07:09 06/07/2012

Chính sách tháo gỡ cho doanh nghiệp đã đi vào cuộc sống

Ngày 5/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã trả lời báo giới nhiều câu hỏi về tình hình cân đối ngân sách trước số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm đạt thấp; tình hình triển khai Nghị quyết số 13/NQ-CP; công tác điều hành giá điện, xăng dầu...

Ngày 5/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn (ảnh) đã trả lời báo giới nhiều câu hỏi về tình hình cân đối ngân sách trước số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm đạt thấp; tình hình triển khai Nghị quyết số 13/NQ-CP; công tác điều hành giá điện, xăng dầu thời gian qua; việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp...

 

´Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào sau một thời gian thực hiện Nghị quyết số 13/NQ - CP của Chính phủ về một số giải pháp của Bộ Tài chính trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN)?


Thông tư số 83 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất kinh doanh. Theo đó, gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2012 đối với các DN đang thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuộc các đối tượng DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động. Tôi cho rằng đây là sự chia sẻ tích cực của Nhà nước bởi như vậy, DN sẽ có khoản tín dụng thuế với lãi suất 0% trong 6 tháng và đỡ phải đi vay vốn với lãi suất 16%, 18% hay 20%.


Qua 2 tháng thực hiện, tháng 4/2012 đã có 60.000 DN được giữ lại số tiền thuế GTGT đáng lẽ phải nộp ngay là 3.000 tỷ đồng; trong tháng 5/2012, tổng số DN đã báo cáo cơ quan thuế là 75.000 DN với tổng số tiền thuế được tạm thời giữ lại là 3.800 tỷ đồng. Như vậy chính sách đã vào cuộc sống và tôi tin rằng trong tháng 6/2012, tổng số DN là 80.000 - 82.000 DN được hỗ trợ thuế.


Nhóm giải pháp thứ 2 là DN nợ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ năm 2011 về trước được chậm nộp 9 tháng nữa để tạo vốn kinh doanh tạm thời; giảm tiền thuê đất với đối tượng kinh doanh dịch vụ năm 2012; giãn tối đa 12 tháng đối với DN khó khăn về thu sử dụng đất, thời điểm giãn tính từ ngày 10/5. Đây là giải pháp tình thế có hiệu quả ngay cho bất động sản vì ngành này liên quan tới hàng trăm mặt hàng khác nhau như: gạch ngói, xi măng, cát sỏi, không chỉ giải quyết được vấn đề nhà ở mà còn giải phóng hàng tồn kho.


´Có ý kiến cho rằng: Điểm hạn chế lớn nhất của Nghị quyết 13 là nguồn tài chính hỗ trợ cho tổng cầu vẫn còn khá khiêm tốn. Quan điểm của ông về vấn đề này?


Gói giải pháp hỗ trợ DN được ví là nhỏ so với nhu cầu thực tại nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận về khả năng của nền kinh tế. Tiền thuế giảm là tiền thuế của người dân và làm sao vẫn hài hòa, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.


´Bộ Tài chính sẽ có định hướng giải quyết ra sao trước tình trạng nợ đọng thuế của các DN trong 6 tháng đầu năm tăng ở mức cao?


Tổng số nợ thuế của các DN sau 6 tháng đầu năm lên tới hơn 40.000 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với cuối năm 2011. Để chống thất thu, Bộ Tài chính đang khẩn trương triển khai các giải pháp ưu đãi thuế theo nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội. Với 8 nhóm giải pháp của 2 nghị quyết, tổng số tiền doanh nghiệp được miễn, giảm, giãn là 36.000 tỷ đồng. Riêng số thuế GTGT được giãn là hơn 12.000 tỷ đồng với trên 80.000 DN được hưởng, tính đến hết tháng 6.


´Quan điểm của Bộ Tài chính về việc giá điện tăng 5% kể từ ngày 1/7?


Về việc điều chỉnh giá điện vừa qua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với mức tăng giá 5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước sẽ bị đội lên khoảng 0,369%. Tuy nhiên, về quy trình tăng giá, mức tăng chỉ là 5% nên vấn đề này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của EVN và Bộ Công Thương.


Minh Phương