01:15 24/01/2017

Chính thức xây căn cứ hải quân ở Syria, 11 tàu chiến Nga sẽ xuất hiện ở cảng Tartus

Nga và Syria đã ký kết một thỏa thuận cải thiện cơ sở hải quân ở Tartus thành một căn cứ hải quân chính thức, nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của Damascus.

 Tuần dương hạm hạt nhân hạng nặng "Peter Đại đế".

Moskva và Damascus đã ký thỏa thuận có hiệu lực thi hành trong 49 năm nhằm hiện đại hóa cơ sở quân sự ở cảng Tartus của Syria. Sau 49 năm, thỏa thuận sẽ được tự động kéo dài thêm 25 năm trừ khi một bên thông báo có bất cứ thay đổi nào với bên kia trước một năm.

Theo RT, số lượng tối đa tàu chiến Nga được phép xuất hiện ở căn cứ hải quân cảng Tartus là 11 chiếc bao gồm các tàu chiến hạt nhân, với điều kiện là các quy định an ninh sinh thái và hạt nhân được giám sát. RT cho hay theo thỏa thuận được ký kết hôm 18/1 nhưng ngày 20/1 mới được công bố, các tàu chiến Nga sẽ được phép tiến vào cảng Tartus sau khi cơ quan chức năng Syria được thông báo và không quá 12 giờ xử lý.


Ngoài ra, Nga còn được phép đưa mọi loại "vũ khí, đạn dược, thiết bị và vật liệu" hỗ trợ an ninh cho cơ sở hải quân, thủy thủ đoàn và gia đình họ sinh sống trên lãnh thổ Cộng hòa Ả rập Syria "mà không phải đóng thuế". Nga cũng được phép sử dụng miễn phí căn cứ không quân Khmeimim ở tỉnh Latakia của Syria.


Cơ sở quân sự ở Tartus được Chính quyền Liên Xô xây dựng năm 1977, và là cơ sở hải quân duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải.


Trụ cột ảnh hưởng của Nga ở Địa Trung Hải

Cho tới gần đây, cơ sở quân sự ở Tartus không có gì ngoài một phao nổi để sửa chữa tàu thô sơ. Theo thỏa thuận mới trên, Nga sẽ xây dựng căn cứ quân sự chính thức ở Tartus và có quyền triển khai tới 11 tàu ở khu vực.


“Chúng tôi đang bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng lớn của quân đội – một cầu cảng, các doanh trại, trụ sở chính, kho lưu trữ đạn dược, vv”, Đại tá về hưu Mikhail Khodorenok, quan sát viên quân sự Nga trả lời cổng thông tin trực tuyến Gazeta.ru. Ông Khodorenok cho rằng sẽ mất 2-3 năm để xây dựng căn cứ này. 


Số lượng quân nhân đóng quân ở đây sẽ phụ thuộc vào số lượng các tàu triển khai tại Tartus, và không chắc 11 tàu sẽ được triển khai tới khu vực cùng thời điểm. Thay vào đó, nhiều khả năng khoảng 5 tàu sẽ neo đậu ở Tartus thường xuyên, trong khi các tàu thăm sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào.


“Những con tàu này là một phần của đội tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov sẽ đóng tại căn cứ này, và nhiều khả năng đây sẽ là những con tàu từ Biển Đen và Hạm đội phương Bắc – những con tàu chống ngầm, tuần tra, đổ bộ lớn”, Giáo sư Vadim Kozyulin thuộc Học viện khoa học quân sự Nga, nói.


“Tartus là một trong những trụ cột ảnh hưởng của Nga ở Địa Trung Hải, và không ai biết các sự kiện này sẽ phát triển thế nào ở Trung Đông, trên thế giới, và ở Nga trong tương lai”, Gevorg Mirzayan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga nhận định. “Nga cần hiện diện không chỉ ở Biển Đen, nơi NATO có thể đóng cửa bất cứ lúc nào, mà còn ở vùng biển Địa Trung Hải”.


Theo trang mạng RBTH, các chuyên gia cho rằng Moskva đã giành quyền xây dựng căn cứ hải quân ở Tartus như một khoản thù lao từ Damascus vì sự tham gia của Moskva trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.


Đề cập tới Dasmascus, Giáo sư Mirzayan cho hay Nga là nền tảng an ninh của Syria bởi các nước láng giềng vẫn muốn làm suy yếu Damascus. “Syria cần Nga để làm đối trọng với Iran bởi Tehran sẽ muốn có đòn bẩy và gây áp lực lên Syria”, ông Mirzayan giải thích. “Đây là lý do tại sao Damascus quan tâm đến sự hiện diện mạnh mẽ của chúng tôi (Nga) trong khu vực. Đối với (Tổng thống Syria) Bashar al-Assad, điều này đồng nghĩa với một khoản đầu tư dài hạn trong tương lai và khả năng để có được một đồng minh mạnh mẽ trong nhiều năm tới”.


Trần Minh (Theo RT, RBTH)