11:06 09/11/2018

Chính sách đối ngoại Mỹ thay đổi ra sao khi đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện?

Khi nắm đa số ghế tại Hạ viện, đảng Dân chủ chắc chắn đứng ở vị trí có thể tác động tới chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump.

Chú thích ảnh
Một phiên họp của Hạ viện Mỹ. Ảnh: aoc.gov

Nghị sĩ đảng Dân chủ Eliot Engel tại Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Mỹ nói với hãng thông tấn Reuters (Anh) rằng “những chú lừa” có thể thúc đẩy đề xuất sử dụng lực lượng vũ trang tại Iraq và Syria. Nhưng ông Eliot Engel thừa nhận ở những khu vực như Iran và Trung Quốc thì đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện khó có thể tác động thay đổi.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ngày 6/11, lần đầu tiên kể từ năm 2011, đảng Dân chủ đã nắm quyền kiểm soát Hạ viện 435 ghế. Do vẫn phải phối hợp với Thượng viện do đảng Cộng hòa là phe đa số để thông qua các dự luật, ảnh hưởng lớn nhất mà đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện tạo ra là giám sát, yêu cầu điều trần và đề nghị nhân chứng ra hầu tòa bởi “những chú voi” khi này tiếp quản các ủy ban đối ngoại, quân vụ và tình báo.

Quan điểm của đảng Dân chủ về Nga

Theo hãng thông tấn Reuters, về khía cạnh chính trị, Hạ viện do đảng Dân chủ dẫn đầu sẽ khuyến khích trừng phạt Nga do cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, sáp nhập bán đảo Crimea và điều quân hỗ trợ chính phủ Syria chống khủng bố.

Nhiều khả năng Hạ viện sẽ yêu cầu thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Các thành viên đảng Dân chủ còn cam kết cứng rắn để thu thập thêm thông tin về cuộc gặp diễn ra vào mùa hè năm 2017 giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Nhà Trắng đã công bố khá “nhỏ giọt” chi tiết về sự kiện này.

Về vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi

Các nghị sĩ Mỹ đã bất bình với Saudi Arabia về lùm xùm xung quanh cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 2/10. Bên cạnh đó là việc Saudi Arabia đưa quân đến Yemen từ năm 2015. Đến nay Yemen đang lâm vào khủng hoảng nhân đạo với hàng nghìn người dân thường thiệt mạng trong khi trẻ em phải chịu nỗi thống khổ vì nạn đói.

Chú thích ảnh
Giải thích của Saudi Arabia về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi chưa khiến Mỹ hài lòng. Ảnh: Sky News

Hạ viện do đảng Dân chủ dẫn đầu có khả năng sẽ bỏ phiếu ngừng thương vụ bán vũ khí trị giá nhiều tỷ USD cho Saudi Arabia.

Nghị sĩ Eliot Engel đánh giá Saudi Arabia vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ trong đối trọng với tầm ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông nhưng Washington cần yêu cầu nhiều hơn từ Riyadh. Ông Engel nói: “Nếu Saudi Arabia muốn nhận được hỗ trợ từ chúng ta thì họ phải giải quyết được một số vấn đề gây lo ngại cho chúng ta”.

Hòa bình với Triều Tiên?

Các thành viên đảng Dân chủ cho biết họ muốn nhận thêm thông tin về cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompep với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bởi lo ngại rằng nhà lãnh đạo Mỹ có thể nôn nóng tạo “thỏa thuận tuyệt vời” với nhiều ưu đãi cho Bình Nhưỡng.

Nghị sĩ Engel nói: “Tôi cho rằng thật tốt khi có đối thoại với Triều Tiên. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá tin rằng họ sẽ có thay đổi lớn”.

Đường hướng chính sách đối với Trung Quốc

Các chuyên gia cho rằng Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát sẽ không tạo ra thay đổi đáng kể nào trong chính sách đối với Trung Quốc.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Adam Schiff, người dự kiến sẽ đứng đầu Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã đứng về phía đảng Cộng hòa coi các công ty viễn thông, điện thoại Trung Quốc như ZTE và Huawei là đe dọa an ninh công nghệ.

Chú thích ảnh
Container tại cảng Long Beach, bang California (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Nhưng nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ lại ghi nhận vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết với Triều Tiên.

Giống như đảng Cộng hòa, nội bộ đảng Dân chủ cũng khá chia rẽ ý kiến về chiến tranh thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc. Nhiều nghị sĩ cho rằng tự do thương mại là nguồn tạo ra việc làm trong khi các chính khách khác lại ủng hộ tăng thuế để bảo vệ người lao động ở những ngành sản xuất.

Liệu đảng Dân chủ có thể khôi phục thỏa thuận Iran?

Đảng Dân chủ đã rất bất bình với quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama đã đạt được năm 2015. Tuy nhiên, vẫn ít có khả năng họ sẽ thay đổi được chính sách này khi đảng Cộng hòa vẫn nắm kiểm soát Thượng viện.

Ngoài ra, các nhà lập pháp Mỹ vẫn cẩn trọng trong việc thân thiện với Iran bởi Israel không hề hài lòng với viễn cảnh này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hợp tác chặt chẽ với đảng Cộng hòa và mối quan hệ gắn kết với Tel Aviv vẫn là ưu tiên của cả đảng Cộng hòa cũng như Dân chủ.

Hà Linh/ Báo Tin tức