01:10 21/01/2011

Chính sách đối ngoại của B. Obama sau hai năm cầm quyền

Nhân dịp kỷ niệm 2 năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama, Tiến sỹ Robin Niblett, Giám đốc Viện Hoàng gia Nghiên cứu các vấn đề quốc tế (RIIA Chatham), có bài viết đăng trên trang tin của viện này đánh giá về những thành công và thất bại trong chính sách đối ngoại dưới thời ông Obama trong hai năm qua...

Nhân dịp kỷ niệm 2 năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama, Tiến sỹ Robin Niblett, Giám đốc Viện Hoàng gia Nghiên cứu các vấn đề quốc tế (RIIA Chatham), có bài viết đăng trên trang tin của viện này đánh giá về những thành công và thất bại trong chính sách đối ngoại dưới thời ông Obama trong hai năm qua, đồng thời đưa ra nhận định về triển vọng chính sách đối ngoại trong 2 năm còn lại của ông chủ Nhà Trắng.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đang ở thăm Mỹ đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Theo ông R. Niblett, rất khó có thể đưa ra đánh giá về chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ. Sẽ là không hợp lý nếu như chỉ liệt kê những thành công và thất bại dưới thời chính quyền này bởi rất nhiều trong số các sáng kiến quốc tế của chính quyền Obama vẫn còn đang trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, hai năm cầm quyền đầu tiên của Obama có thể rút ra hai bài học sâu sắc trong lĩnh vực đối ngoại như sau:

Thứ nhất, chính quyền Obama đã không thể tái khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trên trường quốc tế. Các cuộc đàm phán về thương mại thế giới, biến đổi khí hậu, điều hành kinh tế và tài chính sau khủng hoảng hầu hết đều không theo chương trình nghị sự của chính quyền Obama hoặc là vẫn chưa tiến triển gì.

Trong khi đó, việc Ixraen không sẵn lòng ủng hộ một sự nhượng bộ không điều kiện, dù là nhỏ nhất, trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình bền vững với Palextin đã hủy hoại cách tiếp cận của ông Obama đối với thế giới Arập, như đã được đề cập thông qua bài phát biểu tại Cairô tháng 6/2009. Và sự kháng cự dai dẳng của Taliban đối với chiến dịch tăng quân của Mỹ tại Ápganixtan trong năm 2010 một lần nữa nhắc nhở thế giới về những hạn chế trong sức mạnh quân sự của Mỹ.

Đồng thời, cảm giác về sự suy tàn chính trị của Mỹ đã không được ngăn chặn trong hai năm qua. Trung Quốc đã ngày càng "khẳng định mình" trong môi trường láng giềng, cũng như trên vũ đài kinh tế quốc tế trong nửa cuối năm 2010 với việc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuần này kêu gọi có một hệ thống tiền tệ quốc tế ít phụ thuộc hơn vào đồng USD.


Cuộc cạnh tranh giành vị thế lãnh đạo thế giới cũng đã bắt đầu nổi lên khi mà các cường quốc khác - chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ và Braxin - đã thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ tại khu vực của mình cũng như vị thế lãnh đạo của Mỹ trong nghị trình không phổ biến vũ khí.

Bài học thứ hai mang tính tích cực hơn là sự thành công của chính quyền Obama trong việc tái kết nối nước Mỹ với thế giới ngoài Trung Đông và Pakixtan. Cách tiếp cận này, bao gồm hàng loạt chuyến thăm cao cấp tới châu Âu, Nga, Mỹ Latinh và đặc biệt là châu Á trong hai năm qua. Về tổng thể, Tổng thống Obama đã nâng mức can dự của Mỹ trên toàn cầu, một sự can dự có thể là rất quan trọng nếu xảy ra các cuộc khủng hoảng mới.

Vậy triển vọng chính sách đối ngoại trong hai năm tới của ông Obama sẽ ra sao? Liệu ông Obama có tiếp tục xây dựng dựa trên những điểm tích cực và nỗ lực vượt qua những điểm tiêu cực? Câu trả lời là "có" và "không".


Ông Obama sẽ tiếp tục gia tăng sức ép với Iran mà không tạo ra việc leo thang thù địch trực tiếp; ông có thể sẽ đi xa hơn Hiệp ước START trong quan hệ với Nga; ông sẽ tiếp tục tăng cường các mối quan hệ của Mỹ với các láng giềng Mỹ Latinh và ở khắp khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông Obama nhiều khả năng sẽ không tiếp tục nỗ lực tìm cách tiếp cận mới đối với cuộc xung đột Arập-Ixraen hay đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của Mỹ trong vấn đề thương mại quốc tế hoặc biến đổi khí hậu.

Lý do để ông Obama tiếp tục đi theo các thành tựu đã đạt được và tránh đương đầu với các vấn đề không thể vượt qua được trong 2 năm qua là vì ông Obama không thể để chính sách đối ngoại chi phối chương trình hành động của hai năm cuối nhiệm kỳ. Sự phục hồi kinh tế trong nước không chỉ có vai trò sống còn đối với triển vọng tái cử của ông mà còn bởi nếu không có sức mạnh ở trong nước thì sức mạnh của Mỹ ở nước ngoài cũng sẽ tiếp tục bị xói mòn. 

Lê Dương (P/v TTXVN tại Anh)