06:03 26/06/2019

Chính sách Palestine của Tổng thống Trump: 'Nhiều gậy ít cà rốt'

Giới chuyên gia đánh giá chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến những vấn đề nhạy cảm trong cuộc xung đột Israel-Palestine là “nhiều gậy, ít cà rốt”.

Chú thích ảnh
Người biểu tình Palestine trong tháng 5/2018 phản đối Mỹ chuyển đại sứ quán đến Jerusalem. Ảnh: Reuters

Ngày 25/6, Mỹ bảo trợ việc tổ chức hội thảo kinh tế mang tên “Hòa bình vì Thịnh vượng” tại Bahrain với mục đích chính là giới thiệu về các lợi ích kinh tế mà một thỏa thuận hòa bình có thể đem lại.

Tuy nhiên, các quan chức Palestine đã tẩy chay hội thảo với quan điểm rằng sự kiện này chỉ nghiêng về Israel và không mấy tập trung vào thỏa thuận hòa bình.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đã tổng hợp lại những bước đi của Tổng thống Trump trong chính sách Mỹ áp dụng với vấn đề Palestine-Israel kể từ khi ông bước vào Nhà Trắng.

Tháng 2/2017, Tổng thống Trump từ chối tiết lộ chi tiết về giải pháp của ông đối với xung đột Israel-Palestine. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 15/2, Tổng thống Trump bày tỏ: “Tôi đang xem xét giải pháp hai nhà nước, một nhà nước và bản thân tôi nghiêng về hướng rằng cả hai phía đều chung sống hòa bình”.

Song kể từ đó, Tổng thống Trump và đội ngũ chuyên về chính sách với Trung Đông của ông tỏ ra không mặn mà với “giải pháp hai nhà nước”. Giải pháp hai nhà nước hướng tới mục tiêu cả Israel và Palestine cùng chia sẻ vùng đất thánh Jerusalem. Hơn 20 năm qua, đã có nhiều đối thoại hòa bình liên quan đến giải pháp này, song mọi chuyện dường như không có nhiều tiến triển.

Sau cuộc chiến tranh năm 1967, Israel quản lý diện tích tại Dải Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem. Sau cuộc nổi dậy của người Palestine năm 1987, đến năm 1993, phái đoàn của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Chính phủ Israel đàm phán bí mật tại Oslo (Na Uy) với kết quả Palestine được tự trị “có hạn chế”. Tuy nhiên, từ đó đến nay cả hai phía đã không thể giải quyết bất đồng để cùng đi đến kịch bản hình thành Nhà nước Palestine.

Ngày 6/12/2017, Tổng thống Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Reuters đánh giá điều này đồng nghĩa với việc ông thay đổi chính sách tồn tại nhiều thập niên của Mỹ về vấn đề Israel-Palestine. Đã có nhiều đồng minh phương Tây của Mỹ không đồng tình với động thái này.
Nhưng không dừng lại ở đó, Tổng thống Trump còn quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tháng 1/2018, Chính quyền Tổng thống Trump cắt giảm viện trợ dành cho UNRWA – cơ quan của Liên hợp quốc tập trung vào người tị nạn Palestine. UNRWA thường hỗ trợ cho khoảng 5 triệu người Palestine tị nạn tại Jordan, Lebanon, Syria, Bờ Đông, Bờ Tây và Dải Gaza.

Bảy tháng sau đó, Mỹ ngưng viện trợ tài chính cho UNRWA vốn ở mức 300 triệu USD/năm, đồng thời cắt hàng trăm triệu USD viện trợ các cơ quan nhân đạo, bệnh viện có liên quan tới Palestine.

Ngày 14/5/2018, Đại sứ quán Mỹ tại Israel chính thức di dời đến Jerusalem. Nhiều người dân Palestine đã biểu tình phản đối diễn biến này tại biên giới Israel-Dải Gaza. Binh sĩ Israel đã bắn hàng chục người Palestine tử vong.

Ngày 10/9/2018, Chính quyền Tổng thống Trump thông báo đóng cửa văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine tại Washington D.C với lý do cơ quan này tìm cách chống lại Israel qua Tòa án Hình sự Quốc tế.

Ngày 4/3/2019, Lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem – kênh ngoại giao giữa Washington với Palestine - sáp nhập với Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem.

Ngày 25/3/2019, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố coi Tel Aviv có chủ quyền với Cao nguyên Golan nơi Israel chiếm của Syria từ năm 1967. Palestine tiếp tục đánh giá động thái này của Tổng thống Trump là ủng hộ cho Israel.

Ngày 19/5/2019, Nhà Trắng tuyên bố tổ chức hội thảo “Hòa bình vì thịnh vượng” tại Bahrain từ 25-26/6 để khuyến khích đầu tư vào Palestine. Nhà Trắng coi sự kiện này là bước khởi đầu trong “thỏa thuận thế kỷ” của Tổng thống Trump. Vậy nhưng Palestine tuyên bố sẽ không tham dự sự kiện.

Đội ngũ chuyên về chính sách với Trung Đông của Tổng thống Trump hé lộ rằng các yếu tố chính trị trong thỏa thuận hòa bình có thể được công bố sau cuộc bầu cử vòng 2 của Israel vào tháng 9.

Ngày 22/6/2019, trước thềm hội thảo tổ chức tại Bahrain, con rể của Tổng thống Trump – cố vấn Jared Kushner, vốn là thành viên thuộc đội ngũ chuyên về chính sách với Trung Đông - đã hé lộ chi tiết nội dung kinh tế thuộc kế hoạch hòa bình của ông chủ Nhà Trắng. Trong đó là 50 tỷ USD quỹ đầu tư toàn cầu để thúc đẩy phát triển kinh tế Palestine và xây dựng hành lang giao thông trị giá 5 tỷ USD nối Bờ Tây và Dải Gaza.

Hà Linh/Báo Tin tức