cây, và từ đó Người thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, động viên phong trào trồng cây cho đất nước xanh tươi.


Nhưng không phải chỉ có mùa xuân, Bác Hồ đã viết: "Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm".


Nhìn những tấm ảnh Bác Hồ trồng cây ở khắp nơi, chúng ta đều thấy ánh mắt trìu mến và vui tươi, thể hiện một tình yêu cây của Bác.


"Vượt trùng dương chát mặn bốn phương trời

Bác thương nhớ từng bụi sim cằn cỗi

Mỗi cành lá quê mình xanh tiếng gọi


Bác trở về đất Mẹ - Bác trồng cây”


Đặc biệt, lúc sinh thời Bác Hồ đã trồng sáu cây đa. Cây đa đầu tiên Bác trồng mở đầu cho Tết trồng cây là ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Và cây đa cuối cùng là ở xã Vật Lại, Ba Vì. Xin kể lại một vài sự tích về những cây đa Bác trồng.


Sáng ngày 31 tháng 1 năm 1965, huyện Đông Anh tổ chức Tết trồng cây ở xã Đông Hội. Nhân dân đi trồng cây rất đông. Trong tiếng trống ếch rộn ràng của các cháu thiếu nhi, các cụ già hăng hái đào hố, đặt cây.


Đúng lúc đó thì Bác Hồ đến thăm! Mọi người chen nhau vòng quanh Bác. Bác vẫy tay cho các cháu thiếu nhi im lặng rồi nói vui:


- Các cụ, các chú trồng mười cây sống cả mười cây thì hơn, hay trồng sáu mươi cây chết cả sáu mươi?


- Thưa Bác, chúng cháu quyết trồng mười cây ăn cả mười ạ.


Bác khen như thế là tốt, rồi Bác xắn quần cùng mọi người đi lên gò. Ở đây, bà con đang đào một cái hố rộng. Mọi người mời Bác cùng các cụ già trồng một cây đa. Bác vui vẻ nhận lời. Xem lại cây đa cẩn thận, đặt cây cho thẳng, rồi Bác cùng mọi người xúc đất tốt đắp vào gốc cây.


Từ đấy, các cụ già làng Đông Hội thay nhau chăm sóc cây đa Bác trồng. Cây đa ngày càng lớn, bà con bảo nhau xây tường gạch bao quanh gò, có đường lên xây bậc rất dễ đi. Giờ đây cây đa lớn đã được 48 năm. Mọi người qua lại vẫn thường ngồi nghỉ dưới bóng mát của cây đa Bác Hồ.


Tết Kỷ Dậu 1969 - Cái Tết cuối cùng của Bác.


Hồi này sức khỏe của Bác đã yếu hơn trước. Bác sĩ dặn dò cần tránh để Bác đi lại nhiều. Gần Tết, Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ:


- Chú Kỳ, Tết này các chú đã chuẩn bị cho Bác đi thăm những đâu?


Rồi Bác bỗng hỏi thêm:


- Chú có nhớ Bác phát động Tết trồng cây năm nay là năm thứ mấy rồi không?
- Thưa Bác, năm thứ mười ạ.

- Đúng! Nhân dịp kỷ niệm mười năm Tết trồng cây, chú bố trí cho Bác đi trồng cây ở một địa phương có thành tích.


Rồi Bác nói tiếp:


- Chắc chú còn nhớ cách đây năm, sáu năm, khi đi thăm xã trồng cây khá nhất, chúng mình có ghé nghỉ ở gần Trung Hà. Nhìn phía đồi trọc trước mắt. Bác có dặn đồng chí bí thư và chủ tịch Hà Tây là cần động viên các cụ trồng cây. Bây giờ, nơi đó thành một đồi cây đẹp rồi! Cho nên Tết này ta phải đến thăm và chúc Tết đồng bào.


Nơi đó chính là xã Vật Lại, huyện Ba Vì.


Đồng chí Vũ Kỳ kể:


- Nhắc đến đó, tôi đã thấy lo lo vì đường sá hơi xa. Không ngờ Bác lại nói thêm, muốn vào thăm trại chăn nuôi của chú Hồ Giáo, thăm các cháu miền Nam, trường Nguyễn Văn Trỗi và một hợp tác xã nông nghiệp giỏi nữa. Sau đó, chúng tôi phải sang nhờ Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói hộ với Bác, và thế là Tết năm ấy Bác đã đi thăm bộ đội phòng không, không quân, rồi trưa về thăm xã Vật Lại.


Đến Vật Lại, chào hỏi bà con xong, Bác lên ngay trên đồi trồng một cây đa. Trước khi trồng, Bác hỏi đồng chí bí thư đảng ủy:


- Cây đa này có rễ không chú?

- Thưa Bác có rễ chứ ạ!


Chúng tôi chưa hiểu vì sao Bác lại hỏi thế, thì Bác đã giải thích luôn, có lần Bác cũng đi trồng cây thế này, nhưng các đồng chí ấy không chuẩn bị trước, nên chặt luôn một cành cây to cắm xuống, rồi mời Bác xúc đất trồng cây.


Nghe xong, Bác cháu đều cười vui vẻ!


Ngày nay cây đa cuối cùng Bác trồng ở Vật Lại đã hơn bốn mươi năm, cũng là hơn bốn mươi năm Bác đã đi xa! Cây Đa Vật Lại giờ đã to lớn, rễ phụ chằng chịt với hàng chục cành lớn, vươn cao tỏa bóng xanh tốt quanh năm. Mùa xuân này, khách du lịch từ bốn phương về thăm vùng đất cổ Ba Vì, ai cũng muốn dừng chân tại Đồi cây Bác Hồ, để tận hưởng bóng mát của Người.


Ngồi dưới bóng cây đa lớn Bác trồng, lại nhớ đến những câu thơ của Bác đã viết về Tết trồng cây:


“Muốn làm nhà cửa tốt

Phải ra sức trồng cây

Chúng ta chuẩn bị từ rày

Dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”

Hình ảnh Bác Hồ - Người trồng cây vĩ đại đã là đề tài cho biết bao nhà thơ viết về Bác. Và trên đất nước ta đã có biết bao những cây đa xanh và những loài cây khác tỏa bóng theo lời kêu gọi trồng cây của Người. Thiên nhiên là người mẹ, là cái nôi xanh của sự sống và con người khôn ngoan phải biết gìn giữ thiên nhiên, biết sống hòa hợp với thiên nhiên. Những năm gần đây, lũ ống, lũ quét, lở đất... cùng nhiều nguy cơ tiềm ẩn của thiên tai, đều có nguyên nhân do nạn phá rừng nghiêm trọng của chính chúng ta. Tình yêu thiên nhiên là một trong những tình cảm lớn của con người và yêu nước là phải yêu chính những cánh rừng xanh của Tổ quốc!
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng Người đã để lại cho chúng ta bao thế hệ người, bao thế hệ cây, như nhiều nhà thơ đã viết:


“Trong công cuộc gieo trồng vĩ đại
Bác để lại cho chúng ta
Bao thế hệ người, bao thế hệ cây
Cho mùa Xuân tô điểm nước non này!”

“Bác để lại đây Di Chúc màu xanh
Mà rễ đã ăn sâu vào lòng đất
Bao thế hệ đi qua trong vòm bóng mát
Cho lẽ sống của Người thấm mãi trong ta”

“Tết trồng cây đem lại những Mùa Xuân
Tầng đá ong cũng thấy mình trẻ lại
Thấy cây mọc lại nhớ lời Bác dạy
Thấy màu xanh lại nhớ Bác khôn nguôi!”



Bùi Hải Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN