Đầu xuân nói chuyện chống tham nhũng

Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn chia sẻ về chủ đề "nóng" hiện nay - chống tham nhũng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao giải A cho các tác giả tại Lễ trao giải báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Mùa Xuân là mùa khởi đầu một năm mới, mùa của đất trời giao hòa cùng chung nhịp đập phát triển đất nước. Nhân dịp xuân mới Mậu Tuất, chào mừng kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2018), phóng viên TTXVN có cuộc trò chuyện về chống tham nhũng - chủ đề “nóng” hiện nay với Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam, Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn, người vừa giành giải A Giải báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.


Gần đây, làng báo và nhiều người dân khá quan tâm đến loạt bài “Chống được “chạy” sẽ thành công” vừa đạt giải A Giải báo chí toàn quốc về phòng chống tham nhũng của ông. Bởi lẽ loạt bài nói trúng một trong những vấn đề lớn của đất nước hiện nay. Ông có thể chia sẻ thêm về loạt bài viết này với công chúng?


Tôi theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhận thấy hoạt động của Đảng thời gian gần đây thấy trên các diễn đàn, đặc biệt là đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rất nhiều về suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và coi đây là “giặc nội xâm”.


Trước đây Việt Nam xác định tham nhũng là quốc nạn và đã có Pháp lệnh phòng chống tham nhũng (năm 1998), Luật phòng chống tham nhũng (năm 2005); áp dụng nhiều biện pháp tích cực nhằm phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Nhưng thực tế đáng buồn là càng chống, tham nhũng lại càng phát triển. Nghiêm trọng đến mức Đảng ta đã phải thừa nhận ngay trong Đảng có một bộ phận không nhỏ đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”- biểu hiện tịnh tiến của việc tham nhũng. Nguyên nhân của tình trạng trên được chỉ rõ là do những việc làm “đánh trống bỏ dùi”, “nói một đằng làm một nẻo”, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”...


Do đó, tôi thực hiện loạt 8 bài viết chủ đề “Chống được “chạy” sẽ thành công” nhằm hệ thống, nhận diện lại và suy nghĩ thêm về những điều mà ít người, ít báo nói đến. Tôi mong muốn, qua loạt bài này sẽ góp thêm tiếng nói cùng đồng nghiệp, giới báo chí triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, đạo dức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.


Liệu ông có tiếp tục bám sát những vấn đề “nóng” của Đảng, Nhà nước và cho ra những sản phẩm báo chí mới?


Hiện nay, trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng, những trái tim yêu nước luôn đập theo dòng chảy của thời cuộc. Tuy nhiên, dư luận xã hội hiện có nhiều chiều, nhiều hướng phức tạp. Một bộ phận lớn người dân tin tưởng, hưởng ứng, tham gia và mong muốn công cuộc phòng, chống tham nhũng thành công. Một bộ phận lại tỏ ra không tin tưởng, thậm chí có người đã chuẩn bị, vun vén cho cuộc sống cá nhân với suy nghĩ lỡ may có gì đó thay đổi...


Bởi vậy, sau khi hoàn thành loạt 8 bài về “chạy”, tôi đã viết tiếp loạt 5 bài về chống “giặc nội xâm” và đặt tên là “Binh pháp” chống “giặc nội xâm”. Trong loạt bài này, tôi nêu rõ phải nhận thức đúng về “giặc nội xâm”, xoáy vào tính chất cam go, khốc liệt của cuộc chiến ấy. Bên cạnh đó, loạt bài cũng đưa ra gợi ý rằng việc xử lý tham nhũng phải được đầu tư, thực hiện có đường lối, nguyên tắc, kết hợp yêu cầu chính trị và pháp luật, đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Loạt 5 bài này vừa mới được giới thiệu trên tạp chí Người Làm Báo, báo Nhà báo & Công luận… cuối tháng 1/2018.


Vừa rồi, tôi cũng đã viết tiếp một bài trong đó đặt dấu hỏi rằng phải chăng trong Đảng có sự thanh trừng? Thực tế hoàn toàn không có chuyện này nhưng một số người lại nghe luận điệu của các thế lực thù địch hay nhận thức không đến nơi đến chốn nên nảy sinh tâm lý nghi ngờ.


Cuộc chiến chống “giặc nội xâm” nhằm vào bất cứ ai có hành vi tham nhũng, suy thoái. Trong cuộc chiến này, đấu tranh phải tập trung loại bỏ những kẻ cơ hội, tham nhũng, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì Đảng mới mạnh lên được. Nhận thức được điều đó, là một nhà báo, tôi thấy cần phải viết, phân tích, góp phần định hướng thông tin sai lệch, sát cánh cùng toàn Đảng, toàn dân trong cuộc chiến đầy cam go này.


Với những sản phẩm báo chí như vậy, ông kỳ vọng những gì?


