11:07 30/11/2022

Chính sách đặc thù tạo động lực giúp hai huyện miền núi Khánh Hòa phát triển

Tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách, mô hình kinh tế hỗ trợ người dân ở hai huyện miền núi khó khăn là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, lại chi phối bởi điều kiện địa lý không thuận lợi, giao thông cách trở, trình độ dân trí chưa cao... nên hai địa phương này vẫn rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung để bắt kịp miền xuôi. 

Chú thích ảnh
Gia đình bà Hứa Thị Thoa- thôn suối Lách, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh đã quyết tâm vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình. 

Nghị quyết 09-NQ/TW ban hành ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cơ hội để tỉnh phát triển, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, Khánh Hòa đã đề ra chủ chương huy động nhiều nguồn lực tập trung vào phát triển kinh tế xã hội tại hai huyện miền núi nói trên nơi có đông người dân tộc thiểu số Raglai, T’rin... sinh sống.
Khánh Hòa hiện có gần 12.000 hộ nghèo, chiếm gần 3,9% tổng số hộ dân toàn tỉnh, tập trung chủ yếu tại hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Khánh Sơn là 47%, huyện Khánh Vĩnh 45%. Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%/năm. 

Theo đó, tỉnh tập trung chăm lo công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, quyết tâm đưa hai huyện này thoát nghèo. Trong Nghị quyết 09-NQ/TW và các chính sách đặc thù nêu rõ cần giúp hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với phát huy bản sắc, văn hóa của địa phương. Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa có các chính sách đặc thù tập trung nguồn lực cho hai huyện này để phát triển trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hoa - Chủ tịch UBND xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, trước đây, trên địa bàn chỉ có trục giao thông chính đi vào trung tâm xã, còn hiện nay các tuyến đường vào khu sản xuất đã được đầu tư xây dựng. Qua đó, hàng hóa được lưu thông thuận tiện, nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, nguồn vốn trung ương cũng hỗ trợ cho bà con về xây dựng nhà ở, mở rộng diện tích đất sản xuất. Hiện địa phương đã kiến nghị các đơn vị lâm trường hoàn tất thủ tục để giao đất cho người dân. Đồng thời, xã Khánh Trung thực hiện tốt chính sách thoát nghèo phải phát huy vai trò của các tổ chức như khuyến nông, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên. Thông qua các tổ chức này giúp người dân thay đổi nhận thức, cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bà Cao Thị Ngọc Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Trung cho biết, nguồn vốn từ các chính sách đặc thù sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại cây ăn quả giá trị cao, đẩy mạnh dạy nghề để tạo việc làm cho bà con. Quan trọng nhất vẫn là giảm được nghèo bằng các mô hình kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng để bà con không được bán đất làm mất tư liệu sản xuất mà tăng giá trị sản xuất trên diện tích đất.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi lợn tại xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, giúp người dân tộc thiểu số có cơ hội thoát nghèo. 

Hiện nay, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đang rà soát các danh mục đầu tư xây dựng để tận dụng cơ hội mang lại khi Nghị quyết 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó có nhiều nội dung dành riêng cho hai huyện miền núi này.

Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, chính sách đặc thù giúp huyện khắc phục hạn chế chênh lệch về sự phát triển so với các địa phương khác trong tỉnh. Đồng thời, thực hiện được mục tiêu phát triển hai huyện miền núi trở thành “các tiểu đô thị sinh thái núi rừng”. Việc phát triển của hai huyện sẽ giúp tỉnh Khánh Hòa đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Việc đầu tư sẽ tập trung vào các công trình mang tính liên vùng, kết nối để kích cầu, phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của địa phương. Hướng đầu tư tập trung cho các công trình mang tính liên vùng, kết nối, có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, kích cầu cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở hai huyện miền núi này.

Còn theo ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, huyện đã xây dựng và hoàn thiện việc xây dựng đề án tổng thể giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022- 2025. Đề án hiện đang trình Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Đề án bao gồm 7 dự án và 11 tiểu dự án. Trong đó có các dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; dự án đa dạng sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất cải thiện dinh dưỡng; dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp việc làm bền vững vùng khó khăn.

Về nguồn vốn vay sản xuất hiện nay ngân hàng chính sách huyện Khánh Sơn đã thực hiện cho vay tất cả các nguồn vốn với hơn 237 tỷ đồng… Tính đến tháng 11/2022, tất cả các dự án đã vay sử dụng có hiệu quả. Các dự án đều thực hiện trồng sầu riêng, hiệu quả kinh tế cao đem lại thu nhập ổn định cho người lao động tại chỗ; tạo được việc làm mới cho người lao động, nhờ đó người lao động đã được thực sự thoát nghèo.

Bài và ảnh: Đặng Anh Tuấn (TTXVN)