04:23 03/04/2013

Chính sách dân tộc, miền núi mang lại hiệu quả tốt

Các chương trình, chính sách, dự án được thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi thời gian vừa qua đã và đang thổi luồng sinh khí mới, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước phát triển về mọi mặt kinh tế, xã hội.

Các chương trình, chính sách, dự án được thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi thời gian vừa qua đã và đang thổi luồng sinh khí mới, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước phát triển về mọi mặt kinh tế, xã hội. Bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới ngày một khởi sắc.

 

Chính sách đã đến với đồng bào


Theo dự thảo “Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2006 - 2012 và triển khai thực hiện chính sách ở vùng dân tộc và miền núi giai đoạn tới” của Ủy ban Dân tộc, những năm qua, hệ thống chính sách thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi là đúng hướng, phù hợp thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc.

 

Làm đường liên xã ở huyện Mường Tè, Lai Châu từ nguồn vốn các chương trình chính sách.

Các chính sách đã bao trùm được các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các địa bàn, đối tượng vùng dân tộc và miền núi; lại được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đồng thuận, quan tâm chỉ đạo thực hiện với quyết tâm cao, nên đạt được kết quả quan trọng. Chính sách phát huy hiệu quả tích cực, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được đồng bào đồng tình ủng hộ.


Hệ thống chính sách thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi được thể hiện qua gần 160 văn bản quy phạm pháp luật.


Các chính sách dân tộc, nổi bật nhất là Chương trình (CT) 135 giai đoạn II đã đi vào cuộc sống, phát huy sự sáng tạo, ý chí, nguồn lực của nhân dân và toàn xã hội, từng bước làm thay đổi bộ mặt vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. CT 135 đã đầu tư đồng bộ, hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, hỗ trợ sản xuất, tăng sản lượng cây trồng, vật nuôi, góp phần quan trọng vào cải thiện đời sống cho nhân dân, tỷ lệ đói nghèo trong những năm qua giảm nhanh; CT 135 được sự đồng tình ủng hộ và đánh giá cao của các tổ chức, các nhà tài trợ.


Chính sách dân tộc giai đoạn 2006 - 2012 đã huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện: Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư; vốn ODA, vốn địa phương đối ứng, sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng nơi thụ hưởng chính sách. Những năm qua, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hàng trăm nghìn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Sau 5 năm thực hiện chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn theo QĐ 32 và QĐ 126 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2012, Ngân hàng Chính sách - Xã hội đã bố trí cho 118.530 hộ đồng bào vay vốn với tổng dư nợ 532 tỷ đồng. Hiện nay còn 156.802 hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất.


Những năm qua, các cấp, các ngành và các địa phương tích cực triển khai thực hiện các chính sách: Hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo QĐ 102; hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS theo QĐ 33 và 1342 của Thủ tướng Chính phủ; cấp một số báo, tạp chí miễn phí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo QĐ 975, nay là 2472/QĐ-TTg.


Việc thực hiện các chính sách dân tộc đã phát huy dân chủ cơ sở, đồng bào ủng hộ với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng; cơ quan chức năng tích cực kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn thực hiện, kịp thời xử lý tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình dự án, phục vụ đời sống dân sinh.

 

Còn nhiều vướng mắc


Cũng theo Ủy ban Dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2006 - 2012 còn những tồn tại, hạn chế: Chính sách mang tính nhiệm kỳ, còn chồng chéo về đối tượng, địa bàn thụ hưởng; hầu hết mang tính hỗ trợ, chưa có chính sách đầu tư trọng điểm, hiệu quả chưa cao, chưa bền vững. Nhiều chính sách mục tiêu kỳ vọng cao, song nguồn vốn không đáp ứng nên kéo dài thời gian thực hiện, hiệu quả thấp, thậm chí gây lãng phí. Công tác phối hợp còn hạn chế; công tác quản lý có mặt còn chồng chéo; công tác phối hợp, lồng ghép các nguồn vốn còn bất cập; việc kiểm tra, giảm sát, chưa thường xuyên, thiếu liên tục nên hiệu quả chính sách hạn chế.


Tại cuộc họp đóng góp xây dựng báo cáo, ngày 2/4/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã chỉ đạo các vụ, đơn vị liên quan của Ủy ban Dân tộc phân tích, đánh giá, rà soát, đề xuất để bãi bỏ chính sách không phù hợp; sửa đổi bổ sung chính sách thiết thực cho vùng dân tộc và miền núi. Bộ trưởng lưu ý, cần khái quát, nêu bật tình hình thực hiện chính sách dân tộc và miền núi, phân tích thành tựu đạt được. Qua đó, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng dân tộc và miền núi; hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là trong giai đoạn kinh tế toàn cầu suy thoái. Sự quan tâm đó thể hiện ở các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo; bảo đảm an sinh xã hội; diện mạo vùng nông thôn và miền núi được thay đổi.


Bộ trưởng cũng yêu cầu hoàn chỉnh báo cáo, nêu rõ những khó khăn vướng mắc, bất cập trong xây dựng, thực hiện chính sách; nêu rõ sự phối hợp thực hiện, trách nhiệm thuộc về đơn vị nào để có giải pháp tháo gỡ nút thắt, để Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội; thống kê chính sách nào cần kéo dài, chính sách nào phải ban hành mới; sự cần thiết thành lập Học viện Dân tộc để phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi…


Bài và ảnh: Xuân Vũ