Tôi thấy trong nhiều nghị quyết của Đảng có những nguyên tắc cơ bản, vấn đề cốt lõi trong phòng chống tham nhũng nhưng nếu mình chỉ nói theo nghị quyết thì sẽ khô cứng, hạn chế hiệu quả tuyên truyền, chuyển tải nội dung nghị quyết của Đảng đến các đối tượng. Nếu nhìn nhận trong thực tiễn, phân tích sâu, nhận diện cụ thể hơn sẽ làm nghị quyết sinh động hơn.


Do đó, tôi kì vọng những tư tưởng trong nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ được truyền tải cho người đọc một cách sinh động, dễ hiểu. Hy vọng những nỗ lực của mình góp thêm tiếng nói cùng với giới báo chí triển khai hiệu quả các nghị quyết của Đảng trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.


Trong cả 2 loạt bài của ông, dường như vai trò của báo chí, truyền thông với công tác phòng chống, tham nhũng là rất quan trọng?


Phòng chống tham nhũng có 3 trụ cột, đó là: Nhân dân (trong đó Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt để hội tụ và phát huy sức mạnh của nhân dân); báo chí, truyền thông và các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật.


Để cổ vũ, động viên, phát động thành phong trào chống tham nhũng, chống “giặc nội xâm” thì vai trò của báo chí truyền thông là rất quan trọng. Báo chí tuyên truyền, chuyển tải được nội dung tư tưởng nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư vào đời sống; tạo ra sức nóng để xã hội hưởng ứng, tích cực phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng; định hướng bằng những niềm tin để toàn dân, các ngành các cấp đồng thuận trong hoạt động phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, gần đây sự phát triển của công nghệ truyền thông, mạng xã hội cũng mang lại nhiều mặt tích cực, giúp công khai, minh bạch thông tin, đo lường lòng dân, thực hiện tốt dân chủ hóa…


Chính vì vậy báo chí, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội giúp cho Đảng, Nhà nước có kênh tham khảo, đưa ra quyết sách để cuộc chiến chống nội xâm đi đúng hướng.


Theo ông, các nhà báo cần làm gì để thể hiện vai trò này?


Theo tôi, để thực hiện tốt vai trò của mình, các nhà báo cần thực hiện tốt 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Riêng trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng, nhà báo cần có bản lĩnh vững vàng, đạo đức trong sáng không bị chi phối bởi quyền lực, tiền bạc, tình cảm. Khi tác nghiệp, viết bài, nhà báo cần phản ánh trung thực, khách quan, đồng thời tích cực lên án mạnh mẽ hành vi tham nhũng.


Cuộc chiến chống tham nhũng chưa bao giờ hết cam go, phức tạp, nhà báo đã dấn thân vào mặt trận này đồng nghĩa với việc chấp nhận nhiều rủi ro. Do đó, bên cạnh đạo đức trong sáng, bản lĩnh vững vàng, nhà báo cũng nên trang bị những kỹ năng tự bảo vệ bản thân.


Tôi mong muốn giới báo chí và các nhà báo tự chống tiêu cực từ trong bản thân mình. Nếu không cơ hội, không trục lợi, không tham nhũng, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì việc đấu tranh trong phòng chống tham nhũng mới hiệu quả.


Hiện nay, Đảng, Nhà nước đang mạnh tay trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Trong năm mới Mậu Tuất, với tư cách người cầm bút, ông sẽ thể hiện vấn đề gì trên mặt báo, ngoài “chạy” và chống “giặc nội xâm?


Thực ra 2 loạt bài trên vẫn được coi là đường nét, đi sâu vào phân tích tôi còn viết được sâu hơn. Tôi đang có ý định lựa chọn nội dung chủ yếu trong 2 loạt bài đó là vấn đề cán bộ và thực thi dân chủ để viết sâu hơn.


Tôi cho rằng ngôi nhà chủ nghĩa xã hội được hình thành trên cơ sở xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là con đường đúng nhưng thiết kế chưa kỹ, giám sát và thi công chưa tốt. Bởi vậy, nhà chưa xây song đã có nguy cơ sụt lún, có rất nhiều lỗi về đường nước, đường điện, cảnh quan môi trường… Tất cả những câu chuyện này bắt nguồn từ sự chủ quan, giáo điều và ngày càng trở thành căn bệnh nan y chính là suy thoái đạo đức, lối sống, suy thoái tư tưởng, tham nhũng và dần chuyển sang hướng thành tự diễn biến, tự chuyển hóa. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là công tác cán bộ.


Do đó, tôi đang nung nấu viết tiếp về vấn đề này để đưa ra giải pháp gắn với Nghị quyết Trung ương 6 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...


Xin chân thành cảm ơn ông!


Mỹ Bình/TTXVN (thực hiện)
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng

Ngày 22/01/2018, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên toàn thể thứ 13 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2017; cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN